Người phụ nữ 'vỡ dạ dày' vì thói quen chỉ ăn 1 món trong bữa cơm
Người phụ nữ 50 tuổi không hút thuốc, không uống rượu nhưng mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Nguyên nhân đến từ thói quen ăn thịt đỏ và chế biến sẵn.
Một trường hợp ung thư tuyến tụy mới đây được bác sĩ Lin Xianghong, giám đốc Phòng khám Quản lý Sức khỏe Dân quyền Hexin (Đài Loan, Trung Quốc), chia sẻ trên mạng xã hội đã gây chú ý.
Nạn nhân là một người phụ nữ 50 tuổi, không hút thuốc, không uống rượu, cũng không có tiền sử gia đình mắc bệnh mãn tính.
Dù vậy, bà đã xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau tức vùng bụng trên, cơ thể căng thẳng và giảm đến 9kg chỉ trong thời gian ngắn. Qua kiểm tra nội soi ban đầu, dạ dày của bà bị “vỡ nhẹ”. Tiếp tục siêu âm và chụp cắt lớp, bác sĩ phát hiện một khối u dài 4cm tại tuyến tụy, nghi ngờ ung thư giai đoạn giữa và cuối.
Kết quả kiểm tra chi tiết cho thấy chỉ số CA19-9 của bệnh nhân cao gấp 7 lần bình thường, vượt ngưỡng an toàn. Vì khối u gần mạch máu và có kích thước lớn, khả năng phẫu thuật ngay rất thấp, buộc phải điều trị hóa chất trước để thu nhỏ khối u. Theo ước tính, khối u này đã hình thành từ một năm trước, nhưng việc không kiểm tra chuyên sâu đã khiến bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội phát hiện bệnh sớm.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy được bác sĩ Lin xác định có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống thiếu khoa học. Người phụ nữ này thường xuyên ăn thịt đỏ và các loại thịt chế biến sẵn, gần như không bổ sung nhóm thực phẩm khác.
Theo WHO, thịt đỏ (như bò, cừu, heo, trâu…) chứa sắc tố haem, dễ gây tổn thương tế bào và tạo ra các hợp chất độc hại khi vào cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, tuyến tụy. Trong khi đó, xúc xích, thịt khô, lạp xưởng… thuộc nhóm thịt chế biến sẵn, cũng được WHO xếp vào nhóm nguy cơ cao gây ung thư. Những loại thực phẩm này thường chứa hóa chất bảo quản và chất béo bão hòa, khi tiêu thụ quá mức sẽ làm suy yếu cơ thể.
Cảnh báo từ bác sĩ: Tiêu thụ hơn 70g thịt đỏ mỗi ngày đã có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Việc cắt giảm thịt chế biến sẵn trong khẩu phần ăn không chỉ giảm nguy cơ ung thư mà còn hạn chế lượng chất béo bão hòa nạp vào cơ thể.
Phát hiện sớm là yếu tố then chốt trong điều trị ung thư tuyến tụy. Nếu phát hiện từ giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến 80%. Trường hợp này một lần nữa nhắc nhở về tầm quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng và kiểm tra sức khỏe định kỳ.