Người sở hữu tác phẩm điêu khắc từ rễ cây đạt kỷ lục Việt Nam
Tổ chức Liên minh kỷ lục thế giới và Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam vừa công nhận và xác lập kỷ lục đối với bộ sưu tập điêu khắc từ rễ cây 'Cửu Long tranh châu' của anh Nguyễn Trường Tiến.
Tác phẩm “Cửu Long tranh châu” rễ cây nguyên khối được công nhận đạt kỷ lục với kích thước chiều ngang 6m, cao 2,9m, sâu 1,2m, nặng trên 2.000kg. Chủ bộ sưu tập trên là anh Nguyễn Trường Tiến (sinh năm 1984, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).
Anh Tiến cho biết, trước đây anh theo học đại học ngành quản trị kinh doanh. Ra trường anh làm công việc bán hàng nhiều năm tại các công ty thực phẩm lớn nên có cơ hội đi nhiều địa phương trong cả nước.
Có lần đến tỉnh Bình Thuận, nhân lúc dừng chân nghỉ ở nhà dân ven đường, anh phát hiện ra một số rễ cây quý giá được người dân mang về quăng bừa bãi trong sân nhà. Tuy nhiên, thứ rễ cây tưởng sắp thành củi đốt này lại ẩn hiện trong mắt anh Tiến những hình thù mỹ thuật đẹp mắt và mang giá trị tinh thần rất lớn. Từ đó, đi đến đâu anh cũng dò hỏi người dân và mua lại những gốc rễ cây đã cũ nằm dưới đất rồi thuê người khai thác mang về sử dụng vào chế tác nghệ thuật.
“Mọi thu nhập từ nghề kinh doanh thực phẩm tôi để dành mua rễ cây và làm nghệ thuật. Có thời điểm tôi phải thuyết phục vợ cùng ký tên bán 2 lô đất của gia đình để mua được bộ rễ cây, thuê thợ giỏi về làm cho ra tác phẩm” - anh Tiến kể.
Tác phẩm “Cửu Long tranh châu” được anh Tiến đầu tư toàn bộ ý tưởng và vốn là người con sinh ra từ miền Tây sông nước nên anh hiểu được hình ảnh 9 con sông Cửu Long hiền hòa, mang nguồn phù sa dồi dào đã nuôi sống hàng triệu đồng bào. Và đó cũng là hình ảnh 9 con rồng tượng trưng cho sự mạnh mẽ và hưng thịnh, mang lại vượng khí cho gia chủ.
Anh Tiến cho biết, hơn 10 năm đi đến các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… đến nay anh sưu tập được cơ bản 3 tác phẩm nghệ thuật từ rễ cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi. Mọi gốc cây đều được chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận nguồn gốc và cho phép vận chuyển, sử dụng.
Có khi mình phát hiện rễ cây, thỏa thuận với người dân mua được rồi, nhưng quá trình tính toán bồi thường thiệt hại hoa màu cho người dân, cách đào bới và thuê phương tiện để cẩu các bộ rễ cây siêu khủng về đến nhà mình mất cả vài năm. Rất nhọc nhằn, công phu, tốn kém. Đặc biệt, công đoạn chế tác từ gốc cây thành tác phẩm nghệ thuật “Cửu Long tranh châu” lại càng gian nan gấp bội - anh Tiến cho biết.
Theo anh Tiến, việc đầu tiên phải tìm được những người thợ giỏi, có kinh nghiệm trong nghề đục đẽo hình tượng con rồng. Với những tay thợ quen đục rồng nhỏ thì khi gặp tác phẩm rễ cây siêu khủng phải đục rồng lớn khiến họ không đủ tự tin đảm nhận thực hiện tác phẩm.
“Đó là chưa kể, yêu cầu bản thân người thợ phải bố trí được 9 con rồng cùng trên một tác phẩm. Do đó, tôi phải mất thêm cả năm, đi khắp nơi để tuyển chọn thợ chuyên nghiệp” - anh Tiến nói.
Để hoàn thành một tác phẩm “Cửu Long tranh châu”, đòi hỏi từ 2 đến 3 nghệ nhân làm việc trong vòng 6 tháng. Từ công đoạn thể hiện hình dáng rồng đến việc đục đẽo các nhánh rễ cây để thân rồng mang dáng dấp thoắt ẩn thoắt hiện trong mây trời và nước mất rất nhiều thời gian.
Ngoài bộ sưu tập “Cửu Long tranh châu” hiện có, anh Tiến còn sở hữu 2 bộ rễ cây gỗ đỏ. “Đây là 2 bộ rễ gỗ đỏ quý giá, tôi đang tìm kiếm nghệ nhân thật giỏi để chế tác thêm 2 tác phẩm nữa để thành 5 tác phẩm “Cửu Long tranh châu” với ý nghĩa phong thủy Sinh - Lão - Bệnh - Tử - Sinh. Nếu tuyển chọn thợ không cẩn thận, chỉ sơ suất một đường cưa là mất đi giá trị của cả một tác phẩm" - anh Tiến cho biết.
Hiện tại, anh Tiến đang sở hữu 3 tác phẩm Cửu Long tranh châu”. Trong đó, tác phẩm 1: ngang 6m, cao 2,9m, sâu 1,2m (đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam). Tác phẩm 2: ngang 3,1m, cao 4,7m, sâu 1,7m. Tác phẩm 3: ngang 7,4m, cao 3,1m, sâu 1,8m.
Anh Tiến cho biết, anh đang hướng tới tham gia xác lập kỷ lục châu Á rễ cây nghệ thuật lớn nhất cho tác phẩm của mình. Trong đó tác phẩm “Cửu Long tranh châu” với kích thước ngang 7,4m, cao 3,1m, sâu 1,8 sẽ xin xác lập kỷ lục châu Á vào năm 2023.