Người thầy khiếm thị dạy đàn

Nhiều năm nay, ở phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh, có anh Lê Hữu Đức, 50 tuổi, bị khiếm thị từ nhỏ, mở lớp dạy đàn miễn phí và sản xuất, kinh doanh nhiều nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân khiếm thị Lê Hữu Đức dạy đàn cho học viên.

Nghệ nhân khiếm thị Lê Hữu Đức dạy đàn cho học viên.

Truyền nghề cho người mắt sáng

Tọa lạc trong một con hẻm nhỏ, nhưng hầu như sáng nào căn nhà của vợ chồng anh Đức cũng vang lên tiếng đàn. Ngày cuối tuần, ngoài hành lang, một vài học viên ngồi trên ghế gỗ, chăm chú nhìn thầy hướng dẫn rồi nắn nót đàn theo. Học viên này vừa ra về, học viên khác mang đàn ngồi vào ghế. Cứ như thế, trong buổi sáng, anh dạy được vài ba học viên.

Trong số những người đến đây thọ giáo, có em còn là học sinh, có người là công nhân viên chức. Người thì học đàn tranh, người thích học đàn kìm, đàn bầu; vài học viên khác mê guitar phím lõm v.v…

Học viên muốn học loại nhạc cụ nào anh Đức cũng nhiệt tình chỉ dạy. Người thầy khiếm thị cho biết: “Vì tôi không nhìn thấy đường nên chỉ dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc từng em. Nếu truyền đạt cùng một lúc nhiều em thì tôi không kiểm soát được tiếng đàn, các em đàn sai tôi không biết thì hiệu quả dạy không cao”.

Anh Đức cho biết thêm, học viên được chia thành hai nhóm: Nhóm học nhạc lễ của đạo Cao Đài thì dạy miễn phí; nhóm học đờn ca tài tử có thu học phí nhưng “mức học phí chỉ mang tính tượng trưng, không đáng bao nhiêu”.

Anh Nguyễn Thanh Phong, nhân viên Điện lực Tây Ninh cho biết từ nhỏ đã đam mê đàn, nhiều năm nay anh tự học qua sách vở hoặc qua mạng internet. Trong quá trình tìm tòi học hỏi trên kênh YouTube, anh thấy thầy Đức có ngón đàn điêu luyện nên tìm đến nhà xin thọ giáo thêm.

“Tôi được thầy tận tình chỉ dạy lại các kỹ thuật kéo cung, rung, nhấn, luyến láy. Nhờ vậy, mới vào đây học chưa tới một năm mà ngón đàn của tôi phát triển nhanh hơn so với tự học cả chục năm qua”.

Anh Phong tâm sự, anh dùng tiếng đàn để thể hiện tâm trạng, thỏa đam mê của bản thân và còn có thể đàn cho bạn bè hát. Học viên này cho biết thêm, ngoài chuyên môn, anh còn học được ở người thầy khiếm thị sự kiên nhẫn và sự đam mê bất tận với nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Phạm Tuấn Vỹ, ngụ phường IV, TP. Tây Ninh kể, cha của em sử dụng thành thạo các loài đàn cò, đàn gáo, đàn sến và hiện là thành viên trong ban nhạc lễ của đạo Cao Đài. Vì vậy, ngay từ nhỏ em đã làm quen và đam mê những loại nhạc cụ dân tộc.

Khi mới vào lớp 4, Trường tiểu học Võ Văn Kiệt (phường IV), em đã xin gia đình đến nhà thầy Đức học âm nhạc. “Thứ bảy, chủ nhật tuần nào em cũng tự đi xe điện đến đây học 2 buổi sáng, chiều”- Vỹ nói. Những lúc ở nhà rảnh rỗi, em được cha dạy thêm một số ngón đàn. Nhờ siêng năng học hành, đến nay, cậu học trò nhỏ đã biết sử dụng 6 loại nhạc cụ dân tộc.

Anh Đức và người thợ làm đàn trao đổi về sản phẩm

Anh Đức và người thợ làm đàn trao đổi về sản phẩm

Sản xuất nhạc cụ dân tộc

Bên cạnh việc dạy đàn, nhiều năm qua, người đàn ông khiếm thị này còn sản xuất, kinh doanh nhạc cụ. Năm 2017, anh Đức mua thiết bị, vật tư cần thiết và thuê một thợ mộc mắt sáng để sản xuất đàn tại gia đình. Anh Đức tháo cây đàn cò của mình ra, sau đó hướng dẫn thợ mộc cưa bào đục đẽo những linh kiện theo mẫu mã có sẵn và ráp lại. Vợ anh- chị Trần Thị Diễm, phụ làm công đoạn bọc da mặt đàn, còn anh chà giấy nhám cho đàn trơn, láng và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cây đàn nào không đạt yêu cầu về âm thanh, mẫu mã, anh hướng dẫn người thợ chỉnh sửa lại.

Anh Nguyễn Hữu Dư, 31 tuổi, ngụ xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành, thợ sản xuất đàn cho gia đình anh Đức cho biết trước đây anh chỉ biết nghề mộc chứ không biết làm đàn. Nhờ anh Đức hướng dẫn, anh có thể sản xuất được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. “Trung bình mỗi ngày tôi làm hoàn chỉnh được một cây đàn cò. Tùy loại gỗ cứng hay bình thường, mỗi thành phẩm, tôi được trả tiền công 400-550 ngàn đồng. Tôi được chủ nhà lo cơm nước, nghỉ trưa tại chỗ”- anh Dư cho biết thêm.

Ngoài việc chế tác theo mẫu cũ, trong quá trình lao động, người thợ này còn cải tiến bằng cách tiện bộ phận loa đàn từ một khối gỗ tròn, thô kệch thành hình loa tròn, miệng mở rộng như bông hoa đang nở. Nhờ vậy, nhạc cụ do gia đình anh Đức sản xuất nhìn sắc sảo và âm thanh vang xa. “Đàn ở đây sản xuất rất bền. Nếu người dùng không làm rớt, gãy, thì có thể sử dụng cả đời không bị cong cần, trở âm”- anh Dư nói.

Mỗi tháng, gia đình anh Đức cho ra lò từ 20-30 cây đàn cò. Ngoài những loại đàn do gia đình sản xuất, anh Đức còn mua thêm một số nhạc cụ khác đem về bán lại như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn tam, guitar phím lõm, guitar điện…

Anh Võ Nguyễn Hữu Nhân, ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh- một trong những học viên và khách hàng mua đàn ở đây tâm sự: “Trước đây, em đam mê âm nhạc dân tộc nhưng chưa biết học ở đâu. Qua kênh YouTube, thấy thầy Đức dạy đàn nên em đến đây học.

Khi mới bắt đầu học đàn, em mua một cây đàn cò của nhà thầy sản xuất. Thời điểm đó, em chưa biết gì về nhạc cụ, chỉ mua đại chứ không biết test âm, nhưng không ngờ, đã qua nhiều năm sử dụng, cây đàn vẫn xài rất tốt, không gặp vấn đề gì”.

Nhiều năm qua, ngày nào anh Lê Hữu Đức cũng dạy đàn miễn phí cho các học trò.

Nhiều năm qua, ngày nào anh Lê Hữu Đức cũng dạy đàn miễn phí cho các học trò.

Trong thời gian từ năm 2000-2010, số lượng học viên lên đến hàng chục người, anh phải dạy liên tục mỗi ngày 2 buổi sáng, chiều. Thời gian xảy ra dịch Covid- 19, thực hiện giãn cách xã hội, học viên không tập trung đến nhà thầy học được, vợ chồng anh Đức lập kênh YouTube dạy đàn online cho những người yêu âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Hiện nay, trang web này có gần 7.000 lượt người đăng ký, trong đó những clip có đến 50 đến 60 ngàn lượt xem. Việc dạy đàn online này cũng được anh thực hiện miễn phí và qua đó, góp phần lan tỏa tiếng đàn từ Tây Ninh đến khắp nơi trong và ngoài nước.

Với nghị lực kiên cường, nghệ nhân khiếm thị Lê Hữu Đức đã biến nỗi bất hạnh của mình thành niềm vui hạnh phúc. Anh Đức vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình đờn ca tài tử.

“Gia đình tôi có 11 anh chị em, trong đó có đến 5 anh em trai bị khiếm thị. Các anh em trong gia đình đã đến bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh khám mắt với hy vọng tìm phương cách chữa trị, nhưng do bị ảnh hưởng từ thần kinh chứ không phải hư tròng mắt, nên không thể khắc phục được”- nghệ nhân Lê Hữu Đức tâm sự.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nguoi-thay-khiem-thi-day-dan-a156897.html