Người thắp sáng niềm hy vọng cho trẻ khuyết tật

Hơn 20 năm qua, bác sĩ Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP. Hà Nội vẫn đang miệt mài lo từng bữa ăn, sức khỏe, truyền dạy từng con chữ cho những trẻ em bị khuyết tật về trí tuệ.

Từng là một bác sĩ nhi rồi đảm nhiệm chức Phó trưởng Phòng Giáo dục của quận Ba Đình, TP. Hà Nội, dành nửa đời người gắn bó với những em nhỏ cùng nhiều trăn trở về cuộc sống của trẻ chậm phát triển trí tuệ nên sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Đỗ Thúy Nga quyết định thành lập Trung tâm Hy Vọng (Kim Mã, TP. Hà Nội).

 Bác sĩ Đỗ Thúy Nga - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng.

Bác sĩ Đỗ Thúy Nga - Giám đốc Trung tâm Hy Vọng.

Gần 80 tuổi, khi đôi mắt đã mờ, chân đã chậm dần nhưng hơn 20 năm qua, bác sĩ Đỗ Thúy Nga cùng những người cộng sự của mình vẫn đang nỗ lực từng ngày chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ thiệt thòi, khiếm khuyết.

Trẻ vào Trung tâm Hy vọng đa phần là các em bị khuyết tật trí tuệ như di chứng viêm não, bại não, động kinh, tăng động giảm chú ý… Chính vì vậy, các em sẽ xếp vào 4 nhóm lớp theo độ tuổi, loại bệnh cũng như khả năng tiếp nhận thông tin.

Đặc biệt, mỗi trẻ ở trung tâm đều có sổ theo dõi sức khỏe riêng. Mọi diễn biến về sức khỏe thể chất và tâm lý của trẻ đều được giáo viên và bác sĩ của trung tâm theo dõi, điều chỉnh kịp thời.

 Bác sĩ Nga ân cần khám cho các trẻ em.

Bác sĩ Nga ân cần khám cho các trẻ em.

“Mỗi chữ cái, mỗi phép tính đơn giản, có trẻ phải học cả tuần. Một bài thơ, các em phải học nhiều tuần mới thuộc. Đang ngoan ngoãn, có trẻ bất ngờ la hét, lên cơn giật, nôn trớ, phá phách... Vì thế, phương châm của các cô giáo ở đây là kiên trì, thấu hiểu và chia sẻ. Khoảnh khắc được nghe thấy tiếng nói, tiếng cười, sự tiến bộ từng ngày của các em chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi”, bác sĩ Nga chia sẻ.

Đồng hành với bác sĩ Nga là hơn chục giáo viên và nhân viên của Trung tâm Hy Vọng, trong đó có những giáo viên đã gắn bó từ khi trung tâm thành lập đến nay. Là người có thâm niên ở trung tâm, chị Trần Thị Hoài nhớ rõ chặng đường đón nhận những đứa trẻ từ lúc còn bế ẵm đến khi trưởng thành.

 Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng.

Mỗi trẻ là một chương trình riêng, mỗi trẻ là một kế hoạch học tập riêng.

“Việc dạy và chăm sóc trẻ khiếm khuyết phải dựa hoàn toàn vào tâm sinh lý, luôn luôn thay đổi hình thức dạy sao cho phù hợp với từng trẻ. Khi nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ, mình có thể dựa vào đó để thay đổi theo từng phương pháp giáo dục khác nhau. Có lẽ điều níu kéo tôi làm việc tại trung tâm lâu đến vậy chính là những khoảnh khắc được nhìn các em hòa nhập với cuộc sống, đi làm, lập gia đình bình thường”, chị Hoài nói.

Không chỉ tiếp nhận trẻ em ở địa bàn Hà Nội, Trung tâm Hy Vọng của bác sĩ Đỗ Thúy Nga còn tiếp nhận trẻ em ở hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... Đến nay trung tâm đã có hơn 20 cán bộ, giáo viên cùng hơn 200 tình nguyện viên trong và ngoài nước.

 Để nâng cao thể chất, sau mỗi buổi học, các em còn được tập yoga.

Để nâng cao thể chất, sau mỗi buổi học, các em còn được tập yoga.

Hy vọng là sự trông chờ, ấp ủ niềm tin vào những điều mình mong muốn. Có lẽ vì vậy mà Trung tâm Hy vọng trở thành nơi thắp sáng niềm tin cho các em nhỏ khuyết tật về trí tuệ. Được yêu thương, chăm sóc và nuôi dạy đúng cách, các em dần học được kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân, tạo cơ hội hòa nhập với cộng đồng.

Phúc Ân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-thap-sang-niem-hy-vong-cho-tre-khuyet-tat-post279756.html