Người thầy của mùa hè không nghỉ

Giữa cái nắng gắt đầu tháng 7, tôi ghé Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân. Trong căn phòng nhỏ trước khoảng sân vắng lặng, thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường vẫn lặng lẽ lật giở từng xấp tài liệu, chuẩn bị cho năm học mới. Từng ấy năm, thầy vẫn gắn bó với những điểm trường vùng cao.

Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân. Ảnh: Đình Giang

Thầy Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân. Ảnh: Đình Giang

Hè với thầy không phải là kỳ nghỉ. “Lên trường quen rồi, nghỉ ở nhà mấy hôm lại thấy thiêu thiếu. Thế hệ mình ngày xưa được “cắm bản”, vất vả nhưng tràn đầy kỷ niệm”, thầy cười hiền, giọng nói nhẹ như gió núi. Câu chuyện về hành trình “gieo chữ” của thầy bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1990, khi đó thầy là một trong những giáo viên trẻ đầu tiên của ngành giáo dục Thanh Hóa tình nguyện lên vùng biên giới “cắm bản”, để phổ cập tiểu học cho trẻ em người Mông, Thái, Khơ Mú...

Lần đầu lên xã Trung Lý xa xôi giáp biên giới, thầy chưa hình dung được hết những gian nan đang chờ đợi phía trước. Chưa đầy ba ngày sau khi nhận lớp, thầy mắc sốt rét ác tính. Tay sưng vù, người nóng như lửa đốt do vận động đi lại nhiều nên bị viêm cơ, vậy mà vẫn cố gắng bám bản cho đến khi không chịu nổi mới để đồng nghiệp dìu ra trạm xá xã. “Thời đó, giáo viên cắm bản sống cùng dân, ăn uống thiếu thốn, đường đi toàn lội suối trèo rừng. Nhưng mình thương nhất khi các em đến lớp với bụng đói, áo rách, chân trần. Làm sao để học sinh không bỏ học giữa chừng, nhiệm vụ vô vàn khó khăn”, thầy Viên thở dài.

Cũng từ đó, thầy bắt đầu một hành trình dài không chỉ dạy chữ, mà còn đi vận động bữa ăn cho học trò. Những năm chưa có chính sách hỗ trợ ăn bán trú, nhiều em học sinh vùng cao phải đi bộ cả chục cây số mỗi ngày để đến lớp, trưa ăn tạm bằng mấy thứ lặt vặt như củ khoai, bắp ngô,... chiều lại mang bụng đói trở về. Cũng bởi vậy, tình trạng học sinh bỏ học, không đến lớp diễn ra phổ biến. Nghĩ phải làm sao để cho các em có bữa ăn trưa no cái bụng, ở lại lớp, thầy đã lặn lội đến từng hộ dân trong bản để vận động xã hội hóa về gạo, rau, củ, cá mắm... Thầy Viên nhớ, có những hôm đi cả ngày, chỉ mang về được một ít cá suối phơi khô, mấy bó rau rừng, nhưng nghĩ học trò sẽ có một bữa ăn trưa no hơn, khiến mọi vất vả như tan biến.

Với vai trò Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân từ cuối năm 2017, thầy Viên tiếp tục khởi xướng, duy trì mô hình bữa cơm bán trú cho học sinh vùng cao tại các điểm trường Éo, Giá, Sa Lắng, Tân Sơn, nơi có tới hàng trăm em nhỏ theo học. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, thầy đã vận động các tổ chức xã hội, các nhóm thiện nguyện cùng chung tay hỗ trợ. Mỗi bữa ăn học sinh, phụ huynh góp một ít, phần còn lại do thầy, nhà trường kết nối, kêu gọi tài trợ. Nhờ mô hình này, tỷ lệ học sinh duy trì sĩ số, đi học chuyên cần được giữ vững nhiều năm liền. Không dừng lại ở đó, thầy còn chú trọng đến việc xây dựng thư viện xanh, không gian đọc cho học sinh ở tất cả điểm trường. Những góc nhỏ rợp bóng cây, vài kệ sách và chiếu ngồi đơn sơ, giờ đã trở thành nơi níu chân lũ trẻ sau giờ tan học. “Có sách, có sân chơi, các em sẽ thêm yêu trường lớp, gắn bó với mái trường như ngôi nhà của mình”, thầy Viên chia sẻ.

Trước khi về công tác tại Trường Tiểu học Thanh Xuân, thầy Viên từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Quan Hóa (cũ) gần 10 năm. Dưới sự điều hành của thầy, ngôi trường nơi trung tâm huyện lần đầu tiên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử giáo dục địa phương. Tôi hỏi thầy, điều gì khiến thầy gắn bó mãi với mảnh đất vùng cao, dù có cơ hội chuyển về xuôi từ nhiều năm trước. Thầy Viên khẽ lắc đầu: “Ở đây quen rồi. Mà quen rồi thì càng thấy rõ, những đứa trẻ vùng cao không chọn nơi mình sinh ra, nhưng mình có thể giúp các em chọn một tương lai khác nếu có cái chữ”.

Nói rồi thầy lại xách bình tưới nước cho mấy luống rau trong góc vườn sau dãy lớp học. Mảnh vườn ấy cũng là khu “bếp ăn nhỏ” mà các thầy cô nhà trường dày công chăm bón để cải thiện bữa ăn cho học trò. Những ngày hè, rau nhiều, thầy lại chia sẻ cho các hộ dân sống lân cận, đỡ phải mua. Năm học 2025 - 2026 sắp đến, thầy lại tất bật rà soát danh sách lớp, kiểm tra kế hoạch cho một năm học mới, đi thực tế để đề xuất xin hỗ trợ cải tạo một số điểm trường xuống cấp, bàn ghế sứt mẻ, nền gồ ghề... Với thầy, niềm vui là khi học trò được ngồi học trong những lớp học lành lặn, có cơm ăn, có bạn chơi, có sách đọc.

Chia tay thầy, phía sau là bóng dáng người đàn ông trung niên gầy gò vẫn đang lúi húi sắp xếp tài liệu trong căn phòng nhỏ. Mái tóc đã ngả màu theo thời gian, nhưng ánh mắt thầy thì vẫn sáng lấp lánh, thứ ánh sáng của tình yêu nghề, yêu những đứa trẻ nơi vùng cao heo hút.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-thay-cua-mua-he-khong-nghi-38188.htm