Người thầy giáo già mê sách xưa
Mỗi người có một niềm đam mê. Nhưng với nhà giáo già ngoài tuổi 'thất thập' đam mê sách báo xưa thì đó là một thú khó có gì thay thế. Hễ nghe ở đâu có bán sách, nhất là sách xưa, sách quý là ông đến ngay và tìm cách mua, nhưng khi bị sẩy cuốn sách quý, ông buồn thiu...
Ông Trần Q.T (nguyên quán xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) hiện đang sống ở phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên). Biết ông có trên 30 năm dạy Ngữ văn ở nhiều nơi, sở hữu kho sách quý hiếm, với hàng ngàn cuốn sách khó được tiếp cận. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) sắp tới, tôi gặp ông để hỏi về chuyện đọc sách, sưu tầm sách.
Gặp gỡ, trò chuyện với những người mê sách mới thấy hết sự am hiểu và tình cảm trân quý của họ dành cho những cuốn sách nhiều năm qua sưu tập. Điểm chung dễ thấy, họ không tự coi là nhà sưu tầm hay tự hào có nhiều sách nhất, mà luôn thể hiện sự khiêm tốn và tính điềm đạm. Được tận mắt thấy những cuốn sách giá trị họ dày công tìm kiếm và lưu giữ cẩn thận thì càng khâm phục sự mê sách. Theo ông Trần Q.T, sách là “túi khôn” của nhân loại, tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhưng người xưa đã khuyên răn: “Tin hết ở sách thì thà đừng đọc sách còn hơn”.
Một câu nói thoạt nghe có vẻ nghịch lý, trái chiều, nhưng ngẫm lại rất bổ ích. Bởi những cuốn sách cụ thể cũng có những giới hạn của nó, chưa kể những sai sót mà có tác giả vô tình hay hữu ý để xảy ra. Nên phải đọc sách bằng một tinh thần kế thừa và phê phán, biết gạn đục khơi trong, biết so sánh, đối chiếu, suy luận và chiêm nghiệm mới thực sự là người biết đọc sách, người đọc sách chuyên nghiệp.
Nhọc lòng sưu tầm sách nhiều thập kỷ và có nhiều cuốn sách quý hiếm được in từ thế kỷ trước, nhưng ông luôn nói “số sách còn thiếu nhiều”, chỉ là số ít so với nhiều người ở TP. Long Xuyên. Ông sở hữu nhiều bộ sách tìm hiểu, nghiên cứu trên các lĩnh vực, về nghiên cứu văn học, văn hóa, tác phẩm văn học nổi tiếng, hồi ký, tạp chí các loại của Việt Nam qua nhiều thời kỳ; của Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây...
Đặc biệt, ông đang sở hữu những cuốn sách, bộ sách được coi là “độc”, ít người có, như: An Nam chí lược, Tây Dương Gia Tô bí lục, Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký tục biên, Đại Việt thông sử, Ô châu cận lục, Mạc thị gia phả, Hoan châu ký, Lịch triều tạp ký, Đại Nam thực lục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược; sách về truyện Kiều của Lê Quý Đôn, “Gia định tam gia thi” (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tỉnh), Dương Quảng Hàm, Vương Hồng Sển, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê... và một số sách rất khó thấy, thậm chí là độc bản.
Để có được sách, ông không chỉ lặn lội ở các nơi tìm sách, báo, tạp chí quý hiếm, còn thông qua nhiều người, bạn bè, bạn sách chỉ chỗ có nguồn sách để đến xem và đàm đạo. Việc sưu tầm thật không dễ dàng, do phạm vi sách trải rộng từ văn hóa, lịch sử, xã hội, khoa học, kỹ thuật, danh nhân… từ các tác giả trong và ngoài nước, nhất là sách những năm đầu của thế kỷ trước.
Đặc biệt, có nhiều cuốn sách “vừa ý” nên chủ nhân một mực không bán, người muốn mua phải bỏ nhiều công sức, thời gian, thậm chí chi nhiều tiền và đi hàng trăm cây số nhưng phải chịu cảnh về tay không. Ông kể, đôi lúc người vợ cũng thấy bực mình nhưng nhờ hiểu sự đam mê của ông nên tất cả đều êm xuôi.
“Mục đích của tôi trong việc sưu tầm sách, trước là để đọc, học; sau là lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ sau gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc qua các thời kỳ. Tri thức trong sách, báo vô cùng rộng lớn, bao quát trên mọi lĩnh vực, đã và sẽ giúp tôi có cách ứng biến tốt hơn trong cuộc sống ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Tôi muốn lan tỏa tình yêu sách tới bạn bè và mọi người. Hiện nay, dù điều kiện cuộc sống như thế nào, nhưng niềm đam mê mua sách xưa, sưu tầm sách, báo các loại để bổ sung kiến thức cho bản thân ở nhiều lĩnh vực, nhất là lịch sử dân tộc Việt Nam và các nước thì không bao giờ tắt!” - ông Trần Q.T chia sẻ.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nguoi-thay-giao-gia-me-sach-xua-a379305.html