Người thầy tâm huyết với học sinh, sinh viên

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (đầu tiên) tại Phòng Thực hành kỹ thuật ô tô của Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Ảnh: CTV

Hơn 35 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, 15 năm làm công tác quản lý, sau khi về hưu vào giữa năm 2021, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tiếp tục rong ruổi trên nhiều miền quê để hướng nghiệp, truyền kinh nghiệm, lửa đam mê đến học sinh, sinh viên, nhất là ở nơi ông sinh ra và lớn lên.

Nặng lòng với sự nghiệp giáo dục

PGS.TS Đỗ Văn Dũng sinh năm 1961, quê xã An Chấn, huyện Tuy An. Năm 1986, ông được nhận vào giảng dạy tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Sau đó, ông chuyển sang dạy tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Năm 1995, ông lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật chuyên ngành Cơ khí động lực tại Học viện Quốc gia về ô tô máy kéo tại Moskva - Liên bang Nga. Năm 2002, TS Đỗ Văn Dũng được phong chức danh phó giáo sư. Năm 2008, ông được đề bạt làm Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Gần 63 tuổi đời, qua nhiều năm giảng dạy và làm công tác quản lý, nay PGS.TS Đỗ Văn Dũng đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Mới đây, PGS.TS Đỗ Văn Dũng tặng hơn 1.100 linh kiện ô tô cho Phòng Thực hành kỹ thuật ô tô của Trường đại học Xây dựng Miền Trung, trị giá trên 2 tỉ đồng. PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: Xuất thân từ khó khăn, ở quê, tỉnh lẻ, thông qua việc học mà cuộc đời tôi đã thay đổi.

Chính vì vậy, khi nghỉ hưu, tôi muốn hỗ trợ học sinh, sinh viên Phú Yên trong khả năng của mình. Với các linh kiện về động cơ phun xăng trực tiếp, động cơ dùng để tháo lắp, hộp số, hộp điều khiển động cơ, bộ đo gió, cảm biến ga, máy khởi động…, tôi hy vọng sinh viên được trực tiếp tiếp xúc, nghiên cứu, thực hành trên các máy móc, linh phụ kiện tương tự như thiết bị ô tô đang lưu hành trên thị trường.

Với nhiều học sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, hình ảnh người thầy giản dị, dành cả giờ đồng hồ chia sẻ về kỹ năng chọn trường, chọn ngành phù hợp năng lực bản thân hoặc cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường đã không còn xa lạ trong 5 năm trở lại đây.

Em Nguyễn Anh Tú, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) cho biết: Cuối năm lớp 12 vừa qua, em được tham gia buổi tư vấn nghề nghiệp do đích thân thầy Đỗ Văn Dũng chia sẻ. Không gò bó, lý thuyết suông, thầy đã giúp chúng em tiếp cận vấn đề hướng nghiệp một cách gần gũi và hữu ích. Từ đó, em đã chọn cho mình hướng đi phù hợp trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.

Truyền ngọn lửa đam mê

Là một nhà giáo tâm huyết, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực điều khiển động cơ và ô tô ở Việt Nam. Để sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô trong cả nước có tài liệu học tập, ông đã đầu tư biên soạn 14 sách chuyên khảo và giáo trình.

Nhiều cuốn sách của PGS.TS Đỗ Văn Dũng đã được truyền qua nhiều thế hệ sinh viên như “Nhập môn công nghệ ô tô”, “Sổ tay tra cứu các hệ thống phun xăng, phun dầu điện tử lưu hành ở Việt Nam”… Trong các buổi truyền cảm hứng cho sinh viên, ông nói về chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô một cách say sưa, đầy nhiệt huyết.

Với bề dày kiến thức và kinh nghiệm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng thường xuyên nhận được các trường đại học trên cả nước đề nghị tư vấn về việc đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô.

TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là một ngành mới được nhà trường mở đào tạo trong năm nay. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo để mở ngành, nhà trường đã gởi lời mời và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ PGS.TS Đỗ Văn Dũng. Thầy Dũng luôn tâm huyết với giáo dục. Trong thời gian tới, thầy sẽ đồng hành với nhà trường để đào tạo nguồn nhân lực ngành này.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, dù ở cương vị nào, ông đều xem việc học là quan trọng nhất. Vì thế, ông luôn muốn khơi dậy trong học sinh, sinh viên ý chí vươn lên, khát khao làm chủ tri thức để làm giàu bản thân và cống hiến cho xã hội.

“Tôi đã dành nhiều thời gian và công sức cho các hoạt động nghiên cứu khoa học về ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và mong muốn truyền tải các kỹ năng, công trình nghiên cứu này đến với sinh viên Phú Yên. Tôi mong rằng, các thế hệ trẻ sau này được tiếp cận với những công nghệ mới, các chương trình đào tạo hiện đại, chất lượng ngay tại quê nhà để các em không phải vất vả rời quê hương, đến các thành phố lớn học đại học. Các em có thể học tại quê hương mình và rồi phục vụ lại quê hương”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/300559/nguoi-thay-tam-huyet-voi-hoc-sinh-sinh-vien.html