Người tái nhiễm COVID-19 tại TP HCM phải cách ly thế nào?
Các trường hợp F0 tái nhiễm SARS-CoV-2 vẫn cần cách ly tại nhà hoặc điều trị tại BV trong vòng 7 ngày. Nếu xét nghiệm vào ngày thứ 7 âm tính sẽ được quay lại làm việc, sinh hoạt bình thường, còn dương tính sẽ cần theo dõi thêm 3 ngày nữa...
Chiều 21/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM thông tin, đơn vị này đã họp với các chuyên gia, bộ phận chuyên môn để đánh giá lại tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở Y tế dự kiến trình văn bản tham mưu cho BCĐ về việc F1 thuộc diện cần theo dõi, đã tiêm đủ 3 mũi vaccine COVID-19 có thể quay lại làm việc, học tập bình thường.
"Đề xuất này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sản xuất, gián đoạn việc học tập. Các F1 trên vẫn cần tự theo dõi sức khỏe và báo ngay cơ quan y tế gần nhất khi có triệu chứng bất thường", bà Mai cho hay.
Đối với các bệnh nhân là F0, bà Mai cho biết, qua nghiên cứu, người nhiễm biến chủng Omicron sẽ có lượng kháng thể nhất định trong người và sẽ giảm dần trong 90 ngày sau khi khỏi bệnh. Những trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thời gian gần đây có thể do họ nhiễm biến chủng Delta trước đó rồi dương tính trở lại với biến chủng mới.
"Các trường hợp F0 tái nhiễm SARS-CoV-2 vẫn cần cách ly tại nhà hoặc điều trị tại BV trong vòng 7 ngày. Nếu xét nghiệm vào ngày thứ 7 âm tính sẽ được quay lại làm việc, sinh hoạt bình thường, còn dương tính sẽ cần theo dõi thêm 3 ngày nữa", bà Mai nói.
Đại diện Sở Y tế cho biết, qua quản lý, giám sát, biến thể mới BA.2 của chủng Omicron đang thay thế dần những chủng virus trước đây, chiếm đa số những ca mắc mới. Tuy nhiên, các ca nhập viện do biến thể BA.2 không nhiều, ít trường hợp nặng.
"Đa phần người nhiễm biến thể BA.2 chọn phương án cách ly, điều trị tại nhà. Hầu hết trường hợp nói trên đều âm tính trở lại trong vòng 5 ngày, ngoại trừ số ít người có bệnh nền, thuộc nhóm nguy cơ cao", bà Mai phân tích.
Đại diện ngành Y tế TP cho rằng, những đặc điểm trên thể hiện việc tiêm vaccine COVID-19 của TP đã phát huy hiệu quả. Mặt khác, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, đánh giá cấp độ dịch suốt thời gian qua đã được làm đúng hướng.
Bà Mai cũng thông tin về trường hợp bệnh nhân SN 1989, đến BV 1A nâng ngực trong ngày 18/3 và tử vong trong quá trình phẫu thuật.
Người phẫu thuật là BS Nguyễn Văn Thiết thuộc Bệnh viện 30/4. BS Thiết là BS hợp tác với BV 1A, có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp ngày 8/5/2014, phạm vi hoạt động chuyên khoa Ngoại, bổ sung phạm vi khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (cấp ngày 26/8/2021).
BS gây mê là Võ Văn Tuấn, có chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế cấp ngày 21/1/2014, phạm vi hoạt động chuyên ngành gây mê hồi sức. Vụ việc đang được Công an quận Tân Bình thụ lý điều tra.
Về trách nhiệm quản lý hoạt động thẩm mỹ, bà Mai cho biết, ngành Y tế có chức năng quản lý các hoạt động y tế trên địa bàn như khám chữa bệnh, dược, dịch vụ thẩm mỹ, trang thiết bị y tế…
Với các cơ sở y tế, bệnh viện TW hoặc thuộc các bộ, ngành đóng trên địa bàn, Sở Y tế được phép kiểm tra. Tuy nhiên, với điều kiện Sở Y tế phải lập kế hoạch báo cáo UBND TP và các BV này phải báo cáo đến cơ quan chủ quản. “Việc kiểm tra vẫn có thể làm được nhưng khó khăn hơn so với các đơn vị do TP quản lý”, bà Mai nói.
Hàng năm, Thanh tra Sở Y tế đều có kế hoạch kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn. Tùy thời điểm, ngành nghề nào là điểm nóng sẽ được tập trung hơn. Vi dụ, các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài, hoặc các cơ sở thẩm mỹ “nóng” trở lại sau dịch COVID-19.
Bà Mai cũng cho biết, thời gian qua, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng Y tế trực tuyến để ghi nhận phản ánh của người dân về lĩnh vực khám chữa bệnh. Việc xử lý được thực hiện chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày, tùy trường hợp cụ thể.