Người phụ nữ trẻ nhập viện cấp cứu sau 2 ngày đi chơi

ANH - Tamara bị sưng mắt, chóng mặt và nổi u nhỏ trên đầu chỉ sau 2 ngày đi chơi ngoài trời. Khi đi khám, Tamara nhận chẩn đoán bị ngộ độc ánh nắng mặt trời.

Khi mới có triệu chứng, Tamara Harris cho rằng mình bị côn trùng cắn nên ra hiệu thuốc để mua kem bôi. Tuy nhiên, tình trạng của cô trở nên tồi tệ hơn trong chuyến bay từ Hungary về nhà ở Anh.

Khi máy bay hạ cánh, Tamara lập tức vào bệnh viện cấp cứu và được xác định bị ngộ độc ánh nắng. Tamara kể lại: “Khi tôi thức dậy, toàn bộ khuôn mặt sưng vù, tôi không thể mở mắt được. Tôi đến thẳng khoa cấp cứu và được cho dùng steroid, chlorphenamine”.

Theo Birmingham Live, cô gái 24 tuổi phải nghỉ làm 3 ngày do mặt vẫn sưng.

Tamara Harris sưng húp mắt do bị ngộ độc nắng. Ảnh: Jam Press

Tamara Harris sưng húp mắt do bị ngộ độc nắng. Ảnh: Jam Press

Sự cố xảy ra với Tamara trong kỳ nghỉ tại Budapest (Hungary) vào đầu tháng 7 nhưng mãi tới nay cô mới bắt đầu bình phục. Vết sưng tấy trên mặt cô cuối cùng đã giảm bớt, chỉ còn dấu vết của một vài mảng nhỏ.

Sau khi điều trị, Tamara đưa ra lời cảnh báo với mọi người: "Tôi có làn da rám nắng do đi du lịch nhiều và đôi khi quên bôi kem chống nắng lên mặt. Lời khuyên số một mà tôi đưa ra là hãy luôn sử dụng kem chống nắng. Đặc biệt khi mức độ tia cực tím cao, bạn phải bảo vệ làn da của mình bằng mọi giá”.

Ngộ độc ánh nắng là gì?

Theo Webmd, ngộ độc ánh nắng là thuật ngữ được sử dụng cho trường hợp cháy nắng nghiêm trọng. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím.

Chỉ trong vòng 15 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng, người bệnh có thể bị cháy nắng nhưng lại không nhận ra điều đó ngay lập tức. Nguy cơ cao hơn với người ở ngoài trời lâu, không có đồ bảo vệ, làn da sáng.

Bôi kem chống nắng là thói quen tốt khi ra ngoài trời. Ảnh minh họa: AI

Bôi kem chống nắng là thói quen tốt khi ra ngoài trời. Ảnh minh họa: AI

Ngộ độc ánh nắng có thể gây ra các triệu chứng như da đỏ, phồng rộp, đau, ngứa ran, sưng tấy, đau đầu, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, chóng mặt, mất nước.

Đối với các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh hãy ra khỏi khu vực có nhiều ánh nắng mặt trời, tắm nước mát (không lạnh), bổ sung nước trong vài ngày, dùng thuốc giảm đau, sử dụng gel lô hội hoặc kem dưỡng ẩm, che phủ hoàn toàn vùng da bị cháy nắng khi đi ra ngoài.

Bệnh nhân cần tới viện ngay nếu vết cháy nắng hình thành mụn nước, bao phủ một vùng rộng lớn hoặc rất đau đớn, sưng mặt, sốt, ớn lạnh, đau bụng, nhức đầu, lú lẫn, ngất xỉu.

Để phòng ngừa ngộ độc nắng, 15-30 phút trước khi ra ngoài trời, mọi người nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30 có tác dụng bảo vệ da khỏi tia cực tím. Thoa lại ít nhất 2 giờ một lần, sau khi bạn ra mồ hôi hoặc ở dưới nước.

Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h đến 14h, đeo kính râm, đội mũ và mặc quần áo che chắn cẩn thận.

An Yên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-phu-nu-tre-nhap-vien-cap-cuu-sau-2-ngay-di-choi-ngoai-nang-2302325.html