Người tâm huyết bảo tồn giống nhãn cùi cổ

Về xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) hỏi thăm nhà Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nễ Châu Bùi Xuân Tám, rất nhiều người biết đến bởi ông luôn tâm huyết chuyển giao kỹ thuật trồng nhãn và luôn đau đáu, tâm huyết với việc bảo tồn giống nhãn quý của đất Hưng Yên, tiêu biểu giống nhãn cùi cổ.

Năm 1997, ông Bùi Xuân Tám nhận thầu rặng nhãn dọc chân đê thôn Nễ Châu, đây là vùng đất cổ của Phố Hiến xưa có nhiều giống nhãn quý. Các cụ xưa kể lại, mỗi năm tát đầm sen, người trồng nhãn thường múc bùn ở các đầm sen dưới chân đê để phơi ải trên đê rồi lấy bùn đầm sen để cải tạo chất đất nên nhãn ở thôn Nễ Châu có hương vị đặc biệt riêng. Trong 3 năm thầu nhãn, ông Tám đã thưởng thức trên 100 cây nhãn các loại, ông chọn một cây nhãn cùi ngon nhất chiết mang về trồng tại vườn. Sau nhiều năm trồng cho chất lượng quả nhãn không khác mấy quả nhãn ở cây mẹ. Sau đó ông đã bảo tồn, nhân giống tại vườn nhà. Năm 2.000, thực hiện chủ trương dồn thửa đổi ruộng, đảng viên Bùi Xuân Tám đã tiên phong gương mẫu đi đầu đổi 8 sào đất ở thôn Lê Như Hổ về thôn Nễ Châu, ông đã gương mẫu nhận 8 sào đất 03 ở khu đất chua chiêm trũng không ai muốn canh tác. Lúc đầu thiếu vốn, ông Tám đã mạnh dạn vay vốn trên 100 triệu đồng từ ngân hàng để cải tạo thành vườn nhãn, lúc đầu có nhiều giống nhãn như: hương chi, quả vuông, đường phèn, cùi cổ. Những năm đầu làm vườn, ông phải đầu tư mua đất phù sa để đổ vượt thành vườn. Đến nay, vườn nhãn của ông là vườn nhãn đẹp nhất. Rất nhiều đoàn khách du lịch đã về thăm vườn nhãn trải nghiệm chụp ảnh.

Giống nhãn cùi cổ trước kia được trồng trên triền đê thôn Nễ Châu. Ông Tám đã miệt mài, tìm hiểu các đặc tính của giống nhãn cùi cổ, khắc phục các nhược điểm để nhân ra giống nhãn cùi cổ có ưu điểm vượt trội như quả to đều, vỏ mỏng, ăn thơm, ngon giòn, giá bán ra thị trường trên 90.000 đồng/kg. Đến nay, vườn nhãn của ông có trên 1.000 cây đã trên 25 năm tuổi, ông đang dần thay thế bằng giống nhãn cùi cổ mang thương hiệu Bùi Tám. Hiện nay, ông có tổng diện tích trồng nhãn trên 2,7 mẫu, gồm 2 vườn: vườn nhà ở có vườn nhãn ở xóm Trần Phú diện tích gần 2 mẫu; vườn thâm canh nhãn ở xóm Hòa Bình có 8 sào trồng nhãn. Nhà vườn ở xóm Trần Phú, ông Tám trồng xen canh thêm một số loại cây ăn quả như: mít, ổi, hồng xiêm, các loại cây thuốc… để thu hút du khách đến mua nhãn tham quan, chụp ảnh trải nghiệm.

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thi tuyển chọn những giống nhãn quý cần bảo tồn, Sở đã cấp Giấy công nhận cây đầu dòng mang tên nhãn Cùi cổ Bùi Tám, mã hiệu nguồn giống: C.NHANHONGNAM.33.323.11977.22.19 (viết tắt HYT19). Ngay sau hội nghị công bố, ông đã cung cấp cho khách hàng trên 1.000 cây giống. Tới đây, ông tặng cho mỗi hội viên cựu chiến binh 1 cây nhãn Cùi cổ Bùi Tám; nhận chuyển giao tiến bộ, kỹ thuật, kinh nghiệm trồng nhãn cho ai có nhu cầu. Ông Tám trò chuyện với chúng tôi mà như đang trò chuyện với chính những cây nhãn quý của mình: “Trồng nhãn là nghề ông cha truyền lại, từng mảnh vườn, từng gốc cây, mỗi mùa hoa, mùa quả… dần hình thành trong tôi tình yêu, nặng lòng với những chồi xanh lộc biếc”.

Bùi Thanh Bình

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202305/nguoi-tam-huyet-bao-ton-giong-nhan-cui-co-5cd0411/