Người sống ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm phải dắt xe về nhà
Người dân sinh sống hoặc cán bộ cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu đi lại sẽ được cấp thẻ ra vào nhưng phải dắt xe máy hoặc gửi ở nơi gần nhất, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.
Chiều 31/8, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã họp triển khai phương án giữ gìn an ninh trật tự phục vụ thí điểm tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.
Cấp thẻ ra vào cho người dân
Theo thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trải dài trên địa bàn 6 phường: Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Gai và Hàng Đào. Công an quận Hoàn Kiếm được công an thành phố giao nhiệm vụ chủ công trong việc đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông ở khu trung tâm.
Theo kế hoạch, sẽ có 12 chốt công an phối hợp cùng dân phòng, tự quản ứng trực ở các nút giao thông lớn để cấm phương tiện vào khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Công an quận Hoàn Kiếm nhắc nhở các hộ kinh doanh trong khu vực phố đi bộ. Ảnh: Lê Hiếu.
Những hộ dân sinh sống hay cán bộ các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp có nhu cầu đi lại sẽ được cấp thẻ ra vào, nhưng phải dắt xe máy hoặc gửi ở nơi gần nhất - chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.
Ngoài 12 chốt trên, Công an quận Hoàn Kiếm giao cho công an các phường tổ chức tuần tra, xử lý các vi phạm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Ngoài ra, cảnh sát lập 2 điểm tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác tội phạm ở số 2 Tràng Thi và số 2 Lê Thái Tổ.
Ngoài lực lượng công an quận, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động (Công an Hà Nội), cũng tham gia tuần tra để xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường, dừng đỗ ôtô, xe máy dưới lòng đường, vỉa hè sai quy định.
“Các trường hợp đeo bám khách du lịch, gây phiền hà cho người đi bộ sẽ bị xử lý nghiêm”, thượng tá Đang nhấn mạnh.
Tại buổi họp triển khai phương án, đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, lưu ý cán bộ cấp dưới có biện pháp giám sát, quản lý các hộ kinh doanh buôn bán, không để tình trạng tuồn hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng vào bày bán trong khu vực tổ chức không gian đi bộ.
Cảnh sát sẽ xử lý nghiêm tình trạng đeo bám khách du lịch. Ảnh: Lê Hiếu.
"Những cơ sở được cấp phép hoạt động nhưng gây ồn quá quy định, bán rượu bia cho trẻ em, gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ… sẽ bị xử lý, rút giấy phép", đại tá Hùng cam kết.
Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm giao lực lượng cảnh sát hình sự bố trí lực lượng mật phục nhằm phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ, xử lý người có hành vi trộm cắp, móc túi, gây rối hoặc bán hàng rong đeo bám người dân, du khách.
Cấm toàn bộ xe cộ vào không gian đi bộ
Trước đó, chiều 29/8, Phòng cảnh sát giao thông cũng đưa ra phương án phân luồng, bảo vệ an ninh phục vụ thí điểm tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ 1/9, lực lượng này được phân làm 3 tuyến thực thi nhiệm vụ.
Tuyến 1 với 29 chốt, mỗi chốt gồm 3 cảnh sát giao thông phối hợp với cảnh sát bảo vệ, cảnh sát cơ động, công an phường, quận ở khu vực phía trong, giáp ranh khu phố đi bộ. Các chốt này thực hiện nhiệm vụ cấm toàn bộ phương tiện vào không gian đi bộ.
Tuyến 2 với 19 chốt, gồm 29 chiến sĩ. Các chốt này phối hợp ở vòng ngoài cùng lực lượng cảnh sát cơ động hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông theo hướng phù hợp, chỉ dẫn các điểm trông giữ xe.
Tuyến 3 với 9 chốt, 11 chiến sĩ. Các chốt có nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện vào khu vực vòng 2 và không gian đi bộ; hướng dẫn các phương tiện đi vòng tránh.
Dịp này, Cảnh sát giao thông Hà Nội đề xuất giám đốc công an thành phố trang bị áo phản quang và gậy chỉ huy giao thông có đèn nhấp nháy cho lực lượng này làm nhiệm vụ trên các tuyến phố trung tâm.
Bản đồ 16 tuyến phố đi bộ tại Hà Nội. Đồ Họa: Nguyễn Phượng.