'Người thầy không giáo án' ở Yên Hạ

Khi nói về những cán bộ quản giáo hay những cán bộ làm công tác giáo dục trong trại giam, họ thường được ví như những 'người thầy không giáo án'. Cụm từ này càng đúng hơn với Trung tá Nguyễn Chí An theo đúng nghĩa đen, khi bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, người cán bộ ấy vẫn có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao bằng cả tấm lòng, sự vị tha và thấu hiểu...

Buổi chiều hôm ấy chúng tôi tới thăm Trại giam Yên Hạ - một trong những trại giam từng được mệnh danh là ‘khó khăn nhất miền Bắc”, cũng là lúc cơn dông lốc vừa quét qua nơi đây và để lại nhiều thiệt hại nặng nề. Khi cơn mưa ngoài trời đang hối hả trút nước, phía trong căn phòng làm việc, Trung Tá Nguyễn Chí An đang cẩn trọng lật lại từng bộ hồ sơ để cung cấp tư liệu cho chúng tôi trong quá trình tác nghiệp.

“Nghề chọn người” và tấm lòng nhân ái của người quản giáo

Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về một người cán bộ trại giam nghiêm nghị và có phần khó tính, Trung tá Trung tá Nguyễn Chí An (sinh năm 1974, quê gốc Thái Bình) – Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Yên Hạ lại là một người luôn cởi mở, dung dị.

Công tác tại Trại giam Yên Hạ từ những năm 1995, đến nay Trung tá An có đã 29 năm gắn bó với nghề, gắn bó với núi rừng và bản làng nơi đây. Phù Yên từ là 1 trong những huyện nghèo của cả nước giờ đây đã phát triển với một diện mạo mới, tràn đầy sức sống hơn. Suốt gần ba chục năm qua, vạn vật đổi thay, thế nhưng tình yêu và tâm huyết với sứ mệnh kéo người sa chân về cõi thiện trong người cán bộ ấy chưa bao giờ thay đổi.

Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, Trung tá Nguyễn Chí Anh cho biết, ban đầu bản thân không có ý định công tác trong ngành mà đã theo đuổi ngành học khác, tuy nhiên cũng vì lý do ‘nghề chọn người’ mà anh bén duyên với ngành công an.

Những ngày đầu mới nhận công tác, khó khăn lớn nhất đối với chàng trai trẻ Chí An đó chính là phải tiếp quản 1 đội phạm nhân khi bản thân vừa mới bước chân vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm. Một phần vì thiếu cán bộ, phần còn lại vì được Giám thị trại giam tin tưởng, chàng chiến sĩ trẻ quê gốc Thái Bình đã nhận trách nhiệm trong tâm thế “vừa mừng vừa lo”.

“Trong nhóm 20 chiến sĩ về nhận nhiệm vụ, tôi là người đầu tiên được chọn làm quản giáo. Khi đó tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, phải học hỏi rất nhiều từ các đồng nghiệp đi trước. Vất vả lắm vì phạm nhân ngày xưa khác phạm nhân bây giờ, nhiều đối tượng là ‘dân anh chị’ ngoài xã hội”, Trung tá An nhớ lại.

Đối diện với những thành phần tội phạm ‘cộm cán’, dù bản thân chưa có nhiều trải nghiệm nghề nghiệp nhưng chàng cán bộ quản giáo trẻ vẫn giữ bản lĩnh vững vàng, không hề nao núng. Hàng ngày, anh cố gắng tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng phạm nhân để động viên, cảm hóa họ. Vất vả, áp lực là vậy, nhưng Trung tá An vẫn luôn hoàn thành tốt bằng việc đặt cả cái tâm và cái tình của mình vào công việc.

“Tôi làm việc bằng cái tâm, đối xử với phạm nhân bằng cái tâm của mình. Khi mình đối xử tốt với người khác, họ sẽ cảm nhận được và đối xử tốt lại với mình. Suốt quá trình công tác, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phạm nhân khó quản lý, dù lắng nghe nhưng họ không hề tiếp thu, để lay chuyển được ý thức của họ không dễ dàng. Những trường hợp như vậy quá trình cảm hóa mất nhiều thời gian và người cán bộ phải kiên trì hơn”, Đội trưởng Đội Giáo dục – Hồ sơ bộc bạch.

Ngót nghét ba chục năm gắn bó với trại giam, từng tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân khác nhau, từ những kẻ sừng sỏ, khôn ‘lõi đời’ đến những người chỉ vì một phút sai lầm mà phải đánh đổi cả một phần đời của mình... Tất cả đều để lại cho anh những kinh nghiệm xương máu và những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghề.

Nhớ mãi về bức thư ‘hẹn ngày tái ngộ’ của một phạm nhân mình từng quản lý, Trung tá Nguyễn Chí An mỉm cười, ánh mắt như thắp lên niềm vui, niềm hạnh phúc. Anh kể lại: “Phạm nhân đó quê ở Lào Cai, là người dân tộc Mông và không biết chữ, chấp hành án 7 năm. Tôi quản lý phạm nhân này trong 3 năm, thời đó chưa có phong trào xóa mù chữ như bây giờ nhưng phạm nhân rất ham học lại thật thà. Sau khi chấp hành án xong, phạm nhân trở về có viết thư gửi tôi, những nét chữ còn nguệch ngoạc và tôi nhớ mãi dòng chữ: “Trái đất tròn, cháu với thầy sẽ còn gặp nhau!”. Nhiều năm trôi qua cũng chưa có dịp gặp lại, nhưng khi đọc được những dòng tâm sự ấy, tôi thấy hạnh phúc vô cùng vì được phạm nhân tin tưởng, quý mến”.

Khi đã đạt được những thành quả nhất định trong công việc, trở thành người cán bộ luôn được phạm nhân, đồng nghiệp, cấp trên tin tưởng, nhưng nghĩ lại khoảng thời gian còn là cán bộ quản giáo, Trung tá An vẫn nuối tiếc, day dứt về một số trường hợp phạm nhân anh chưa thể giúp họ thay đổi. Anh trầm ngâm hồi tưởng lại: “Khi họ đã trở về rồi nhưng tôi vẫn chưa thể định hướng giúp họ thay đổi suy nghĩ. Cũng đã cố gắng hết sức nhưng phạm nhân quá cố chấp, không thay đổi thì bản thân mình là cán bộ quản giáo cảm thấy hơi tiếc nuối. Nhớ nhất là một phạm nhân liên tục kêu oan, từ khi mới vào chấp hành án đến cuối cuộc đời vẫn kêu oan, không nhận tội. Chỉ khi cận kề cái chết mới nói 1 câu: Tôi hối hận vì không nghe thầy ngay từ đầu...”

Suốt nhiều năm cống hiến tuổi thanh xuân tại Trại giam Yên Hạ, Trung tá Nguyễn Chí Anh đã đạt nhiều thành tích khác nhau như: Huy chương 20 năm vì sự nghiệp Công an nhân dân; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang cấp 1,2,3; Nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; cùng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng, Cục trưởng....

Gần 10 năm chưa có một ngày đón Tết cùng gia đình

Những năm đầu về nhận công tác tại Trại giam Yên Hạ, Trung tá Nguyễn Chí An có quen biết một nữ sinh đang học tập trên địa bàn. Định mệnh đã giúp 2 người con quê gốc tại Thái Bình gặp nhau và nên duyên tại mảnh đất Phù Yên, Sơn La đầy nắng và gió. Năm 2002, họ về chung một nhà và có một gia đình nhỏ hạnh phúc với 2 người con, đủ nếp đủ tẻ.

Câu nói: “Phía sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ” quả thật không sai chút nào. Đặc thù công việc của một người cán bộ trại giam vất vả và khắc nghiệt lại thường xuyên vắng nhà, nhưng điều giúp Trung tá Nguyễn Chí An yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ đó là phía sau luôn có một người vợ đảm đang, thấu hiểu, động viên chồng ưu tiên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Thời điểm mới lấy vợ thì tôi đang là một cán bộ quản giáo, tiếp quản đội phạm nhân trọng điểm, án cao nhất của trại. Đơn vị khi thiếu người nên công việc rất bận rộn. Quy định một ngày 8 tiếng làm việc nhưng thực tế không phải vậy mà nhiều hơn. Kể cả đêm hôm có chỉ đạo gấp thì vẫn phải có mặt, ngày nghỉ cuối hầu như không có. Thậm chí, khoảng thời gian đó, gần 10 năm tôi chưa có một ngày đón Tết cùng gia đình. Vợ những lúc như thế cũng buồn lắm, muốn chồng san sẻ cùng nhưng mình thì không có thời gian. Thương vợ, thương con cũng chỉ biết động viên cùng cố gắng và may mắn là vợ luôn đồng cảm”, Trung tá An tâm sự.

Trung tá Nguyễn Chí An đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho Trại giam Yên Hạ (Ảnh: Minh Trang)

Trung tá Nguyễn Chí An đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho Trại giam Yên Hạ (Ảnh: Minh Trang)

Dù không có nhiều thời gian cho gia đình nhưng Trung tá Nguyễn Chí An vẫn luôn cố gắng quan tâm, đồng hành cùng các con trong quá trình học tập. Con trai lớn của anh năm nay đã là sinh viên năm 3 của Học viện Cảnh sát Nhân dân. Chàng sinh viên ấy ban đầu mong muốn được theo học Công nghệ thông tin, nhưng vì nguyện vọng của bố nên đã chuyển hướng đi theo ngành.

Trung tá An chia sẻ: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình công tác trong ngành. Vì cũng đã từng trải, hiểu được nỗi vất vả, sướng khổ nên mong muốn con vào môi trường này để được rèn luyện, trưởng thành hơn, công việc cũng ổn định hơn. Sau này dù cháu công tác ở đâu thì cũng đều vất vả và cần phải thực sự yêu lấy công việc mình đã chọn”.

Đảm nhiệm công việc của một người cán bộ quản giáo vất vả bao nhiêu, thì khi đứng ở vị trí là một người Đội trưởng Đội Giáo dục – Hồ sơ, trách nhiệm của Trung tá Nguyễn Chí An càng nặng nề bấy nhiêu. Thế nhưng dù công việc có áp lực, vất vả ra sao thì người cán bộ ấy vẫn có thể hoàn thành thật tốt bởi phía sau anh là một hậu phương vững chắc, bên trong con người anh là lòng nhiệt huyết, cái tâm với nghề và phía trước anh là sự tin tưởng, cảm phục của hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân...

Dù không có ngày nào đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng, nhưng những người cán bộ trại giam nói chung và Trung tá Nguyễn Chí An nói riêng vẫn đang từng ngày gieo hi vọng, thắp sáng con đường trở về nẻo thiện của những đứa học trò đã từng lầm đường lạc bước, góp phần trả về xã hội những công dân lương thiện và có ích./.

Minh Trang - Hà My

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-thay-khong-giao-an-o-yen-ha-post517336.html