Người phụ nữ trồng rau trên giấc mơ xanh
Là một người phụ nữ, không toan tính, không mưu cầu điều gì quá lớn, chỉ khát khao làm sạch mảnh vườn quê mình, gieo lại giống rau xưa, và để người nghèo cũng được ăn rau sạch như người giàu.
Sáng sớm ở Đa Nhim. Mặt trời còn chưa kịp rút những giọt sương đọng trên kẽ lá, thì Lê Ngọc đã có mặt ở cánh đồng rau. Đôi ủng cao su xắn đến bắp chân, áo khoác màu nâu gỗ phủ lớp đất mỏng, bàn tay mang găng cầm theo chiếc liềm nhỏ. Gương mặt chị rám nắng nhưng tươi sáng. Không son, không phấn, không phụ kiện, chỉ có một vẻ rạng rỡ rất lạ của người sống hòa với đất.

Từ giấc mơ giấy trắng đến một giấc mơ có hương đất
Cách chị cúi xuống nhặt cọng rau héo, nhẹ tay lật tán xà lách, thả mắt nhìn những luống khoai lang mật đang chờ nắng khô… ấy là cách của một người phụ nữ không làm nông vì bất đắc dĩ, mà vì yêu, vì chọn. Vì không thể không.
Ai đó từng biết đến Lê Ngọc trong bộ đồ công sở ở Sài Gòn, bước ra khỏi xe hơi và bước vào những phòng họp điều hòa, chắc chẳng thể nào hình dung nổi cảnh tượng này. Khi ấy, chị là thạc sĩ luật học, giám đốc tài chính, tư vấn đầu tư cho không ít doanh nghiệp lớn. Thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Câu chữ rành mạch, gương mặt luôn tỉnh táo và có phần lạnh.

Chị có bằng Cử nhân kinh tế kỹ thuật chuyên về gỗ ở Đại học Nông Lâm, rồi bằng cử nhân Luật học, Tài chính kế toán tại Đại học Kinh tế TP. HCM. Và cuối cùng là tấm bằng thạc sĩ Luật học Huế.
Thế mà giờ đây, Lê Ngọc lại chọn nắng, chọn đất, chọn khoai, chuối, và cả những đứa trẻ vùng cao.
Năm 2017, giữa lúc công việc, bằng cấp, danh vị của Lê Ngọc đang ở “đỉnh hình tam giác”, chị rẽ sang một con đường không ai ngờ tới. Chị bỏ phố về quê, mua một mảnh đất ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để bắt đầu một hành trình mới: xây dựng trang trại rau sạch An Yên Home – đúng như cái tên chị đặt, một nơi “bình yên tự trồng lên”.
Quyết định ấy đã khiến không ít người xa lánh, mỉa mai. Có người thẳng thừng hỏi: “Chắc chị sa cơ hay bị gì nên mới… về vườn?”. Cũng có người nói “dở hơi”, có người thì thở dài: “Đang ngon lành thế mà…”. Cũng có người chẳng buồn nói gì, chỉ block nick, hoặc lặng lẽ xóa tên chị khỏi danh sách những người “thành công”.

Nhưng khi đứng trước cánh đồng của chính mình, nhìn đám trẻ con chạy lon ton đến nhận sách, nhận thuốc ho, nhận gói bút mực, thì chị nói: “Có thể họ đã đúng. Nhưng tôi cũng không sai. Tôi chọn đúng với chính mình”.
Họ không biết rằng, từ thuở bé sống với bà ngoại, chị đã mê cái mùi ẩm của đất, mê cách lá cải mỏng tang vẫn vươn lên dưới mưa. Chị mê những giống cây cũ: chuối Laba trồng tám tháng mới hái, khoai lang mật giống xưa phải để một tuần mới chảy mật. Với chị, trồng rau không phải là rẽ ngang, mà là trở lại.

An Yên Home, cái tên như một lời thì thầm, là nơi chị hồi sinh những giống cây bị quên lãng. Chuối Laba giống cũ, tám tháng mới thu hoạch, nhưng thơm ngọt, mềm dẻo như kỷ niệm tuổi thơ. Khoai lang mật, không giống loại người ta trồng ồ ạt sáu mươi ngày là đào, mà là giống cũ, trồng xong phải chờ, thu hoạch rồi phải để đó thêm một tuần mới đem nướng. Chờ để mật chảy ra. Chờ như chị từng chờ mình tìm thấy đúng nơi thuộc về.
Chị khoan giếng để cả xóm dùng chung. Chị trồng lan đột biến, bán được bao nhiêu lại mua thuốc ho, bút vở, sữa và áo ấm cho lũ trẻ. Mỗi món quà nhỏ gửi đi là một niềm vui được gom góp lại từ cây, từ đất, từ lòng kiên nhẫn. Trang trại của chị không chỉ là nơi trồng rau, mà còn là nơi ươm người.
Thời tiết Đà Lạt khắc nghiệt. Mùa khô thì nứt nẻ, mùa mưa thì ngập úng. Người dân vùng đồng bào quanh Đa Nhim không quen làm đúng kỹ thuật. Chị Ngọc dạy họ cách bón phân vi sinh, hướng dẫn quy trình trồng rau sạch, nhưng chỉ quay lưng đi là họ lại làm theo thói quen cũ. Có lúc chị mệt đến mức muốn ngồi bệt xuống giữa vườn mà khóc.
Thế mà chị lại vẫn kiên trì giảng giải từng việc một, dặn tới dặn lui về phân vi sinh, rồi lại thở dài khi họ quên, làm sai. Nhưng chị không mắng, chị vẫn dạy lại, vì chị biết: yêu một vùng đất, là phải học cách yêu cả những điều lộn xộn trong đó.

Trồng rau hay gieo mầm tử tế?
An Yên Home ngày nay là nơi bảo tồn giống bản địa: chuối Laba, khoai lang mật, rau thơm truyền thống. Không chỉ có rau, Lê Ngọc còn mở khu lưu trú cho thú cưng, những chú chó mèo được yêu thương, sống giữa thiên nhiên, không xích, không chuồng.
Chị còn muốn nhân rộng mô hình sang huyện Đức Trọng, hỗ trợ bà con giống rau sạch, bao tiêu đầu ra. Dẫu khó khăn còn đó, người dân chưa quen quy trình, thị trường vẫn biến động, nhưng niềm tin của người tiêu dùng là phần thưởng chị giữ cho mình.
Một người có thể bỏ học vị, từ bỏ thu nhập, rời thành phố về quê sống đời chân lấm tay bùn không phải vì thiếu, mà vì đủ. Đủ để biết mình cần gì. Đủ để chọn cách sống tử tế, dù con đường ấy không dễ đi.
Chị Lê Ngọc, trong nắng sớm Đà Lạt, không còn là hình ảnh thạc sĩ rạng rỡ cầm hoa trong lễ tốt nghiệp. Nhưng nụ cười của chị bây giờ – giữa những hàng rau, bên cạnh con chó già và chiếc giỏ xách tre, mới thực sự là tấm bằng vinh quang nhất mà cuộc đời trao tặng.

Thỉnh thoảng, người ta lại thấy chị ngồi giữa vườn, tay xoa đầu một chú chó đang lim dim ngủ, miệng cười mỉm khi nghe tiếng gà gáy muộn. Trang trại ấy có cả khu lưu trú cho thú cưng, những con vật bị bỏ rơi, hay được gửi về đây “đi nghỉ dưỡng”. Chúng sống chung với hoa và rau, không rọ mõm, không xích cổ. Chúng là một phần của gia đình.
“Ngày xưa tôi có mọi thứ, bằng cấp, chức vụ, thu nhập. Bây giờ thì tôi có rau sạch, có lũ trẻ con gọi mình là “cô Ngọc rau”, có những con chó già ngáp dài bên chân. Tôi thấy mình đủ”. Giọng chị nói như thì thầm. Nhưng đất nghe thấy, và đất gật đầu.
Nếu ai đó hỏi: điều gì đặc biệt nhất ở chị Lê Ngọc? Không phải ba tấm bằng thạc sĩ, không phải An Yên Home rộng lớn, cũng không phải những hợp đồng xuất khẩu rau sạch đầu tiên. Mà là chị đã dám bước ngược lại đám đông, dám lựa chọn điều giản dị và trung thực nhất.
Là một người phụ nữ, không toan tính, không mưu cầu điều gì quá lớn, chỉ khát khao làm sạch mảnh vườn quê mình, gieo lại giống rau xưa, và để người nghèo cũng được ăn rau sạch như người giàu.
Lê Ngọc đơn thuần chỉ là một bản tình ca thật đẹp – viết bằng bùn đất, nước giếng, và cả tiếng gió cao nguyên…
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-phu-nu-trong-rau-tren-giac-mo-xanh-d205673.html