Người thầy một tay gieo chữ nơi vùng khóTin khácTriển khai hóa đơn điện tử: Tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độBồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công
Năm lên 5 tuổi, một tai nạn đã vĩnh viễn lấy đi cánh tay phải của cậu bé Đỗ Thế Tùng. Người ta thường nói: 'Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay', với Tùng, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn khi chỉ còn tay trái. Nhưng bằng ý chí và nghị lực, cậu bé năm nào đã vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo, gieo con chữ và truyền dạy tri thức cho con em nơi vùng khó xã Lâm Ca, huyện Đình Lập…
Thầy giáo Đỗ Thế Tùng sinh năm 1986 trong một gia đình làm nông nghiệp ở xã Lâm Ca. Thầy tâm sự: Dù khiếm khuyết cơ thể nhưng tôi luôn tự nhủ mình không được mặc cảm, nản chí. Từ nhỏ tôi đã được nghe kể những câu chuyện về nghị lực của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người bị liệt hai tay từ nhỏ, sau đó rèn luyện viết bằng chân, luôn coi đó là tấm gương để mình noi theo. Khi lớn lên, tìm hiểu về những câu chuyện, mẩu chuyện về Bác Hồ và những lời dạy của Người, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống cũng như trong học tập, công tác.
Trong đó, lời dạy của Bác căn dặn thanh niên: “Không có việc gì khó; chỉ sợ lòng không bền; đào núi và lấp biển; quyết chí ắt làm nên”… “Đặt vào hoàn cảnh của mình, tôi cảm nhận những lời dạy đó như căn dặn tôi vậy. Chỉ cần chúng ta dám sống, dám ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua”, thầy Tùng chia sẻ.
Với những suy nghĩ ấy, từ nhỏ Tùng đã tập viết chữ bằng tay trái, tập dùng thước kẻ để vẽ ra các hình trong toán học… để được đi học như các bạn cùng trang lứa. Suốt những năm học phổ thông, học lực của Tùng đều được xếp loại khá, giỏi. Năm 2004, Đỗ Thế Tùng thi đỗ vào Khoa Toán – Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn với vị trí thủ khoa. Những năm học tại trường, sinh viên Tùng đều đạt kết quả cao và nhận được nhiều suất học bổng.
Tốt nghiệp ra trường, thầy Tùng công tác tại một số trường trên địa bàn huyện Đình Lập. Từ năm 2010 đến nay, thầy công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Lâm Ca, nơi thầy Tùng từng học tập, phụ trách giảng dạy môn Toán, Vật Lý và hiện là Tổ phó Tổ Khoa học Tự nhiên của nhà trường.
Trong quá trình công tác, thầy Tùng luôn tự học tập, nghiên cứu tài liệu, tích cực học hỏi đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều năm qua, đồng nghiệp và học sinh đã rất đỗi quen thuộc với hình ảnh thầy Tùng dùng vai tì thước vẽ hình tam giác, hình vuông, phấn dính đầy vai áo và say sưa giảng bài. Những giờ lên lớp, thầy còn kể những câu chuyện vui, xúc động về cuộc sống, về Bác Hồ, giúp các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, hứng thú với các em học sinh.
Thầy Tùng cho biết: Khắc ghi lời dạy của Bác “Học phải đi đôi với hành”, tôi mong muốn giúp học sinh đem những kiến thức được học để áp dụng giải quyết các vấn đề, tình huống trong thực tiễn đời sống, tránh lối “học chay”, “học vẹt” và nặng về lý thuyết. Với lợi thế nhà ở gần trường, ngoài giờ lên lớp, có những hôm không phải ca trực của mình, tôi vẫn vào trường để ôn tập, phụ đạo cho học sinh, chơi đùa cùng các em, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để các em gắn bó với ngôi trường như gia đình thứ hai của mình.
Những đóng góp trên của thầy Tùng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca. Nhiều năm qua, trường luôn có điểm trung bình môn Toán nằm trong tốp đầu của huyện Đình Lập. Về thành tích cá nhân, tham gia các kỳ thi, hội thi thầy Tùng đều đạt giải cao. Chẳng hạn, năm học 2018 – 2019, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp huyện; năm học 2020 – 2021, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và là thí sinh tiêu biểu xuất sắc nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…
Cô Mã Thị Chuyền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca đánh giá: Không chỉ là giáo viên giỏi về chuyên môn, tích cực trong các hoạt động của nhà trường, thầy Tùng còn là tấm gương sáng về nghị lực vượt qua hoàn cảnh để đồng nghiệp và học sinh noi theo. Dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng thầy luôn lạc quan, yêu nghề, luôn tích cực đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, góp phần vào thành tích chung của nhà trường. Hằng năm, thầy đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở…