Người sống tốt lại thường vất vả?

Sinh thời cụ Phàn là người đức độ, nhưng hình như trong đời, người sống tốt lại thường vất vả. Lúc tại thế, mỗi khi vui chuyện, lão Phàn vẫn tự hào vì gia đình có 'ngũ hổ' (5 đứa con trai). Đông con trai, nhưng 'ngũ hổ' của cụ Phàn đều nghèo.

Cũng vì nghèo nên 2 trong số họ đã phiêu dạt vào tận Nam Trung bộ làm ăn rồi ngụ luôn trong đó.

Tiếng là làm ăn xa, nhưng suốt hàng chục năm, bọn họ nghèo vẫn hoàn nghèo. Cùng bỏ làng ra đi nhưng người ta khăn là áo lượt - xe to xe nhỏ mỗi khi về quê, chỉ duy 2 đứa con của cụ Phàn là người áo rách…

Ba người con trai còn lại của ông già quanh quẩn tại mảnh đất ven làng, nhưng quanh năm vẫn cảnh thiếu trước hụt sau. Thành thử dù sống ngay sát nhà, nhưng họ cũng không giúp gì được bố đẻ. Một phần do nghèo nhưng cơ bản họ không thể hiện được đạo hiếu với đấng sinh thành vì “đức” sợ vợ.

Ảnh minh họa

Thói đời là đàn ông mà sợ vợ thì không dám thể hiện điều gì; vậy nên mỗi khi bố mẹ cần sự giúp đỡ (dù to hay nhỏ), cả 3 anh con trai đều phải “xin phép vợ”. Nó đồng ý thì được, bằng không, họ cũng đành bó tay!

Ngày vợ còn sống, khi vào thăm 2 đứa ở phía Nam, ngoài gạo tiền, ông Phàn còn “thủ” nửa cây vàng, rồi dặn riêng thằng cháu đích tôn nếu có mệnh hệ gì thì thay mặt ông, lo cho bà nội. Sở dĩ ông lão phải nhờ vả thằng cháu, là vì mấy đứa con trai sợ vợ nên không đáng tin cậy.

Chuyến đi của ông lão kéo dài cả nửa năm, nhưng ở nhà bà lão không mệnh hệ gì. Nhưng khi ông lão từ miền Nam trở về, bà vợ lăn ra ốm. Dù ông Phàn và con cháu đưa khắp các bệnh viện nhưng bà lão không qua khỏi. Từ ngày vợ chết, ông lão đâm buồn.

Buồn vì mất vợ một phần, buồn hơn nữa là mấy đứa con trai, con dâu của ông ngày càng đổ đốn. Thấy bố già yếu, lẽ ra phải chăm sóc tận tình nhưng chúng bỏ mặc ông lão bữa cái bữa đực. Không những thế, chúng còn thường xuyên gây sức ép, bắt ông lão lập di chúc chia chác đất đai, đính chính sổ đỏ…

Tiên đoán được số phận mình những ngày cuối đời sẽ rất đen tối, sau đám tang vợ, ông lão bắt đầu siết chặt chính sách thực hành tiết kiệm. Đến bữa, thức ăn chỉ vài hạt lạc rang muối, cơm thì cắm một bữa ăn cả ngày.

Dù Đông hay Hè, lúc nào trong căn phòng tồi tàn của ông lão cũng chỉ le lói ngọn đèn điện chỉ bằng quả nhót. Ít lâu sau, ông lão đã tích cóp được số tiền lên tới 50 triệu. Không để “nhàn rỗi”, lão Phàn nhờ đứa cháu dâu tin cẩn nhất, đem gửi tiết kiệm toàn bộ số tiền trên, nhờ đó hằng tháng lão cũng có đồng ra đồng vào.

Lão tính toán thế này: chết sống thì chả biết đường nào, nhưng mỗi tháng lão cũng phải chi tiêu ngót 2 triệu bạc. Lãi lời từ 50 triệu kia sẽ bảo đảm hằng tháng lão không bị đứt bữa. Ngoài ra con cháu xa gần thi thoảng có biếu đồng nào thì để dành cho thuốc men lúc ốm đau.

Trường hợp qua đời, vì là cựu chiến binh nên khoản mai tang phí đã được đài thọ, số tiền 50 triệu đồng kia sẽ đủ chi phí xây lăng mộ, và sửa vài mâm mời anh em làng xóm, mà không phiền đến mấy đứa con trai.

Và sự “thần cơ diệu toán” của cụ Phàn không sai. Ba năm sau ngày vợ mất, căn bệnh phế quản mãn đã chuyển sang ung thư. Những ngày nằm viện, dù biết phải tẩm bổ để chống chọi lại với bệnh tật; nhưng ông lão vẫn phải căn cơ bởi tiền ăn uống, thuốc men tốn kém lắm. Ngược lại mấy anh con trai tiếng là ra bệnh viện chăm nuôi, nhưng đến đồng tiền đổ xăng, gửi xe lắm lúc vẫn ngửa tay xin bố già.

Chống chọi với căn bệnh ung thư được 7 tháng thì cụ Phàn ra đi. Ngày ông lão chầu trời, “ngũ hổ” nhà ông cãi nhau như mổ bò. Chúng bì tị với nhau từng việc nhỏ; chúng săm soi xem trước khi mất, lão Phàn gửi tiền cho ai.

Sau đám tang bố, khi “tính số” với nhau, mấy anh con trai thấy ông Phàn vẫn để dành được 70 triệu tiền mặt. Chi phí cho đám tang chỉ mất gần 50 triệu, vậy là mấy đứa con của lão Phàm vẫn còn hai chục triệu bạc để chia nhau…

Biết chuyện, cả làng lại được một phen xót thương cho thân phận ông Phàn...

Ái Châu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-song-tot-lai-thuong-vat-va.html