Người tái hiện những ký ức hào hùng về một 'thời hoa lửa' trên sân khấu tròn
Tiên phong trong việc khắc họa chân dung người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng loại hình xiếc, lần đầu tiên xiếc kết hợp với nhạc Rock, với nghệ thuật cải lương đã tạo làn gió mới trên sân khấu tròn. Những sáng tạo, đổi mới có phần táo bạo của NSND Tống Toàn Thắng thực sự là công thức hút khán giả.
Đưa bản sắc Việt vào nghệ thuật Xiếc
Từ danh xưng “hoàng tử xiếc trăn” một thời, hiện nay NSND Tống Toàn Thắng đảm nhận cương vị Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Mặc dù bận rộn công tác quản lý, điều hành nhưng lúc nào NSND Tống Toàn Thắng cũng giữ tâm thế tìm tòi, phát huy sáng tạo, đổi mới trong nghệ thuật xiếc.
Đầu tiên phải kể tới tiết mục “Đu Quan họ” đã nổi danh khắp các giải Xiếc quốc tế. Tiết mục từng giành giải Vàng duy nhất Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2014 tại Italia. Đây cũng là lần đầu NSND Tống Toàn Thắng giới thiệu 2 gương mặt nghệ sĩ trẻ Bùi Hương - Thanh Tuấn đến với xiếc chuyên nghiệp, đánh dấu việc lấn sân sang lĩnh vực đạo diễn, biên kịch, dàn dựng.
Tiết mục “Đu Quan họ” trở thành thương hiệu của “cặp đôi vàng” ngành xiếc. Năm 2024 tiếp tục được hai nghệ sĩ Bùi Hương - Thanh Tuấn quảng bá hình ảnh xiếc Việt vươn tầm quốc tế thông qua chuyến công tác lưu diễn theo hợp đồng dài hạn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với một Rạp xiếc lưu động tại Nhật. Tái hiện trò chơi đánh đu ngày xuân, tiết mục “Đu Quan họ” không chỉ khiến khán giả trầm trồ về độ khó, sức bền, dẻo dai của các nghệ sĩ Xiếc mà còn truyền tải bản sắc văn hóa Việt thông qua hình thức nghệ thuật.
Sau tiết mục “Đu Quan họ”, NSND Tống Toàn Thắng dàn dựng tiết mục “Đu sen” (nghệ sĩ biểu diễn: Bùi Thị Hương, Trịnh Trà My, Chu Hồng Thúy, Lê Cẩm Ly) giành huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế 2019; tiết mục “Đu son” (nghệ sĩ biểu diễn Bùi Hương, Chu Hồng Thúy) giành Huy chương Bạc Liên hoan Xiếc Quốc tế 2019,…
Năm 2020, NSND Tống Toàn Thắng xây dựng sản phẩm xiếc mới. Lần đầu tiên, cải lương “kết duyên” với nghệ thuật xiếc với hình thức nhạc kịch xiếc quốc tế thông qua dự án “Huyền sử Việt” mang đến món ăn nghệ thuật hấp dẫn. “Thừa thắng xông lên”, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục trình làng sản phẩm Xiếc kết hợp với nhạc Rock năm 2023. Khán giả vô cùng choáng ngợp trước sự đầu tư công phu, nghiêm túc của các sản phẩm nghệ thuật xiếc.
Khắc họa dấu chân người lính trên sân khấu tròn
Một dấu ấn nghệ thuật khác cả NSND Tống Toàn Thắng được biết đến là người tiên phong khắc họa chân dung người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam bằng hình thức xiếc. Các chương trình “Sống mãi với Điện Biên”, “Ký ức Trường Sơn”, “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc”, “Vòng tròn bất tử”, “Huyền thoại mẹ”, “Vết chân tròn trên cát”, “Hà Nội những giấc mơ” (dịp Giải phóng Thủ đô 10/10) được anh lên ý tưởng kịch bản, dàn dựng, đạo diễn.
Trong đó, điểm nhấn là chương trình “Sống mãi với Điện Biên” dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và chương trình “Đi cùng năm tháng” tri ân các anh hùng liệt sĩ ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Bên cạnh tiết mục trình diễn đặc sắc của nghệ sĩ xiếc là hoạt động giao lưu với các cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng từng là nhân chứng lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường. Trong tâm sự với khán giả, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (SN 1922), nhân chứng lịch sử được mời tới dự vở diễn “Sống mãi với Điện Biên” bày tỏ niềm vui rằng: “Tôi không ngờ có nhiều thế hệ đến xem như thế, cuối cùng đã có người mang chúng tôi ra ánh sáng”.
Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên” tiếp tục được dàn dựng. Chương trình sẽ tái hiện hoạt cảnh về chiến thắng chấn động địa cầu bằng ngôn ngữ xiếc và âm nhạc, dàn dựng sân khấu thành một sa bàn lớn, toàn cảnh về chiến thắng Điện Biên, các hoạt cảnh về trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên bên cạnh các tiết mục biểu diễn đặc sắc của các tài năng nghệ thuật xiếc. Đặc biệt, trong chương trình sẽ diễn ra cuộc giao lưu giữa Anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó có anh hùng La Văn Cầu đến khán giả.
Theo NSND Tống Toàn Thắng, việc tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đó là trách nhiệm của những người làm sân khấu nghệ thuật, viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của thế hệ cha ông. Khán giả có lẽ vẫn chưa quên hoạt cảnh “Cúc ơi!” - tái hiện câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc. Hoạt cảnh có các màn xiếc nhào lộn, uốn dẻo, đu dây, thăng bằng,…được trao giải xuất sắc tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023.
Với quan điểm làm nghề “Nghệ sĩ sống phải có khán giả”, nhiều năm qua NSND Tống Toàn Thắng cùng các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam nỗ lực đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng xiếc mang tính chuyên môn và tính giải trí. Qua đó, phục vụ đông đảo khán giả, thay thế hoàn toàn khái niệm về xiếc chỉ dành cho đối tượng thiếu nhi như trước đây.
Hiện nay, ngoài vị trí quản lý, hầu hết các tiết mục xiếc đều do NSND Tống Toàn Thắng dàn dựng, xây dựng ý tưởng kịch bản. Nhiều khán giả bất ngờ trước vai trò mới của “người nghệ sĩ biểu diễn xiếc trăn đầu tiên tại Việt Nam”, riêng với nghệ sĩ Tống Toàn Thắng thì chính niềm đam mê cống hiến là chìa khóa tạo nên thành công.
“Cái đích tôi hướng tới đây không phải là người Việt Nam làm xiếc mà là xiếc của Việt Nam. Sự khẳng định, định danh bản sắc Việt từ các tiết mục xiếc chính là thương hiệu Xiếc Việt Nam”, NSND Tống Toàn Thắng cho biết.
NSND Tống Toàn Thắng (SN 1967, tại Hà Nội). Năm 1978, anh trúng tuyển vào Trường Xiếc Việt Nam. Năm 1983, anh về công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam và trở thành “nghệ sĩ biểu diễn xiếc trăn đầu tiên của Việt Nam”. Năm 1992, anh đem trăn sang Trung Quốc biểu diễn tại Liên hoan Xiếc và giành 2 vị trí quan trọng là giải đặc biệt và giải khán giả yêu thích nhất. Hiện nay NSND Tống Toàn Thắng đảm trách nhiều vai trò, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đạo diễn, biên kịch, dàn dựng. Các tiết mục do anh dàn dựng được đánh giá lạ mắt, công phu từ chính những kinh nghiệm từ các đạo diễn nước ngoài. Ngôn ngữ xiếc dàn dựng của nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, thường có ý tưởng từ kho tàng truyện cổ tích, sự tích dân gian của Việt Nam tái hiện qua các tiết mục “Đu nhện”, “Đu Quan họ”, “Đu sen”,…