Để Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, để Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống, từ nay đến hết năm, Bộ GD&ĐT cùng lúc nghiên cứu và ban hành 3 nghị định với hơn 10 thông tư để hướng dẫn thi hành những điều khoản hết sức chi tiết.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT phát biểu. Ảnh: LV

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT phát biểu. Ảnh: LV

Sáng 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Văn phòng UNESCO Việt Nam tổ chức “Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới”. Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyế với 33 điểm cầu là các Sở GD&ĐT.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho hay, ngày 16/6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 Điều. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành giáo dục, mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.

Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại Luật Nhà giáo. Cụ thể: Thứ nhất, khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo. Thứ hai, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thứ ba, một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo. Thứ tư, chuẩn hóa và phát triển đội ngũ - nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ năm, tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua chứng tỏ một số điều, trước hết là đáp ứng niềm mong mỏi của hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Luật không chỉ cho hơn 1 triệu nhà giáo hôm nay mà cho nhiều năm, khi luật vẫn còn và trong quá trình thực hiện, khi cần thiết luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện tốt hơn, đáp ứng đúng mục tiêu là phát triển đội ngũ nhà giáo - một lực lượng hết sức quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Luật được ban hành là điều kiện hết sức quan trọng, là căn cứ pháp lý cao nhất để chúng ta triển khai nhưng xét cho cùng đấy cũng chỉ là những điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải ban hành, có hướng dẫn, có các văn bản dưới luật và trong quá trình này cũng đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức khoa học, thực tiễn và bài bản. Những quy định ở luật như đang nói chỉ mang tính chất luật khung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: LV

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: LV

Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến 1/1/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, đồng thời các quy định đó phải đồng bộ thực hiện. Chính vì thế, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì từ nay đến hết năm cùng một lúc nghiên cứu và ban hành 3 nghị định với hơn 10 thông tư để hướng dẫn thi hành những điều khoản hết sức chi tiết. Cũng như luật, đây là những nghị định, thông tư hết sức quan trọng và khó khăn phức tạp.

Trước hết là khó khăn phức tạp vì vẫn quy định những nội dung cụ thể mà trong luật đã có, quy định những nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ ngành. Và phức tạp vì nó tác động tới con người, tới đội ngũ nhà giáo hơn 1 triệu người, tác động tới các văn bản quy phạm pháp luật khác, từ luật cho đến nghị định cho đến thông tư. Điều này đòi hỏi những người xây dựng các văn bản hướng dẫn này vẫn phải tiếp cận trên cơ sở bám vào đầy đủ những căn cứ về pháp lý, chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc khoa học nhất, thực tiễn nhất, cầu thị nhất lắng nghe nhất và với một tinh thần là bám sát quan điểm của luật.

"Thông tư hay nghị định thì vẫn phải đáp ứng được quan điểm cao nhất là để phát triển đội ngũ nhà giáo, để xây dựng được đội ngũ nhà giáo cùng với số lượng đảm bảo về cơ cấu, đặc biệt là chất lượng đội ngũ nhà giáo, để đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước, xây dựng những thế hệ học sinh của chúng ta đủ năng lực, đủ tầm để bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của đất nước", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/de-luat-nha-giao-som-di-vao-cuoc-song-20250717102722103.htm