Người thầy kính yêu: Dẫn dắt học trò khám phá lịch sử

Cô Mã Thị Xuân Thu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học trò, giúp họ không chỉ yêu thích mà còn say mê học tập và nghiên cứu về lịch sử

Thạc sĩ - Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Mã Thị Xuân Thu, người mà tôi luôn kính trọng, đã dành hơn 30 năm cho sự nghiệp giáo dục tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Cô đã công tác tại Trường THPT Đầm Dơi và Trường THPT Thái Thanh Hòa, từ vị trí giáo viên bộ môn lịch sử đến tổ trưởng tổ chuyên môn, sau đó là phó hiệu trưởng cho đến khi nghỉ hưu.

Tiên phong đổi mới phương pháp dạy lịch sử

Danh hiệu NGƯT mà cô Xuân Thu được trao tặng là sự công nhận xứng đáng cho sự kiên trì và cống hiến không ngừng nghỉ của một nhà giáo trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở môn lịch sử.

Khi nhiều học sinh bị cuốn hút bởi những môn học "thời thượng", lịch sử dần trở thành môn bị xem nhẹ. Với tình yêu nghề và trách nhiệm cao cả, cô Xuân Thu đã tiên phong đổi mới phương pháp dạy, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn thực sự thấu hiểu giá trị của lịch sử.

Cô đã hệ thống hóa và củng cố kiến thức nền tảng ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh khám phá sâu hơn những nội dung cốt lõi thông qua các chủ đề chuyên sâu về lịch sử thế giới, khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Thạc sĩ - Nhà giáo Ưu tú Mã Thị Xuân Thu cùng học trò

Thạc sĩ - Nhà giáo Ưu tú Mã Thị Xuân Thu cùng học trò

Phương pháp giảng dạy của cô Xuân Thu thật sự sáng tạo và hiệu quả. Cô không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức lịch sử mà còn trang bị cho họ tư duy phản biện và khả năng ứng dụng thực tế. Việc sử dụng bản đồ để phân tích các sự kiện lịch sử giúp học sinh tự tin hơn, năng động hơn trong quá trình học tập. Cách cô dạy đã tạo ra một không gian học tập đầy hứng khởi, kết nối quá khứ với hiện tại và mở ra tầm nhìn cho tương lai với phương châm "học chủ động".

Sáng kiến của cô Xuân Thu về "Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn lịch sử" được Hội đồng Khoa học ngành giáo dục - đào tạo Cà Mau xếp loại khá và ứng dụng rộng rãi trong các trường học. Với sáng kiến "Đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử ở trường THPT", cô được Hội đồng Khoa học ngành giáo dục - đào tạo Cà Mau xếp loại xuất sắc. Sáng kiến này được trình bày tại Hội thảo Khoa học quốc gia về dạy học môn lịch sử ở Đà Nẵng năm 2012; được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Ngoài ra, sáng kiến "Sử dụng câu hỏi trong dạy học lịch sử để phát huy tính tích cực học tập của học sinh" cũng được đánh giá cao về tính khả thi trong giảng dạy. Những giáo án điện tử và tài liệu mà cô biên soạn "độc quyền" không chỉ giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn mà còn tạo ra một không gian học tập năng động, sáng tạo.

Sống động lời giảng năm nào

Trong hành trình "Qua miền Tây Bắc" vào cuối tháng 12-2023, khi cùng gần 100 cán bộ tuyên giáo, báo chí và xuất bản TP HCM đến Điện Biên, tôi không khỏi xúc động trước dấu ấn lịch sử nơi đây.

Điện Biên, mảnh đất huyền thoại với chiến thắng lẫy lừng, đã gợi lên trong tôi niềm tự hào về quá khứ oai hùng của dân tộc và những suy nghĩ về cách giảng dạy lịch sử hiện nay. Hình ảnh trận đánh Điện Biên Phủ vào chiều 7-5-1954, khi lá cờ Quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Christian de Castries - báo hiệu chiến thắng lịch sử, hiện lên rõ ràng như thể những sự kiện ấy đang diễn ra ngay trước mắt.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhớ về phương pháp dạy lịch sử đầy sáng tạo của cô Xuân Thu hơn 20 năm trước. Cô không chỉ giảng dạy lịch sử như một chuỗi sự kiện khô khan mà biến mỗi tiết học thành một "trận đánh", tựa như 45 phút xem phim tài liệu với lời bình sâu sắc, cuốn hút. Cô như một "nữ tướng" trước giờ xung trận - mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng đầy xúc cảm - khi kể về những anh hùng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, mang khối bộc phá ngàn cân nổ tung để mở đường giải phóng Điện Biên Phủ trên Đồi A1.

Cô Xuân Thu không ép buộc học sinh học thuộc lòng những con số hay sự kiện. Cô dẫn dắt chúng tôi tiếp cận lịch sử theo cách thực chiến, như một người lính chuẩn bị kỹ càng trước khi ra trận. Chúng tôi học cách nắm vững bối cảnh, chiến lược và những bài học sâu sắc, như những chiến binh thấu hiểu địa hình qua từng tấm bản đồ trước khi xông pha nơi chiến trường.

Nhắc đến cô Xuân Thu, không chỉ mỗi tôi mà rất nhiều thế hệ học sinh và thầy cô tại Trường THPT Đầm Dơi đều dành những lời khen ngợi trân trọng. Cô không chỉ là một nhà giáo xuất sắc mà còn là người đồng nghiệp đáng tin cậy, luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người.

Mẫu mực trong nghề và trong đời sống cá nhân, cô Xuân Thu trở thành nguồn cảm hứng lớn cho cả học sinh và đồng nghiệp, mỗi khi họ nhắc nhớ về ngôi trường huyện đã chắp cánh cho bao thế hệ công dân Cà Mau góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp…

Chân thành, kiên nhẫn

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Xuân Thu còn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển cá nhân của từng học sinh. Cô không chỉ nhìn nhận kết quả học tập mà còn quan tâm sâu sắc đến khả năng và sở thích của từng cá nhân. Những học trò có năng khiếu được cô bồi dưỡng kỹ càng, động viên tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, trong khi những bạn gặp khó khăn luôn nhận được sự hỗ trợ tận tình.

Nhờ sự tận tụy của cô, nhiều học sinh đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh và quốc gia, mang lại niềm tự hào không chỉ cho Trường THPT Đầm Dơi mà còn cho cả ngành giáo dục tỉnh. Sự quan tâm chân thành, sự kiên nhẫn và lòng yêu thương của cô đã giúp biết bao thế hệ học sinh vượt qua những khó khăn, trở nên tự tin hơn trong cuộc sống.

Bài và ảnh: Cao Minh Tèo (Đầm Dơi - Cà Mau)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguoi-thay-kinh-yeu-dan-dat-hoc-tro-kham-pha-lich-su-196241027204849789.htm