Người thầy học của 'Tây Sơn Tam Kiệt'

GDVN- Đất Tây Sơn là nơi phát tích của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, cho nên sử gọi là ba anh em là Nhà Tây Sơn hay 'Tây Sơn Tam Kiệt'.

Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam vốn gồm hai vùng: vùng rừng núi gọi là Thượng đạo (nay thuộc tỉnh Gia Lai) và vùng đồng bằng gọi là Hạ đạo (nay thuộc tỉnh Bình Định).

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sinh ra và lớn lên ở ấp Kiên Thành thuộc Hạ đạo Tây Sơn.

Tổ tiên của ba anh em vốn gốc họ Hồ ở tỉnh Nghệ An, tên là Hồ Phi Khang bị quân chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào năm 1655, đưa vào Tây Sơn khai hoang lập ấp.

Đến đời cha của ba người là Hồ Phi Phúc, mẹ là Nguyễn Thị Đồng thì đã thành một gia đình trung nông khá.

Để khỏi mắc mớ với gốc gác Đàng Ngoài, ông bà cho các con đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn là họ mẹ.

Thuở nhỏ, anh em Nguyễn Nhạc được đi học và theo học thầy giáo Trương Văn Hiến, một nho sĩ bất bình với quyền thần Trương Phúc Loan, trốn vào đây dạy học, nhờ đó được hiểu biết về tình hình triều đình của chúa Nguyễn.

Thầy giáo Hiến mang hoài bão, ý chí của mình truyền cho lớp môn sinh.

Ông đã khám phá ra tài năng khác thường của anh em Tây Sơn nên hết lòng đầu tư cho sự nghiệp lớn sau này.

Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online.

Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online.

Năm 1765, chúa Nguyễn là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mất, Trương Phúc Loan chuyên quyền, tự xưng là Quốc phó, cùng bè đảng lập di chiếu giả về việc truyền ngôi chúa.

Phúc Loan phế truất và bắt giam Thế tử Nguyễn Phúc Luân, lập người em thứ mười sáu của Võ Vương là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi để dễ lộng hành.

Thái phó Trương Văn Hạnh, thầy dạy của Thế tử phản đối, liền bị Phúc Loan giết cả nhà.

Phúc Loan còn cho truy lùng những người thân tín của quan Thái phó để hãm hại.

Tin dữ khiến Trương Văn Hiến, người vừa là bà con, vừa là môn khách của Thái phó Trương Văn Hạnh rụng rời. Ông vội vàng bỏ trốn.

Trương Văn Hiến là một nho sĩ uyên thâm, võ nghệ cao cường, gốc người Hà Tĩnh, vốn làm nghề dạy học nên còn gọi là ông giáo Hiến.

Trong cơn nguy biến, ông đã tìm đến một ngôi chùa nhỏ ở chân núi Hải Vân, nơi Trí Viễn thiền sư, một người bạn vong niên của ông trụ trì.

Là một người uyên bác, nắm bắt được thời thế, Trí Viễn thiền sư đã khuyên bạn vào phủ Quy Nhơn lập nghiệp.

Theo lời khuyên ấy, Trương Văn Hiến vượt đèo vào Nam .

Sau một thời gian ẩn dật nay đây mai đó, ông tìm đến một vùng bán sơn địa thuộc huyện Hoài Nhơn sinh sống.

Tuy đã quyết xa lánh sự đời, nhưng khi thấy một phú hào trong vùng là Phan Nghĩa bị cướp, tinh thần trượng nghĩa nổi lên, Trương Văn Hiến đã đến cứu giúp. Ông đã đánh tan bọn cướp, bảo vệ an toàn cho gia chủ.

Cảm kích trước hành động nghĩa hiệp của Trương Văn Hiến, phú hào Phan Nghĩa muốn đền ơn người đã cứu giúp mình.

Ông gạn hỏi mãi gia cảnh, Trương Văn Hiến mới thưa thật mình là kẻ không nhà, đang tìm nơi lập nghiệp.

Phan Nghĩa bèn xuất tiền mua một khu đất rộng gần sông Côn tặng Trương Văn Hiến.

Từ đó,Trương Văn Hiến ở lại đất An Thái bên sông Côn mở trường dạy học. Nhân dân quanh vùng gọi ông là thầy Hiến.

Nghe tiếng thầy giáo Hiến giỏi cả văn lẫn võ, người anh cả của anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc về thưa với cha và ngỏ ý muốn cha đứng ra mời thầy Hiến về dạy riêng cho ba anh em để mưu việc lớn.

Hồi đó ở miền Nam là vùng đất mới mở, rất khó tìm được một ông thầy giỏi chữ nghĩa.

Đón được một thầy giáo như thầy Hiến về dạy cho các con là một điều may mắn lớn đối với ông Hồ Phi Phúc.

Thầy Hiến không chỉ đến từ Nghệ Tĩnh, đất học nổi tiếng cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, mà còn là một người văn võ song toàn.

Thầy vốn kén học trò, không phải ai đến xin học cũng được thầy thâu nạp.

Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung

Thế mà như gặp cơ duyên, thầy Trương Văn Hiến đã nhận lời lên đất Tây Sơn, dạy cho ba anh em họ Nguyễn.

Thầy giáo Hiến dạy cả văn và võ. Thầy nói có văn không có võ thì nhu nhược. Có võ không văn thì hay cường bạo. Văn võ nương nhau thì đạo làm người mới giữ vững.

Cũng như mọi người, ba anh em nhà Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ, nhưng nặng bên võ hơn bên văn.

Nguyễn Nhạc chuyên học kiếm, Nguyễn Huệ chuyên học đao, Nguyễn Lữ chỉ học quyền, và vì sức yếu nên được truyền môn Miên quyền (quyền mềm dẻo như bông, đối lập với Ngạnh quyền là quyền cứng mạnh), là môn võ sở trường của Trương công...

Sau một thời gian, thầy Hiến đã nhận ra ba anh em nhà Tây Sơn đều thông minh, mỗi người đều có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau.

Nguyễn Nhạc tài trí, giỏi thu phục lòng người nhưng giảo hoạt, đa nghi và dễ thỏa mãn với thành công.

Nguyễn Lữ hơi nhu nhược, nhưng thành thực, chất phác, không âm mưu, quỷ kế. Duy có Nguyễn Huệ là được hơn cả.

Nguyễn Huệ trung thực, quyết đoán, nhiều khát vọng, và đặc biệt có tài quân sự.

Đồng thời Nguyễn Huệ cũng rất tình cảm, có khả năng cảm hóa lòng người.

Được thầy giỏi kèm cặp, động viên, ba anh em học hành tấn tới, được mọi người gọi là "Tây Sơn tam kiệt".

Một hôm, thầy Hiến gọi cả ba anh em lại và bảo rằng:

- Gần đây lan truyền câu sấm "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công". "Tây" chính là Tây Sơn ta đó. Lúc này là lúc kẻ anh hùng lập nên nghiệp lớn.

Các anh đều là người có chí khí, tài năng, nếu nắm được thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì sự thành công không phải khó.

Nay cơ nghiệp hai nhà Trịnh, Nguyễn đã suy tàn, mục ruỗng. Bốn phương chỉ chờ một cuộc khởi nghĩa để theo dưới cờ. Đương nhiên phải bỏ ra năm, bảy năm để chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Các anh hãy nhớ lấy lời ta.

Nói rồi, thầy phất tay áo ra đi, để lại cho ba anh em mấy bộ binh pháp của người xưa.

Ba em em vốn đã nung nấu ý ấy từ lâu, nay được lời của thầy như cởi tấm lòng, càng quyết tâm mưu đồ nghiệp lớn. Việc trước tiên là chọn nơi dấy nghĩa.

Với con mắt tinh tường, Nguyễn Nhạc quyết định chọn vùng đất phía tây bên kia đèo An Khê, còn gọi là Tây Sơn thượng đạo, để tính kế lâu dài chống lại "Quốc phó" Trương Phúc Loan.

Đây là một vùng đất rộng lớn, thưa vắng bóng người, ở giữa như một lòng chảo được núi, sông che chắn bốn phía.

Ba anh anh Tây Sơn lập đồn trại tại đây, chiêu mộ thanh niên trai tráng khắp nơi đến tụ nghĩa.

Nguyễn Nhạc còn giao cho Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đi các nơi kết giao hào kiệt.

Lấy danh nghĩa khai khẩn đất hoang, họ vừa làm ruộng, tích trữ lương thảo, vừa lập căn cứ, xây dựng lực lượng.

Khi thấy quân đã nhiều, lương đã đủ, ba anh em đến thỉnh thầy Hiến.

Thầy bảo ngay:

- Khá lắm! Về khởi sự đi thôi!

Năm Tân Mão - 1771, Nguyễn Nhạc được mọi người đồng lòng suy tôn làm Tây Sơn Vương. Từ đây, tiếng tăm nhà Tây Sơn nổi như sóng cồn. Kẻ sĩ xa gần tìm đến ngày một đông, họ cùng nguyện giúp Nguyễn Nhạc làm nên nghiệp lớn.

Thầy giáo Hiên cũng tự tìm đến, dặn dò:

- Các anh phải nhớ, được đất không bằng được thành, được thành không bằng được lòng người.

Ba anh em rất cảm động, rưng rưng lệ ghi nhớ lời thầy dặn.

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cắt đặt các tướng lĩnh, bố trí cơ nào đội nấy, rồi cho dựng một lá cờ lớn thêu kim tuyến ba chữ "Tây Sơn Vương". Dưới các quân doanh thì có quân kỳ thêu chỉ vàng tên các cấp chỉ huy.

Ngô Thì Nhậm - vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc của Vua Quang Trung

Sau đó, Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất. Đàn lập trên đèo An Khê dưới bóng hai cây đại thụ và cờ xí bay phấp phới. Tây Sơn Vương đọc hịch, nêu rõ mục đích của cuộc khởi nghĩa:

"Giận Quốc phó ra lòng bội bạc nên Tây Sơn dấy nghĩa Cần vương / Trước là ngăn cột đá giữa dòng / Kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé / Sau là tưới mưa dầm khi hạn / Kéo cùng dân ra khỏi chốn lầm than"...

Tây Sơn Vương cũng cho ban bố quân luật gồm ba điều: 1- Không được xâm phạm tài sản và tính mệnh của dân; 2- Không được tiết lộ bí mật quân sự; 3- Không được gây xáo trộn, chia rẽ trong hàng ngũ. Ai vi phạm một trong ba điều sẽ bị chém đầu.

Mang danh chính ngôn thuận, nghĩa quân Tây Sơn chia nhau đi đánh phá các trị sở quan lại, các trang trại nhà giàu, đốt sổ thuế và các văn tự nợ, lấy của người giàu chia cho người nghèo.

Đi đến đâu nghĩa quân cũng được nhân dân ủng hộ. Số người tham gia cuộc khởi nghĩa ngày một đông, phát triển thành một phong trào rất rộng lớn.

Sau 7 năm chiến đấu gian khổ, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh bại quân Nguyễn ở khắp nơi, giết được Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương và nhiều tướng lĩnh khác (năm 1777).

Một người cháu nội của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát chạy thoát được. Người ấy là Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), khi ấy mới 16 tuổi.

Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế.

Các tướng lĩnh đều được phong chức tước cả.

Thầy Trương Văn Hiến cũng được vời ra làm quân sư cho một vương triều mới: nhà Tây Sơn. Từ lúc khởi binh năm Tân Mão (1771) đến năm Nguyễn Nhạc lên ngôi năm Mậu Tuất (1778) anh em nhà Tây Sơn đã phải chiến đấu trong 8 năm trường.

Không những trực tiếp rèn cặp ba anh em nhà Tây Sơn, thầy Trương Văn Hiến còn có công đào tạo những viên tướng lừng danh khác trong phong trào Tây Sơn như Võ Văn Dũng, Đại Đô đốc, Đại Tư đồ, tước Võ Quốc công, một trong "tứ trụ" của nghĩa quân Tây Sơn; Đặng Văn Long và Phan Văn Lân, hai vị Đô đốc văn võ song toàn, có công đóng góp rất lớn trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789).

Còn về văn, trong số các viên quan trong triều Tây Sơn từng là học trò thầy Trương Văn Hiến, có hai anh em ông Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh (bạn đồng môn cùng anh em Nguyễn Nhạc), có công soạn bộ sử "Tây Sơn thư hùng ký"...

Đặc biệt, phải nói đến Trương Văn Đa, người vừa là con trai vừa là học trò của thầy Trương Văn Hiến. Từ nhỏ, Trương Văn Đa đã theo cha học cả văn lẫn võ.

Ông tham gia phong trào Tây Sơn từ rất sớm, đánh rất nhiều trận, bắt và giết được nhiều tướng địch, góp phần vào nhiều trận thắng trong đó có trận Rạch Gầm - Xoài Mút.

Trương Văn Đa tính tình thuần hậu, được Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc thương yêu và gả con gái cho, phong làm Phò mã.

Trương Văn Đa đã từng làm Trấn thủ Gia Định rất được lòng dân.

Sau này, tiếp bước cha, Trương Văn Đa cũng làm thầy và dạy học trò là Thái tử Nguyễn Bảo, con trai của Nguyễn Nhạc.

Đối với thầy giáo Trương Văn Hiến, An Thái là quê hương thứ hai, nơi ông thực hiện hoài bão cứu đời, giúp nước.

Với công lao đào tạo nên những anh hùng tiêu biểu của triều đại Tây Sơn, Trương Văn Hiến được nhân dân yêu mến như một người Bình Định thật sự, một người đã làm rạng danh cho quê hương, đất nước, bằng cách khai sáng một thế hệ về đạo làm người giữa thời ly loạn - học trò và con cái ông đã vâng theo tiếng gọi của lịch sử, làm tướng tiên phong trong đội quân của nhân dân, đánh đổ ách thống trị thối nát, giữ cho quốc thái dân an.

Sứ mệnh của ông là một người Thầy, và ông đã thực hiện sứ mệnh đó một cách toàn tâm toàn ý.

Để tưởng nhớ công lao của thầy Trương Văn Hiến, ngày 7/3/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Đình đã ra quyết định công nhận khu nhà thầy dạy "Tây Sơn tam kiệt" là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tài liệu tham khảo:

- Nhiều tác giả, Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008.

- Quách Tấn - Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội - 2016.

- Nhiều tác giả, Những người thầy trong sử Việt, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội - 2016

Đại tá Đặng Việt Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/nguoi-thay-hoc-cua-tay-son-tam-kiet-post210070.gd