Hàng nghìn người đang biểu tình ở thủ đô tài chính Colombo trong dịp năm mới truyền thống của Sri Lanka, Reuters ngày 14/4 đưa tin. Cuộc biểu tình nhằm phản đối cách chính quyền Sri Lanka xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến nước này vỡ nợ, đồng thời yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Dilani Jayaratne, một người tham gia cuộc biểu tình, nói cả gia đình cô đã di chuyển về Colombo để phản đối chính phủ. Trong ngày 14/4, cô cùng hàng nghìn người khác tập trung bên ngoài dinh thự tổng thống. "Chúng tôi không thể chỉ ngồi im trong nhà", Jayaratne nói. Người phụ nữ bày tỏ hy vọng cuộc biểu tình sẽ gây đủ sức ép để buộc Tổng thống Rajapaksa ra đi.
Ngay tại hiện trường, những người ủng hộ lập ra hàng chục lều trại phân phát đồ ăn, thức uống như bánh gạo, cơm dừa, chuối, dưa chua, nước uống để tiếp tế cho người biểu tình. Đây là những loại đồ ăn được ưa chuộng của người Sri Lanka trong dịp năm mới truyền thống.
"Theo truyền thống, chúng ta gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất dịp năm mới. Nhưng năm nay, chúng tôi gửi lời chúc cho cuộc đấu tranh trên đường phố", Jayaratna Teekanoon, một tình nguyện viên 56 tuổi tham gia phân phát thức phẩm ở Colombo, nói.
Trong thông điệp đầu năm mới, Tổng thống Rajapaksa cho biết cuộc khủng hoảng hiện nay là thách thức lớn nhất mà Sri Lanka phải đối mặt trong những năm qua. "Chúng ta cần đoàn kết, thấu hiểu nhau hơn để cùng vượt qua thử thách", ông Rajapaksa nói.
Đầu tuần này, Sri Lanka thông báo tạm dừng trả nợ nước ngoài trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán với Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vay tiền. Sri Lanka dùng số ngoại tệ dự trữ ít ỏi còn lại, khoảng 2 tỷ USD, để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của 22 triệu dân.
Bên cạnh thiếu hụt hàng hóa, Sri Lanka cũng đang vật lộn với nạn lạm phát tăng phi mã, làm chao đảo cuộc sống của tầng lớp trung lưu. Nhiều gia đình đã mất khả năng thanh toán tiền thuê nhà cũng như trả nợ ngân hàng. "Tôi từng ủng hộ và bỏ phiếu cho Rajapaksa, thậm chí tổ chức vận động tranh cử cho ông ta. Nhưng giờ tôi buồn và tuyệt vọng. Tôi thậm chí không thể nuôi sống gia đình", Kumara, một thợ máy năm nay 44 tuổi, nói.
Ngày 12/4, chính phủ Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ vì không trả được khoản nợ nước ngoài lên tới 51 tỷ USD và đang chờ gói cứu trợ từ IMF. Theo New York Times, nhiều người thân của tổng thống đã đồng loạt từ chức khỏi các chức vụ trong chính phủ nhằm xoa dịu người biểu tình. Trước đó, các chức vụ thủ tướng, bộ trưởng Tài chính, bộ trưởng Quốc phòng do người thân của Tổng thống Rajapaksa nắm giữ.
Duy Anh
Ảnh: Reuters.