Người sử dụng dịch vụ viễn thông thường bị thiệt thòi
Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đã nêu quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Tuy nhiên thực tế người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi, các quy định bảo vệ họ trong dự thảo Luật còn chưa rõ ràng.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 25/10 các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Bổ sung trách nhiệm quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với 3 dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) nhận thấy, dự thảo Luật điều chỉnh 3 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.
Tiếp thu ý kiến xác đáng của ĐBQH, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng “quản lý nhẹ” (light-touch regulation) đối với 3 dịch vụ, cụ thể: Không hạn chế tỷ lệ vốn góp nước ngoài đối với hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ OTT viễn thông tại Việt Nam; Quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp 3 dịch vụ, tập trung vào bảo đảm chất lượng dịch vụ; quyền của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin; giảm bớt một số nghĩa vụ so với các dịch vụ viễn thông truyền thống; Quy định rõ hình thức quản lý là đăng ký, thông báo.
Đối với việc quản lý hoạt động cung cấp 3 dịch vụ mới qua biên giới đến người sử dụng Việt Nam, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quản lý và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn...
Với nội dung chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ cho thuê hạ tầng viễn thông; bổ sung quy định hiệp thương giá nếu các bên không thỏa thuận được về giá chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá; Quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo. Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng.
Bổ sung việc xử lý sai phạm để bảo vệ người sử dụng
Góp ý vào dự thảo Luật (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, cần quy định trách nhiệm của nhà mạng khi thực hiện chuyển mạng giữ số. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể để đảm bảo công khai minh bạch trong việc cấp giấy phép viễn thông nhằm tránh tiêu cực.
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, việc chuyển mạng giữ số được quy định tại Thông tư 35/2017 qua 5 năm thực hiện vẫn còn một số vướng mắc như: Các quy định tại Thông tư 35 còn chung chung, chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các nhà mạng khiến các nhà mạng thực hiện không theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà mạng đưa ra rào cản về gói cam kết làm cảm trở người dân thực hiện quyền chuyển mạng giữ số.
Ngoài ra, các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng chưa đáp ứng việc truy xuất thực hiện chuyển mạng giữ số online, thủ tục chậm, không chính xác, thiếu minh bạch.
Đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi lần này đã bổ sung điểm h, Khoản 2, Điều 13 về việc quy định đảm bảo cung cấp cho thuê bao khả năng chuyển mạng giữ số, đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể và đầy đủ hơn, đặc biệt là phần chế tài nhằm đảm bảo tính khả thi và tương thích các quy định tại khoản 4 Điều 13.5 Hiệp định CPTPP.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nêu đánh giá dự thảo Luật Viễn thông đã được chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ. Đại biểu Yến cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, dự thảo luật đã nêu quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch, tuy nhiên trong thực tiễn người sử dụng dịch vụ thường bị thiệt thòi, nhưng các quy định bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong dự thảo Luật còn chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 4 của dự thảo Luật việc phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực viễn thông để có thể bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.
Về bảo đảm bí mật thông tin, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng Khoản 1, Điều 6 dự thảo Luật quy định “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước” là chưa đảm bảo, bởi các thông tin bí mật nhà nước chỉ có chủ sở hữu thông tin mới là người có trách nhiệm bảo vệ bí mật Nhà nước. Do vậy, nên quy định trách nhiệm của chủ sở hữu thông tin về bảo vệ bí mật của Nhà nước.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu Quốc hội đóng góp hoàn thiện dự thảo luật; các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-su-dung-dich-vu-vien-thong-thuong-bi-thiet-thoi.html