Người thầy chăm chút từng bữa cơm cho học trò vùng cao
Tạm gác công việc gia đình, thầy A Phiên xung phong đi lấy thức ăn, nấu cơm cho hàng chục học sinh ở điểm trường cụm Đăk Ka. Với thầy, niềm hạnh phúc là nhìn thấy các em ăn no, mặc ấm, đi học chuyên cần.
Thầy A Phiên – giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã có hơn 27 năm gắn bó với nghề giáo. Khi thầy mới về trường, trang thiết bị, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Các em học sinh không chịu đến lớp vì phải phụ bố mẹ làm nương rẫy bởi gia đình quá khó khăn. Không những vậy nhiều em với chiếc bụng đói tới lớp, không có sức các em cứ nghỉ dần. Với mong muốn cho các em biết con chữ để có cuộc sống tốt hơn, thầy A Phiên đã tự nấu cơm ở nhà để cho các em ăn đến lớp.
“Lúc đó, nhà mình cũng còn nhiều khó khăn nhưng mình vẫn mong các em ăn no để đến lớp. Ngoài giờ lên lớp mình trồng thêm rau, nuôi thêm gà để có thức ăn cho các em. Các em đến nhà mình ăn rồi đến lớp, tỷ lệ chuyên cần cũng tăng lên.”, thầy A Phiên nói.
Sau này, số lượng học sinh đông hơn, một mình thầy cũng không thể lo hết cho tất cả các em. Do đó, nhiều em học sinh chỉ đến lớp một buổi rồi đến chiều theo bố mẹ lên nương. Thương học trò, thầy cô giáo trong trường quyết định góp tiền lại để nấu cơm giữ chân trò.
Từ ngày bếp ăn miễn phí đỏ lửa, thầy A Phiên cũng xung phong đảm nhận nhiệm vụ đi lấy thức ăn và thổi cơm nuôi học trò. Đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, thầy A Phiên lại vượt quãng đường khoảng 7km dốc đá cheo leo từ điểm trường cụm Đăk Ka ra trường chính để lấy thức ăn. 8 giờ, khi lấy thức ăn trở về thầy A Phiên xắn tay vào nhặt rau, sơ chế thức ăn. Một mình thầy cặm cụi với chiếc bếp củi mù mịt khói nấu cho các em học sinh những bữa cơm trưa ấm tình thầy trò.
“Nhà mình gần điểm trường cụm Đăk Ka nên mình xung phong đi lấy thức ăn và nấu cơm cho các em học sinh. Mặc dù mình không phải là đầu bếp chuyên nghiệp. Nhưng mình biết khẩu vị và sở thích của các em học sinh. Do đó, đa số nấu bao nhiêu đồ ăn thì học trò ăn hết bấy nhiêu. Nhiều em ăn xong khen đồ ăn ngon, mình thấy rất vui và cũng là động lực để mình nấu cho các em ăn mỗi ngày. Thấy các em ăn no, học tốt là mình thấy hạnh phúc rồi. Mình chẳng thấy vất vả gì hết, thấy các em đi học đầy đủ, không phải lã đi vì đói là động lực để mình cố gắng mỗi ngày”, thầy A Phiên tâm sự.
Thầy A Phiên nấu nướng, chăm bẵm cho các em học sinh như con của mình. Tuy nhiên, chưa một lần nào thầy ăn cơm cùng học trò. Bởi thầy nghĩ, cơm ở trên lớp là của trò, thầy ăn các em sẽ không còn gì ăn. Cứ thế, ngày nào cũng vậy sau khi lo cho các em học sinh ăn uống và dọn dẹp xong, thầy A Phiên lại trở về nhà để ăn cơm và chuẩn bị cho tiết dạy buổi chiều.
“Cơm ở trường là nấu cho học trò, dù có trễ đến mấy mình cũng về nhà ăn cơm. Mình không ăn ở trường đâu, vì đây là đồ ăn của các con. Mình mà ăn thì hết của học trò mất. Các con ăn để lấy sức học con chữ, sau này mới có hy vọng thoát nghèo được”, thầy A Phiên nói.
Đưq ánh mắt về phía dãy núi mờ sương trước điểm trường, thầy A Phiên tâm sự, niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy là được nhìn thấy học sinh no bụng, đi học chuyên cần.
“Năm nay mình 53 tuổi rồi, mình chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để học hỏi được nhiều hơn. Qua những kiến thức học được mình sẽ về truyền dạy lại cho các em học sinh. Ước gì mình có điều kiện tốt hơn thì có thể lo được cho học sinh nhiều hơn. Khi đó các em sẽ không còn vất vả, đói hay lạnh khi đến trường học con chữ. Tương lai của các em sẽ sáng lạn hơn khi có kiến thức để phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.”, thầy Phiên nghẹn ngào nói.
Thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng trường cho biết, tại điểm trường Tiểu học cụm Đăk Ka có 23 em học sinh của lớp 1 và 2. Học sinh học 2 buổi/ ngày nên sau khi học xong buổi sáng các em về nhà ăn cơm, đến chiều “quên” đến lớp.
Để giữ chân học trò nhà trường đã tổ chức bếp ăn miễn phí. Thầy A Phiên xung phong hàng ngày đi lấy thức ăn và nấu cơm cho học trò. Không chỉ nấu cơm cho học trò, thầy A Phiên cũng rất tâm huyết trong việc dạy học cho các em học sinh. Bên cạnh đó, thầy A Phiên luôn gần gũi, chia sẻ với học sinh về cuộc sống. Do đó, học trò rất quý mến thầy A Phiên.