Người ra đề thi Toán ở quận Thanh Xuân là ai mà bất cẩn thế?

Chuyên viên chỉ đạo chuyên môn mà không nắm được chương trình, không nắm được trình độ học sinh để ra đề 'trên trời' thì quả là đáng trách.

Chuyện toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán học kỳ I vào ngày 17/12 vừa qua do tỷ lệ điểm dưới trung bình trong lần thi đầu lên đến 70% đã thu hút sự chú ý của những người quan tâm đến giáo dục.

Đề thi của học sinh lớp 9 quận Thanh Xuân được đánh giá là không phù hợp với trình độ học sinh (Ảnh tuyển sinh 247.com)

Đề thi của học sinh lớp 9 quận Thanh Xuân được đánh giá là không phù hợp với trình độ học sinh (Ảnh tuyển sinh 247.com)

Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Tại sao lại phải tổ chức thi lại khi học sinh đạt điểm thi quá thấp?”;

“Có lẽ nào đây chính là chất lượng thật của học sinh khi thi đề chung của Phòng nên không trúng tủ?”; “Thực tế thì nên chấp nhận sao phải tổ chức thi lại? Có phải vì căn bệnh thành tích không?”

Hãy nghe lời giải thích của cán bộ phòng giáo dục

Trả lời cho việc tổ chức thi lại cho học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết:

"Quận Thanh Xuân quyết định tổ chức thi lại vì đề thi ra trước đó không phù hợp với dạng bài của học sinh đã học và ôn trên lớp".

Nói đề thi ra trước đó không phù hợp với dạng bài của học sinh đã học và ôn trên lớp, nhưng vị lãnh đạo phòng vẫn công nhận “Đề thi không có lỗi, vẫn nằm trong chương trình lớp 9, nhưng chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.

Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình.

Tuy nhiên, ban ra đề của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã ra một ma trận đề mới nên trở thành "thách thức lớn" với học sinh.

Do các trường chưa được tập huấn, làm quen với ma trận đề mới này nên thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên”.{1}

Những bất hợp lý sau lời giải thích của đại diện Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân khi không công nhận đề thi có lỗi

Nghe những lý giải vì sao lại cho học sinh khối lớp 9 thi lại chỉ vì đạt điểm quá yếu của đại diện Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và thất vọng. Bởi, nếu đề thi không có lỗi vậy ai thật sự có lỗi đây?

“Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình?” lại càng vô lý hơn.

Làm quen thực hành nhuần nhuyễn là phải cho học sinh ôn đề giống y chang đề này hay sao?

Còn kiến thức trong đề thi vẫn nằm trong chương trình lớp 9 có nghĩa là phần lớn học sinh chưa đạt mức kiến thức cơ bản? Nếu vậy, chất lượng học sinh thế này có thực sự đáng báo động hay không?

Giáo viên chuyên môn toán nói gì?

Cầm chiếc đề toán thi lớp 9 ở huyện Thanh Xuân, chúng tôi hỏi một số giáo viên hiện đang dạy học ở một trường điểm của tỉnh Bình Thuận.

Cô giáo A. vừa nhìn thấy đề đã lắc đầu và nói: “Đề ra quá cao, đề này dành cho học sinh giỏi thì hợp hơn”.

Rồi cô cho biết với đề này, muốn học sinh làm được thầy cô giáo phải ôn đi ôn lại những dạng ấy một cách nhuần nhuyễn. Tuy thế, cũng không có nhiều học trò làm được đâu.

Về nguyên tắc, khi ra đề thi, đề kiểm tra, giáo viên phải bám vào ma trận đề. Mức điểm của từng phần cũng biến đổi không đáng kể tùy theo quy định của từng địa phương.

Ví như có nơi ma trận toán theo thang (4-3-3), nơi lại áp dụng (cụ thể tại tỉnh Bình Thuận sẽ là (4-4-2). Nghĩa là, phần nhận biết 4 điểm để cho học sinh yếu, trung bình làm được.

Phần thông hiểu 4 điểm vẫn có những câu dành cho học sinh yếu và trung bình để các em đảm bảo điểm 5.

Phần vận dụng 2 điểm trong đó có vận dụng thấp và vận dụng cao. Ra đề kiểu này cả khối mới có dăm em đạt điểm 9,10 nhưng học sinh yếu, trung bình sẽ đạt theo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng.

Cô A. cho biết thêm ngay câu đầu tiên phần nhận biết đã vô cùng khó. Toàn bài gần như là vận dụng thấp và cao.

Trong group Toán toàn quốc, nhiều giáo viên dạy Toán bất bình cho biết, đề này thử hỏi sao các em có thể yêu toán được nếu các em không giỏi toán? Đề này là đề thi học sinh giỏi rất vừa sức vơi giáo viên.

Có người cho biết: “Đề ra chưa đúng trọng tâm học kỳ 1, học biến đổi biểu thức mà ra ngay giải phương trình. Học sinh mắc ngay bài 1mà không có thời gian làm bài sau. Tất cả các câu đều khó. Quá khó không phù hợp với thi học kỳ mang tính đại trà”.

Có giáo viên khá nặng lời vì bức xúc: “Thi từ 12/12 nghĩa là chương trình chưa hết, ra một cái đề vô trách nhiệm, vô cảm tốn thời gian tiền bạc của nhà nước, của giáo viên và học sinh”.

“Ối sao như đề thi đại học vậy? Bó tay ! Tui cũng từng đi dạy toán cấp 2,nhưng nếu đi thi,tui vẫn dưới 5 điểm”...

Có người lại suy diễn theo một góc nhìn khác: “Đề Toán này là đề cải thiện kinh tế cho các thầy cô dạy toán của trường. Quí vị thông cảm nhé!”.

Vì sao lại không thừa nhận đề thi có lỗi mà đá trách nhiệm cho trường?

Vị đại diện Phòng Giáo dục luôn nói: “Đề thi không có lỗi, vẫn nằm trong chương trình, nhưng chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10.

Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình”.

Và trách nhiệm lại đổ lên đầu các trường như lời vị đại diện cho biết: “Do các trường chưa được tập huấn, làm quen với ma trận đề mới này nên thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên cho kiểm tra lại với tất cả học sinh, kể cả các em có điểm từ trung bình trở lên, để kết quả công bằng với học sinh”.”.

Đổi lỗi cho trường là không tập huấn kĩ, phải chăng, cấp trên đang đá trách nhiệm xuống cấp dưới của mình?

Ra đề thi chung cho cả quận, thường được thành lập tổ ra đề và tổ phản biện đề. Bộ phận ra đề không biết đề thi vượt sức học sinh thì bộ phận phản biện đề ở đâu để tình trạng này xảy ra?

Chỉ có thể hiểu rằng, những người ra đề hay phản biện đề đều không phải là giáo viên đang giảng dạy?

Vì là giáo viên đang giảng dạy các thầy cô sẽ biết ra đề thế nào cho phù hợp. Người ra đề này rất có thể họ chính là chuyên viên chỉ đạo chuyên môn của cấp phòng chăng?

Chuyên viên chỉ đạo chuyên môn mà không nắm được chương trình, không nắm được trình độ học sinh để ra đề “trên trời” thì quả là đáng trách.

Lé ra lúc này, Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cần thẳng thắn nhận khuyết điểm vì ra đề vượt chuẩn kiến thức kĩ năng theo quy định. Và cần nói lời xin lỗi đến giáo viên, học sinh khi phải tốn thêm thời gian, công sức tổ chức thi lại.

Tài liệu tham khảo:

//www.nguoiduatin.vn/hy-huu-toan-bo-hoc-sinh-lop-9-cua-quan-phai-thi-lai-vi-diem-thap-a460297.html?fbclid=IwAR1tIRLPghtGAFrNluHZsmXvxbw-2YG0gXuNqaFXO9_lhONr5BX_N4e29z0{1}

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/nguoi-ra-de-thi-toan-o-quan-thanh-xuan-la-ai-ma-bat-can-the-post205573.gd