Người thầy giúp học trò đặc biệt 'vẽ ước mơ'

Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, trong mỗi tác phẩm của các học trò đặc biệt đều toát lên một tâm hồn trong sáng, một nghị lực phi thường. Dạy vẽ cho họ, người thầy đã phải học cách 'nói chuyện' bằng ngôn ngữ không âm thanh...

Cứ mỗi thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, thầy Nguyễn Hoàng (56 tuổi) vượt hơn chục cây số từ quận 3 xuống Hóc Môn để đến với lớp học vẽ tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM tại Hóc Môn. Dù ngày nắng hay ngày mưa, tuần nào thầy Hoàng cũng đều đặn đến lớp, bởi nơi đó có 17 em học trò đặc biệt luôn mong được gặp thầy.

Xuất thân là một thợ cơ khí, nhưng với niềm đam mê hội họa, thầy Hoàng dần gắn bó với công việc vẽ tranh. Năm 2012, từ lời giới thiệu của người bạn, ông bắt đầu bén duyên với lớp học này. Theo thầy Hoàng, những học trò đặc biệt này đều có những hoàn cảnh khác nhau, thể trạng yếu, nhưng hầu hết ai cũng ham học, chịu nghe thầy chỉ bảo.

Cứ như thế đã hơn 10 năm, bằng tất cả trái tim mình, thầy Hoàng đã mang đến cho những đứa trẻ khuyết tật niềm vui được sáng tạo, được thể hiện bản thân qua từng nét vẽ mà không nhận bất cứ khoản chi phí nào.

"Dạy vẽ cho các bạn học trò đặc biệt, thời gian đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi nhận thấy rằng, mỗi em đều có cách tiếp cận và tốc độ học tập khác nhau. Vì vậy, mỗi em sẽ có các phương pháp chỉ dạy khác nhau. Với một số em bị khiếm thính, không thể diễn đạt ngôn ngữ bằng lời nói, tôi sẽ cố gắng diễn đạt bằng ký hiệu, và nhờ một số bạn trong lớp hỗ trợ truyền đạt thông tin" - Thầy Hoàng cho hay.

Tại lớp học, thầy Hoàng sẽ chia các em thành nhóm, ai có thế mạnh gì sẽ được thầy hướng dẫn để làm tốt hơn thế mạnh đó. Có nhóm sẽ vẽ trang trí túi xách, có nhóm vẽ tranh trên giấy canvas...Với những học viên mới bắt đầu, thầy sẽ chỉ dạy các em cách cầm cọ, cách phối màu, bố cục bức tranh...

"Mỗi em học viên đều có khiếm khuyết nhưng lại có chung một ước mơ là vẽ nên tương lai bằng chính sức của mình. Tôi luôn mong các em sẽ có một công việc, tự lo được cho bản thân mình" - thầy Hoàng chia sẻ.

Gần 2 năm theo học tại trung tâm, Võ Văn Thông (25 tuổi) cảm thấy như được thầy Hoàng mở ra một cách cửa mới từ khi được thầy Hoàng dạy vẽ. Dù cách diễn đạt lời nói có phần khó khăn nhưng khi được hỏi về thầy Hoàng, Thông vẫn luôn dành cho thầy lòng yêu mến và biết ơn.

"Thầy Hoàng rất tốt, thầy luôn chỉ dạy các em tận tình. Đối với tôi, thầy như người cha." Thông chia sẻ.

Thầy Hoàng hướng dẫn học trò Quốc Sơn (17 tuổi) bị khiếm thính cách chia bố cục cho bức tranh.

"Tuy là bị khiếm thính nhưng tôi rất bất ngờ vì Sơn vẽ tranh rất có hồn và có tư duy tốt về màu sắc, hiểu nhanh dù chỉ mới vào học được một tháng" - Thầy Hoàng nói.

Say sưa trong nét cọ vẽ, đôi bàn tay kém linh hoạt của Hồ Thanh Quân (27 tuổi) vẫn cẩn thận, chầm chậm tô điểm cho bức tranh phong cảnh. 9 năm qua, anh chưa từng dừng lại, bởi sau lưng anh luôn có bóng dáng của thầy Hoàng tiếp thêm động lực.

"Ước mơ của tôi là học thật tốt để mở phòng tranh, thầy Hoàng luôn nói với tôi rằng người ta làm được thì mình cũng làm được" - Quân nói.

Ngoài vẽ tranh một số học viên còn trang trí cho túi xách. Các sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được trưng bày tại Trung tâm để bán, số tiền thu được trung tâm sẽ trích một phần để trao lại cho tác giả, phần còn lại dùng để mua vật tư vẽ.

Thầy Hoàng hy vọng rằng các bức tranh của học trò sẽ có cơ hội để mọi người biết đến nhiều hơn, từ đó tạo điều kiện để các em phát huy năng khiếu của mình. Tuy những nét vẽ vẫn còn ngây ngô, nhưng đó là cả sự cố gắng, không đầu hàng trước trước khó khăn mà mỗi học viên của thầy đang từng ngày ra sức rèn luyện, cảm nhận về thế giới đầy màu sắc.

Một số tranh vẽ của các học trò đặc biệt của thầy Hoàng.

Thầy Hoàng cùng các học trò đặc biệt của mình.

Thầy Hoàng hy vọng từ cây cọ vẽ này các em sẽ tự tin vào bản thân, không ngừng cố gắng và tự vẽ nên ước mơ của chính mình, trở thành người có ích cho xã hội.

NGUYỆT NHI

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-thay-giup-hoc-tro-dac-biet-ve-uoc-mo-post812314.html