Một lần ghé chơi nhà người bạn làm nghề phục chế sách, ông đã thử làm và cảm thấy mình phù hợp với nghề này. Dần dần ông học nghề rồi mở tiệm và gắn bó với nghề cho đến nay.
Ông Rạng kể: 'Những quyển sách người ta đem đến tiệm ông nhờ phục chế thường là những quyển sách quý giá, có nhiều kỷ niệm với chủ nhân. Dù bây giờ những quyển sách đó có thể mua ở các cửa tiệm nhưng giá trị thời gian và kỷ niệm là vô giá'.
Mỗi ngày ông làm từ 1-2 quyển sách, những quyển mất lề, sứt chỉ, úa nhàu...được ông dán lại, sửa cho ngay thẳng. Mỗi quyển sách tùy mức độ hư hỏng mà ông lấy giá theo công sức từ vài chục ngàn đến khoảng 100.000 đồng/cuốn. Ông làm chậm rãi, từ từ cho đến khi hoàn thành. 'Nghề này phải tỉ mỉ, nhẫn nại, không ai hối được'.
Ông bị liệt 1 chân từ nhỏ do bệnh. Nghề làm sách là một công việc phù hợp với sức khỏe của ông. 'Làm nghề này không có dư, làm tà tà đủ sống', ông Rạng cười cho biết.
Ông kể, vào khoảng những năm 60 -70 của thế kỷ trước, ở Tp.HCM có chừng chục cơ sở phục chế sách cũ. Nhưng thời đại phát triển, người ta tìm đọc sách mới nhiều, những cơ sở phục chế sách cũ cũng mất dần.
Ông Rạng cắt giấy để làm bìa cho sách cũ.
'Mình mê sách nên làm nghề này thấy cũng tự nhiên. Người đọc sách họ điềm đạm, từ tốn, nên những người đem sách đến sửa đều rất tử tế', ông Rạng nói.
Ông Rạng dừng công việc vào 16h mỗi ngày, thời gian còn lại ông xem tivi, chơi đàn, cà phê cùng bạn bè.
Ông Rạng cho biết những quyển sách cũ như: Dư Địa chí, Việt Nam Sử Lược, các sách văn học, dạy làm người, sách kỷ yếu...là được mang đến sửa nhiều vì gắn với kỷ niệm của người mua sách.
Nhiều quyển sách cũ gần như không đọc được vẫn được mang đến cho ông sửa chữa.
Những quyển sách được phục chế thành phẩm.
Kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, ông Rạng xem ti vi giải trí ở nhà
T.Tùng