Người thầy cũ
Một buổi sáng mùa đông tiết trời lành lạnh, những giọt sương còn đọng mềm trên từng chiếc lá ven đường. Đâu đó âm thanh của tiếng gà gáy sáng và tiếng ríu rít trên cành của những chú chim làm cho miền quê nhỏ này thêm yên ả thanh bình như từ bấy lâu nay.
Trước mặt tôi là ngôi nhà của người thầy cũ. Nhà của thầy cũng đơn sơ như chính cuộc sống bình dị của một người giáo viên từ hồi đó đến giờ. Có lẽ thầy đã dốc hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, đưa đò cho từng lớp trẻ sang được bến bờ tương lai mà những hạt phấn trắng nơi bục giảng đã hóa thành bụi thời gian rơi rơi mãi trên tóc thầy. Để bây giờ thanh xuân đã trôi xa và tóc xanh thuở ấy cứ dần hóa sương mây.
Thầy nay cũng đã nghỉ hưu. Trong những năm tháng dìu dắt các thế hệ học sinh của mình có biết bao học trò được thầy thương yêu dạy bảo. Nhưng tôi biết trong góc thương yêu ấy thì thầy vẫn luôn dành cho tôi một sự quan tâm đặc biệt. Bởi hồi ấy tôi là một đứa học trò nghèo ở vùng nông thôn sâu, con đường đến trường lại luôn sình bùn lầy lội mỗi khi trời mưa.
Trong lớp học dù tôi không là đứa học trò giỏi nhất của thầy, nhưng bù lại sự siêng năng chăm học và luôn cố gắng tiếp thu từng bài giảng của thầy nên tôi rất được thầy quan tâm.
Ở trường là vậy, còn về nhà thì thầy thừa hiểu hoàn cảnh của một đứa học sinh nghèo ham học. Thường ngày cha mẹ cứ mãi đi làm, hết công việc nhà thì lại đi làm thuê cho người ta để có được đồng tiền trang trải trong gia đình. Đã không ít lần ở nhà, tôi phải tự nấu cơm ăn cho no cái bụng để đi học. Những hôm trời mưa, cái góc bếp thì bị dột nên củi cũng chẳng được khô. Cái chỗ nấu nồi cơm của tôi khói bay mù mịt làm cho cả người của tôi cũng đầy mùi khói. Vừa nấu cơm vừa cầm quyển sách để học bài nên sách vở cũng bị dính tro lem luốc.
Có lần đến trường, thầy hỏi tôi vì sao lại để sách vở bị bẩn như vậy? Tôi kể hoàn cảnh của mình, thầy không la rầy hay trách phạt, mà chỉ xoa đầu tôi như một sự cảm thông. Hôm ấy, tôi trả bài được thầy cho cái điểm mười đỏ tươi làm cho tôi vui không sao tả được.
Có lần tôi định nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Hiểu được hoàn cảnh của tôi, thầy đã lặn lội đến tận nhà để gặp cha mẹ, thầy nhiệt tình thuyết phục để rồi tôi lại được đến trường cho đến cuối cấp học của mình.
Thầy thương đứa học trò nghèo ham học có lẽ một phần là vì thầy cũng từng trải qua những tháng ngày khó khăn mới đến được nơi bục giảng. Khi đã là một giáo viên rồi, nhưng thầy còn phải làm thêm nghề bơm gas hột quẹt và sửa bàn máy may. Hồi ấy, ở thôn quê chẳng có lộ đal hay lộ nhựa như bây giờ, những hôm thứ Bảy, Chủ Nhật không đi dạy thì thầy lại quẩy cái túi đồ nghề bên mình mà đi qua khắp những con đường ngõ ngách gần xa để kiếm thêm thu nhập.
Tôi đến thăm thầy, đó là một ngày đã bước sang đông. Thời tiết của buổi sáng vẫn còn lành lạnh bám vai, nhưng cuộc hội ngộ của thầy và trò trở nên ấm áp biết bao. Thầy mãi mãi là người thầy mà tôi luôn tôn kính nhất trong cuộc đời mình.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nguoi-thay-cu-61785.html