Người phục vụ kể chuyện Bác Hồ dạy mài dao ở Việt Bắc
Ông Lê Bá Cải - người từng trực tiếp phục vụ Bác Hồ, nhớ mãi ký ức lần đầu tiên gặp Bác, được Bác dạy mài dao bên bờ suối vào một buổi chiều năm 1953.
"Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn…", từng dòng chữ trong bản di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh vang vọng khắp căn nhà nằm trên phố Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm, Hà Nội), qua giọng đọc hào sảng của ông Lê Bá Cải - nguyên cán bộ Vụ Hành chính, Văn phòng Chính phủ, người từng trực tiếp phục vụ Bác Hồ.
Cứ đến các dịp lễ lớn của dân tộc, ông Cải thường xem lại những kỷ vật, hình ảnh gắn liền với Bác. Và đó cũng là cách để ông nhắc nhớ bản thân đã có một tuổi trẻ thật nhiều kỷ niệm với vị lãnh tụ kính yêu.
Đã bước sang tuổi 90, mái tóc bạc trắng, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng khi kể những câu chuyện về Bác Hồ, ông Cải lại trào dâng cảm xúc.
"Quãng thời gian được phục vụ Bác Hồ là vô cùng hạnh phúc đối với một người trẻ tuổi như tôi vào thời điểm đó, dù điều kiện, hoàn cảnh sống và làm việc vô cùng khó khăn" - giọng ông Cải nhiều lúc nghẹn lại vì xúc động khi kể chuyện những năm phục vụ Bác.
Ông Lê Bá Cải nhớ từng chữ, từng dấu câu trong di chúc của Bác Hồ.
Lần đầu tiên gặp Bác bên suối
Ông Lê Bá Cải sinh năm 1933 tại xã Đông Tiến (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Cách mạng Tháng Tám diễn ra, ông đi theo các bậc cha chú trong làng hô vang khẩu hiệu "Đả đảo thực dân Pháp! Đả đảo bọn cường hào gian ác!".
Sau đó ông Cải được kết nạp vào đội tuyên truyền của thôn, của xã.
"Đầu năm 1953, khi đang làm Phó Bí thư Đoàn xã Đông Tiến, một cán bộ huyện gặp và hỏi tôi: "Này chú, tỉnh ta cần một số thanh niên đi xây dựng khu căn cứ kháng chiến. Xã Đông Tiến sẽ có 3 người, chúng tôi định lấy chú đi. Chú có đồng ý không?". Ngọn lửa cách mạng sôi sục, chẳng ngập ngừng, tôi đồng ý ngay", cụ ông 90 tuổi kể về cái duyên đi theo con đường cách mạng.
Một tuần sau, Lê Bá Cải nhận được giấy triệu tập của Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa. Mấy chục thanh niên được đưa đến làng Thọ Vực (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), ở đây khoảng nửa tháng thì có hai cán bộ Trung ương về dẫn đi.
"Chúng tôi hành quân bộ, đêm đi ngày nghỉ, tránh bị địch tập kích. Mất 1 tháng thì lên đến Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Lên đến nơi được bổ sung vào Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 - bí danh của Chủ tịch Phủ - Thủ tướng Phủ tại An toàn khu Sơn Dương", ông Cải nói.
Theo lời ông Cải, Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 có nhiệm vụ xây dựng nhà ở cho Bác Hồ, cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho cán bộ trong Trung ương Đảng và một số cơ quan Trung ương. Nhà được dựng lên bằng những tấm phên tre, phên nứa ở sâu trong rừng già.
Sau mỗi ngày chặt luồng, tre… cả đội sẽ đi đến bờ suối tắm giặt, mài dao cho sắc để hôm sau tiếp tục công việc. Và đó cũng là cơ duyên để ông Cải có lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Mình thanh niên mới lớn, ở quê còn ham chơi nên có biết mài dao đâu, chủ yếu là bố làm cho. Tôi lấy hòn đá cuội kê dao lên, lẽ ra mài phải cầm dao nghiêng thì lưỡi nó mỏng mới sắc được, nhưng mình không biết nên cầm thẳng để chà qua lại", ông Cải cười lớn, thuật lại.
Ông Cải vẫn nhớ, khi ông đang chăm chú mài dao sau ngày làm việc thì trước mắt bỗng xuống hiện vài bóng người.
"Chú mài như thế này dao sẽ càng cùn. Chú phải cầm nghiêng nghiêng con dao", nghe giọng nói ôn tồn, ông Cải giật mình ngẩng mặt lên.
Trước mặt là cụ ông ngoài 60, đeo chiếc khăn mặt che từ mũi trở xuống, phía sau có 3 - 4 người thanh niên. Ông Cải suýt nhảy dựng lên vì vui sướng bởi người vừa chỉ ông cách mài dao chính là Bác Hồ.
- Cháu chào Bác!
- Tại sao chú lại biết Bác?
- Thưa Bác, khi cháu ở nhà có tham gia đội tuyên truyền của xã. Cháu đi thi văn nghệ trên huyện thì xem được một đơn vị đóng kịch về Bác, cũng đeo khăn mặt như thế này nên cháu nhận ra ngay.
Ông Cải với đôi mắt sáng rực, ánh lên nét tự hào kể về cuộc đối thoại với Bác Hồ bên bờ suối. Ông Cải bảo, sau đó Bác cúi xuống, cầm dao mài vài đường làm mẫu, rồi Bác rửa tay và rời đi ngay.
Một kỷ niệm khác, mà ông Lê Bá Cải nhớ mãi, thể hiện đức tính "nói đi đôi với làm" của Bác. Đó là dịp cuối năm 1953, một đêm cả vùng bị cơn lốc mạnh làm đổ nhiều cây chắn ngang đường. Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 được lệnh phân làm nhiều tổ đi giải tỏa các con đường mòn khi trời sáng.
Ông Cải cho hay, tổ của mình còn có thêm 5 người nữa gồm các ông: Nguyễn Văn Chừng, Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Tước, Phạm Văn Chi và Nguyễn Văn Sách.
"Chúng tôi chia từng cặp, đang chăm chú cưa từng đoạn cây thì bỗng thấy Bác Hồ ngồi trên lưng ngựa cùng 4 cảnh vệ đi tới. Anh em vội đứng lên chào Bác, luống cuống quên cả việc đang làm. Bác xuống ngựa, tiến tới chỗ mọi người đang bối rối. Bác bảo các chú chào Bác xong lại tiếp tục công việc, khẩn trương lên chứ, sao còn đứng đấy", ông Cải kể.
Bấy giờ ai nấy mới vội chạy về vị trí đang làm, cầm cưa. Nhưng luống cuống cưa mắc kẹt, kéo đẩy đều không được. Bác bảo cặp cưa Cải - Quang: "Các chú phải một chân giữ cây, một chân đè lên thân cây hai bên cho nó hở mạch thì cưa mới nhanh được".
Bác nhìn sang cặp Tước - Chi, lưỡi cưa cũng đang mắc kẹt giữa thân cây dài vắt qua đường. Người nói vui, thân mật: "Mấy chú này chắc chưa quen cầm cưa. Cây này dài, đè chân lên mạch càng ngậm chặt, các chú phải kê đỡ dưới mạch hoặc một người nâng mạch cưa lên".
Người cảnh vệ đi cùng Bác Hồ cũng đứng hướng dẫn thêm. Anh vừa nói, vừa chỉ tay ra hiệu. Bác đến bên vỗ vai: "Chú nói đúng. Nhưng miệng nói tay làm giúp các chú ấy cho nhanh thì càng đúng hơn".
Mọi người cùng cười vui vẻ và Bác cũng giúp một tay dọn dẹp rất nhanh một lối đi nhỏ.
Những bức ảnh chụp cùng Bác Hồ được ông Lê Bá Cải xem như báu vật.
Ngủ quên nên lỡ hẹn đi tập thể dục cùng Bác
Nhìn lên ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở gian phòng khách, ông Lê Bá Cải bỗng xúc động, giọng nói ông có lúc như nghẹn lại. Rồi ông nói tiếp những kỷ niệm của ông khi làm người phục vụ của Bác.
Sau khi giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 được cử về Hà Nội để sửa sang lại Phủ Toàn quyền Đông Dương (sau này là Phủ Chủ tịch).
"Vì khu nhà cũng được xây dựng kiên cố rồi, nên chúng tôi chủ yếu quét vôi lại, dự tính đây sẽ là nơi ở và nơi làm việc của Bác", ông Cải nói.
Tuy nhiên, theo ông Cải, tháng 12/1954, khi Bác cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Việt Bắc về Hà Nội, Bác từ chối không ở ngôi nhà của Toàn quyền Đông Dương.
"Thủ tướng Phạm Văn Đồng thưa với Bác: "Xin mới bác lên ở nhà 2 tầng". Nhưng Bác đáp: "Chú khỏe chân thì chú trèo lên gác. Bác mỏi chân ở nhà chú thợ điện". Bác chọn cho mình gian nhà cấp 4 của người thợ điện, sau này được gọi là nhà 54", ông Cải kể và cho biết, đó là ngôi nhà 1 tầng khoảng 50 m2, ẩm thấp, ở bên góc bờ ao trong Phủ Chủ tịch (cách ngôi nhà sàn hiện nay khoảng 100 m). Nhà đổ mái bằng nên mùa hè rất nóng, còn mùa đông thì lạnh.
Sau khi Bác về lại Hà Nội, các cán bộ thuộc Đội Xây dựng thuộc Ban kiểm tra 12 được sắp xếp công tác tại nhiều Bộ, ban ngành khác nhau. Ông Lê Bá Cải được giữ lại đội phục vụ, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những năm tháng phục vụ Bác Hồ tại Hà Nội, ông Cải còn có cơ hội đi tập thể dục vào mỗi buổi sáng cùng Người.
Theo ông Cải, hàng ngày Bác thức dậy lúc 4h sáng. Bác sẽ xem một lượt các báo như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc… Bác xem có việc gì đáng khen thì khen thưởng, việc gì đáng chấn chỉnh thì phải chấn chỉnh ngay.
"Sau khi thấy Bác đọc báo xong thì tôi cùng 2 đồng chí nữa có mặt trước cửa nhà để đi thể dục cùng Bác. Trong khi đi thì chủ yếu Bác cháu trò chuyện về cuộc sống thường nhật. Cứ đi hết 2 vòng Phủ Chủ tịch thì Bác về vệ sinh cá nhân, ăn sáng và bắt đầu ngày làm việc", ông Cải cho hay.
Nhưng ông Cải cũng có một "sự cố" nhớ đời liên quan đến chuyện đi thể dục cùng Bác.
Vào một buổi tối thứ Bảy, ông cùng 2 người đồng đội xin phép lãnh đạo cơ quan ra khu vực Hồ Hoàn Kiếm chơi, vì ham vui, về muộn nên ngủ quên. Sáng hôm sau, đọc báo xong, Bác ra trước hiên nhà nhưng không thấy 3 người phục vụ đâu.
"Bác tìm đến khu nhà chúng tôi đang ngủ, vỗ vào lưng, tôi giật mình tỉnh dậy:
- Cháu chào Bác!
- Sao hôm nay các chú không đi thể dục với Bác?
- Thưa Bác, hôm qua thứ Bảy, cháu xin phép mấy đồng chí đi chơi về khuya quá, ngủ quên mất ạ.
- Ừ, thế ngủ đi, sáng mai phải nhớ đi thể dục nhé.
Tôi cuống cuồng xỏ giày định đi cùng nhưng Bác ngăn lại. Sống gần Bác mà có những kỷ niệm như thế, tôi quý lắm và sẽ nhớ mãi. Bác là lãnh tụ nhưng sống giản dị, bình đẳng, không phân trên - dưới, cao - thấp", ông Cải bồi hồi.
Bác Hồ - con người vĩ đại nhưng bình dị
Ông Cải kể tiếp, Bác Hồ - vị lãnh tụ tối cao, một con người vĩ đại nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi.
"Tôi còn nhớ, cứ tối cuối tuần, Bác lại cho anh em giúp việc, cận vệ sang nhà khách Phủ Chủ tịch xem phim với Bác. Rồi mỗi khi Bác đi công tác, anh em chúng tôi mong ngóng Bác về như "ngóng mẹ đi chợ". Lần nào về, Bác cũng có quà chia cho mọi người, khi thì cái kẹo, lúc thì điếu thuốc… Những món quà ấy tuy nhỏ nhưng là tình cảm lớn lao của Bác, chúng tôi cảm động lắm", ông tâm sự.
Cũng theo người phục vụ già, mỗi năm đúng dịp sinh nhật, Bác Hồ thường cho những người giúp việc xuống ao trước nhà sàn để bắt cá rồi biếu các cụ già, cháu nhỏ, biếu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho cán bộ trong cơ quan, những người bảo vệ, phục vụ Bác được cải thiện bữa ăn. Đó là tình cảm của Bác Hồ với những người hàng ngày phục vụ Bác, bảo vệ Bác.
"Bác sống giản dị lắm", ông Cải nói. Nhớ về Bác lại càng thấy hình bóng của một vị lãnh tụ thật vĩ đại nhưng cũng rất giản dị, thật gần gũi, luôn chân thành, quan tâm tới mọi người xung quanh.
Từ nhà 54 cho đến nhà sàn của Bác đều rất đơn sơ. Ngôi nhà có vài ba phòng, luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn.
"Dưới mái nhà này, Bác Hồ nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế. Nơi ấy chỉ có ý tưởng trồng cây, trồng người, chỉ có chân lý dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, tinh thần toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân", ông Lê Bá Cải xúc động.
Người phục vụ năm xưa vẫn còn nhớ như in những bữa cơm của Bác. Không cao lương mỹ vị, chỉ có bát canh, quả cà, lát cá kho hay thịt kho, giống như mọi người.
Trầm ngâm một hồi, ông Cải kể về thời gian Bác Hồ bị bệnh. Khi ốm nhưng Bác vẫn yêu cầu được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước để nghe báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam diễn ra như thế nào.
"Cứ như vậy cho đến lúc Bác mất. Bác làm việc, lo cho dân, lo cho nước đến hơi thở cuối cùng. Khi Bác bị bệnh, có đoàn chuyên gia nước ngoài tham gia điều trị nên chúng tôi ít có cơ hội gặp Bác", ông Cải nói.
Sau ngày Bác đi xa mãi mãi, ông Lê Bá Cải được chuyển sang Vụ Hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho đến khi hết tuổi công tác.
"Tôi luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hy sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của Bác Hồ để học tập, phấn đấu, rèn luyện, gắng sức hoàn thành mọi nhiệm vụ, công tác. Tôi tâm niệm rằng, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ thì không kể thời gian, không kể tuổi tác và coi đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là mục đích, niềm vui trong cuộc sống".
Ông Lê Bá Cải
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-phuc-vu-ke-chuyen-bac-ho-day-mai-dao-o-viet-bac-ar815759.html