Người Sán Chỉ làm du lịch cộng đồng

Có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đặc sắc, những người Sán Chỉ tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh đang tận dụng những nét đặc trưng riêng có biến thành sản phẩm du lịch cộng đồng.

Là xã miền núi nằm ở phía Đông Bắc của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm huyện khoảng 23km, xã Đại Dực hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc Sán Chỉ chiếm tỷ lệ gần 90 %. Đến nay, đồng bào Sán Chỉ nơi đây còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống.

Trong chuyến đi đến bản Khe Lục, xã Đại Dực, chúng tôi xốn xang trước vẻ đẹp của núi rừng nơi đây. Được bao quanh bởi đồi, núi và những ruộng bậc thang, bản Khe Lục khoác lên mình nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên hùng vĩ.

Không gian hùng vĩ của núi rừng. Ảnh: Quỳnh Nga

Không gian hùng vĩ của núi rừng. Ảnh: Quỳnh Nga

Sau gần 1 tiếng lái xe từ trung tâm huyện Tiên Yên, trên cung đường uốn quanh các dãy núi, chúng tôi có mặt tại bản Khe Lục. Bước xuống xe, bản làng nơi đây đã thu hút tôi bởi màu xanh, không khí trong lành của núi rừng. Bên cạnh những ngôi nhà khang trang thì nơi đây vẫn còn lưu giữ căn nhà cổ độc đáo của người Sán Chỉ tự xây, có tuổi đời gần trăm năm.

Những ngôi nhà của người Sán Chỉ thường được làm bằng gạch đất, lợp ngói âm dương. Xung quanh và trước cổng nhà thường được xếp bằng đá. Mỗi ngôi nhà nơi đây đều là một không gian văn hóa rất đặc biệt.

Cổng vào rất đẹp ngôi nhà mang nét đặc trưng của người Sán Chỉ. Ảnh: Quỳnh Nga

Cổng vào rất đẹp ngôi nhà mang nét đặc trưng của người Sán Chỉ. Ảnh: Quỳnh Nga

Cổng, sân và nhà để người Sán Chỉ đón khách đến ở. Ảnh: Quỳnh Nga

Cổng, sân và nhà để người Sán Chỉ đón khách đến ở. Ảnh: Quỳnh Nga

Là một trong những hộ còn lưu giữ gần như nguyên vẹn căn nhà cổ tại bản Khe Lục, anh Nình A Lộc cho biết, những năm gần đây, gia đình anh đã tu sửa lại căn nhà, cảnh quan xung quanh để tạo thêm không gian đón khách tới tham quan, lưu trú nhưng vẫn giữ nguyên được nét truyền thống của người Sán Chỉ.

Khi được hỏi về quyết định nào để anh chuyển đổi từ nghề truyền thống vốn là chăn nuôi, trồng trọt sang làm du lịch, anh Nình A Lộc nói thêm: “Ban đầu chúng tôi cũng khá bỡ ngỡ, vì từ trước đến nay có bao giờ cho người lạ vào ngủ rồi sinh hoạt cùng gia đình đâu. Được sự vận động của lãnh đạo các cấp và tự tìm hiểu, chúng tôi dần thay đổi cách nghĩ. Cách làm này giúp chúng tôi vừa lưu giữ được văn hóa, bản sắc của người Sán Chỉ vừa lại có thêm thu nhập từ phát triển kinh tế gia đình”.

Cổng được xếp bằng đá. Ảnh: Thanh Tân

Cổng được xếp bằng đá. Ảnh: Thanh Tân

Những cô gái người Sán Chỉ đón khách vào tham quan nhà cổ của dân tộc mình. Ảnh: Thanh Tân

Những cô gái người Sán Chỉ đón khách vào tham quan nhà cổ của dân tộc mình. Ảnh: Thanh Tân

Du khách tham quan nhà cổ. Ảnh: Thanh Tân

Du khách tham quan nhà cổ. Ảnh: Thanh Tân

“Để mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Khe Lục phát triển và có quy mô, tạo nét đặc trưng riêng thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá tự nhiên. Xã Đại Dực đã tiến hành vận động 3 gia đình gồm: Nình A Lộc, Nình A Sặn và Nình A Dần bước đầu phát triển mô hình Homestay. Theo đó, các du khách có nhu cầu sẽ được tham gia sinh hoạt cùng các gia đình như: Làm ruộng bậc thang, chế biến các món ăn… đậm nét văn hóa, phong tục của người dân tộc Sán Chỉ của xã Đại Dực”, ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực cho biết thêm.

Mái ngói đặc trưng của những căn nhà người Sán Chỉ. Ảnh: Thanh Tân

Mái ngói đặc trưng của những căn nhà người Sán Chỉ. Ảnh: Thanh Tân

Với sự tham gia của cộng đồng những người Sán Chỉ, du khách đến bản Khe Lục, xã Đại Dực sẽ có được trải nghiệm thú vị về cuộc sống và văn hóa của những người dân bản địa nơi đây.

Các món ăn đậm bản sác người Sán Chỉ. Ảnh: Thanh Tân

Các món ăn đậm bản sác người Sán Chỉ. Ảnh: Thanh Tân

Một du khách đến từ Hải Phòng, chị Trần Thị Hương Dung hồ hởi: “Tôi rất ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Tuy đường vào hiện tại vẫn đang được huyên nâng cấp, qui mô hơn, nên đi lại vẫn chưa thuận lợi lắm. Nhưng vào đến trung tâm xã, nơi bà con Sán Chỉ làm du lịch cộng đồng, tôi thấy ngỡ ngàng vì vẻ đẹp, vì không khí rất trong lành và đặc biệt là sự đón tiếp rất ân cần và chu đáo”.

Dân tộc Sán Chỉ ở Đại Dực còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc như nghi lễ cầu mùa, hát soóng cọ, ẩm thực độc đáo. Xã Đại Dực còn có lễ hội mùa vàng với những ruộng bậc thang thu hút du khách khám phá và trải nghiệm.

Trung tâm văn hóa xã Đại Dực. Ảnh: Quỳnh Nga

Trung tâm văn hóa xã Đại Dực. Ảnh: Quỳnh Nga

“Người dân tộc Sán Chỉ hát Soóng Cọ (rất đặc trưng) trong lễ hội của mình. Nhưng giờ đây, họ đã rất tự tin hát biểu diễn, giao lưu với du khách trong hoạt động làm du lịch cộng đồng của mình. Họ không ngại ngùng trước đám đông nữa”, chị Chíu Nhì Múi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã chia sẻ.

Phụ nữ hát Soóng Cọ chào mừng du khách và các nhà báo đến thăm nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Thanh Tân

Phụ nữ hát Soóng Cọ chào mừng du khách và các nhà báo đến thăm nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Thanh Tân

Còn theo ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên cho biết: “Nghề truyền thống của người dân địa phương vốn là chăn nuôi, trồng trọt và khai thác rừng. Với sự quan tâm của các cấp từ tỉnh đến địa phương, song song với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã cũng chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2022, Trung tâm Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Chỉ đã được khánh thành, qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân trên địa bàn. Đây không chỉ là nơi để người dân trên địa bàn xã sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương”.

Đàn ông Sán Chỉ chơi đánh Cù. Ảnh: Thanh Tân

Đàn ông Sán Chỉ chơi đánh Cù. Ảnh: Thanh Tân

 Nét mặt hân hoan của chàng trai người Sán Chỉ khi con Cù của mình quay tít nhất. Ảnh: Thanh Tân

Nét mặt hân hoan của chàng trai người Sán Chỉ khi con Cù của mình quay tít nhất. Ảnh: Thanh Tân

Mô hình du lịch cộng đồng giúp người dân tộc thiểu số vừa bảo vệ các nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, người dân bản địa ngày càng tích cực sáng tạo, đổi mới sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch tạo thêm thu nhập, việc làm.

Bà Nình Móc Mầu, 76 tuổi chủ nhân căn nhà có niên đại trên nửa thế kỷ ở thôn Khe Lục. Nhiều du khách đến thăm quan căn nhà cổ nơi bà đang sinh sống và mua sản phẩm đan thủ công do chính tay bà đan móc. Ảnh: Quỳnh Nga

Bà Nình Móc Mầu, 76 tuổi chủ nhân căn nhà có niên đại trên nửa thế kỷ ở thôn Khe Lục. Nhiều du khách đến thăm quan căn nhà cổ nơi bà đang sinh sống và mua sản phẩm đan thủ công do chính tay bà đan móc. Ảnh: Quỳnh Nga

Nhà người sán Chỉ thường có 3 - 5 gian. Gian giữa là nơi sinh hoạt, ngủ, 1 gian đầu hồi là bếp, 1 gian đầu hồi là kho. Ảnh: Thanh Tân

Nhà người sán Chỉ thường có 3 - 5 gian. Gian giữa là nơi sinh hoạt, ngủ, 1 gian đầu hồi là bếp, 1 gian đầu hồi là kho. Ảnh: Thanh Tân

Thanh Tân - Quỳnh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-san-chi-lam-du-lich-cong-dong-d217749.html