Người thầy thuốc Công an đặc biệt và hành trình vượt lên số phận

Cách đây gần 20 năm, vào tháng 7/2004, Trung tá Nguyễn Quang Ánh đưa vợ vào Bệnh viện 30-4 để chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng. Hạnh phúc ngập tràn trong ánh mắt của cặp vợ chồng trẻ. Gia đình nội ngoại đều ở xa nên anh đã xin đơn vị nghỉ phép để được ở bên cạnh vợ vào thời khắc khó khăn nhưng thiêng liêng nhất của người phụ nữ.

Nhưng! Mọi ám ảnh bắt đầu xuất hiện khi anh đưa vợ đi xét nghiệm trước sinh. Các bác sỹ gọi anh Ánh lên để lấy cả máu của anh để xét nghiệm với lý do vợ anh nghi nhiễm viêm gan B. Sau đó, các bác sỹ lại gọi anh lên xét nghiệm lần 2. Là người làm trong ngành y, anh linh cảm rằng sức khỏe của vợ chồng anh đang có vấn đề nghiêm trọng. Anh kiên quyết yêu cầu bệnh viện cho xem kết quả xét nghiệm. Kết quả, cả anh và vợ nhiễm HIV!

Ngày đó, định kiến của xã hội về căn bệnh HIV/AIDS vô cùng khủng khiếp, người nào nhiễm căn bệnh đó không chỉ xác định án tử hình, mà còn phải đối mặt với sự xa lánh, kì thị của những người xung quanh. Ngay cả anh Ánh là người trong ngành y, khi nhìn vào dòng chữ kết quả trên tờ xét nghiệm, anh còn đứng không vững. Anh không muốn tin, anh vội vã chạy ra khỏi bệnh viện, lao đến Viện Pasteur để xét nghiệm lần 3. Thời gian chờ kết quả xét nghiệm dường như kéo dài lê thê, anh cứ đi đi, lại lại ở khu vực chờ, không biết bao nhiêu bước chân mỏi mòn… Đến khi kết quả xét nghiệm được mang ra, trái tim anh lúc đó nghẹn đắng. Đã không thể có sự may mắn của trời đất!

Anh thẫn thờ, bước ra đường phố Sài Gòn trong vô định. Xe cộ trên đường phố như quay cuồng trước mắt…

Tại sao?

Anh Ánh chợt nhớ về câu chuyện cách đó 3 năm, vào ngày 6/7/2001, lúc đó khoảng hơn 8h, anh trực tiếp cấp cứu cho phạm nhân Bùi Văn Phú bị nhiễm HIV/AIDS tại bệnh xá Phân trại số 3. Phạm nhân Phú không có người thân thích thăm nuôi, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên tâm lý hay bị kích động, nhiều lúc muốn tự sát. Hôm đó, phạm nhân Phú lại bị kích động tâm lý, đối tượng đã dùng mảnh sành tự rạch vào động mạch tay, bụng và đùi mình, dùng ca hứng máu rồi hăm dọa cán bộ và một số phạm nhân khác đang ở bệnh xá.

Trước tình huống đó, anh Ánh đã phân tích, giáo dục nhưng Phú không nghe. Anh ta còn cầm ca máu nhiễm bệnh của mình hất tung tóe lên người và mặt anh Ánh. Mải cấp cứu cho đối tượng, lại không nghĩ đến khả năng bị phơi nhiễm HIV/AIDS, anh Ánh đã không đi xét nghiệm…

Nhớ đến khoảnh khắc đó, anh đau trong lòng đến quặn thắt. Sức khỏe của anh, tính mạng của anh thôi thì “sinh nghề, tử nghiệp”, nhưng còn vợ anh, một cô giáo hiền thục giờ mang căn bệnh này sẽ làm sao trụ vững trên bục giảng? Rồi còn đứa con bé bỏng đang sắp sửa chào đời, liệu con có bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ mẹ? Khi anh đang nghĩ đến điều đó thì bước chân vô định lại về đến bệnh viện 30/4. Ngước nhìn lên tầng trên, anh thấy vợ đang đứng ở lan can vẫy tay gọi anh, tự nhiên anh bật khóc như một đứa trẻ. Rồi anh vội vàng nói dối vợ là do buồn quá vì khi vợ sinh xong lại có việc đột xuất triệu tập về đơn vị…

Ngay hôm đó, lấy hết sức lực và bản lĩnh còn lại, anh Ánh đề nghị các bác sỹ, y tá không được cho vợ anh biết kết quả xét nghiệm và làm thủ tục chuyển vợ anh lên Bệnh viện Từ Dũ để mổ đẻ, bắt con luôn, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm từ mẹ sang con. Sau khi vợ anh sinh, theo nguyên tắc, chị được chuyển về khoa lây. Chị hỏi anh vì sao? Anh tìm cách nói tránh rồi sau đó nói dối đơn vị có việc gấp để quay về cơ quan làm việc, tránh ánh mắt nghi vấn và nỗi đau khổ cứ trực dâng lên trong anh khi đối diện với vợ con…

Rồi hai mẹ con được về nhà. Bằng sự nhạy cảm của mình, chị đã biết được căn bệnh mình đang mang. Chị không một lời trách cứ anh, nhưng chị cũng không đủ dũng cảm đối mặt với thực tế, chị lặng lẽ chọn cho mình cách rời xa trần thế. Sau buổi làm, anh trở về nhà, vợ anh đã lạnh ngắt bên cạnh những vì thuốc ngủ uống dở. Có lẽ sự đau đớn âm thầm những ngày qua cũng đã gặm nhấm cạn kiệt sự mạnh mẽ trong anh, thêm cái chết của vợ khiến anh không trụ được nữa, anh vô thức uống nốt những vỉ thuốc vợ còn để lại…

Nhưng số phận đã không cho anh được chết. Một năm trời sau đó, anh chìm trong đau khổ và sống cuộc tròn trong vỏ kén, không giao tiếp với ai. Vào đêm 30 Tết năm 2005, khi anh đang đấu điện vào bóng đèn quả nhót trên bàn thờ vợ thì bị giật, ngã lăn xuống. Lúc đó, anh lại nghĩ, hay cầm vào 2 đầu điện để chết quách đi. Nhưng hình như chị Hậu, vợ anh đã không cho anh làm vậy, ánh mắt chị trong bức ảnh thờ nhìn anh như thôi thúc, trao gửi. Anh phải nỗ lực sống còn vì cô con gái nhỏ đáng thương đã mất mẹ và đang được chăm sóc, theo dõi tại Trung tâm bảo trợ xã hội. Anh còn gia đình, đồng đội ở Trại giam Thủ Đức, họ luôn bên anh trong những lúc anh khốn cùng nhất…

Cái đêm giao thừa đó quả thực đã làm cho anh Ánh bừng tỉnh. Anh đã vượt lên nỗi đau, tiếp tục sống và làm việc với sự nỗ lực vượt bậc. Ngày đầu của năm mới, anh đã lên gặp Ban Giám thị, xin được làm công việc vất vả nhất là quản giáo, quản lý đội trồng rừng. Dù đang phải uống thuốc theo phác đồ điều trị để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, sức khỏe có lúc bị ảnh hưởng nhưng ở anh luôn có sự nỗ lực phi thường, anh chưa bao giờ lấy lý do sức khỏe để được hưởng những ưu đãi về công việc.

Đối với anh, giờ công việc không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là điểm tựa cho anh trong cuộc sống… Anh còn xin đi học và đã hoàn thành chương trình Đại học của Đại học Luật.

Một thời gian sau, do điều kiện công việc cần chuyên môn, anh lại được điều về làm công tác y tế tại Phân trại K3. Số lượng phạm nhân trong phân trại rất đông, đa dạng, nhiều người có hoàn cảnh éo le và cũng không ít người mang các căn căn bệnh nguy hiểm như: HIV/ADIS, lao phổi, ung thư…., thường có tâm lý chán nản, ỷ vào căn bệnh của mình để chống đối không chịu lao động, khống chế phạm nhân khác cũng như cán bộ để đòi yêu sách. Từ nỗi đau bi kịch của bản thân, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của Công an, anh luôn gần gũi, quan tâm chia sẻ với các phạm nhân, nhất là khi họ ốm đau, mắc bệnh, ổn định tư tưởng cho họ, thực hiện tốt chế độ chính sách, tạo điều kiện cho họ yên tâm cải tạo, chấp hành án. Có nhiều bệnh nhân chưa một lần có người nhà thăm hỏi, lúc thảm cùng nhất của bệnh tật, họ chỉ có anh và các đồng nghiệp ở bên, giục họ uống từng viên thuốc, chăm sóc cho họ từng vết lở loét trên cơ thể…

Như phạm nhân Bùi Văn Phú, phạm nhân đã từng gây ra vết thương không mảnh đạn cho anh và bi kịch cho gia đình anh ngày trước, chính anh lại là người chăm sóc và ở bên Phú trong thời điểm căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS vắt kiệt sức lực của Phú. Trước lúc chết, Phú đã xin anh tha thứ, nhưng anh đã không còn oán giận Phú mà với trái tim nhân hậu, anh còn thấy cảm thương số phận éo le, không người thân ruột thịt của Phú cho đến tận những ngày cuối đời. Chính anh cùng đồng đội chôn cất, dựng bia cho Phú và thi thoảng, anh lại ra thắp hương cho các ngôi mộ phạm nhân không người nhận, trong đó có ngôi mộ của Bùi Văn Phú.

Anh luôn gần gũi, quan tâm chia sẻ với các phạm nhân, nhất là khi họ ốm đau, mắc bệnh, ổn định tư tưởng cho họ.

Anh luôn gần gũi, quan tâm chia sẻ với các phạm nhân, nhất là khi họ ốm đau, mắc bệnh, ổn định tư tưởng cho họ.

Cuộc đời và căn bệnh đang mang khiến anh gần gũi và giáo dục tốt hơn các phạm nhân có bệnh trọng dẫn đến tư tưởng chán nản, quậy phá. Như phạm nhân Trần Thị Thanh L., SN 1981, ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh, án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy. L. bị HIV, gia đình hoàn cảnh rất khó khăn nên không có ai vào thăm nuôi, động viên. Từ lúc vào trại, phạm nhân luôn tỏ thái độ chán nản và bất mãn.

Phạm nhân Trần Văn Th., SN 1982, ở quận 4, TP Hồ Chí Minh, mang án chung thân về tội giết người và cướp tài sản cũng vậy. Th. bị hen phế quản nặng, mới hơn 40 tuổi mà trông anh ta ốm o như ông già trong từng cơn ho rũ rượi. Gia đình Th. lại chỉ còn mẹ già nên cũng không có ai thăm nuôi. Th. lúc nào cũng nghĩ đến chuyện chết là xong nên tỏ vẻ bất mãn, không chấp hành nội quy trại giam và luôn tìm cách chống đối cán bộ.

Nắm bắt được diễn biến tư tưởng của các đối tượng, khi L. và Th. được đưa lên bệnh xá chữa bệnh, anh Ánh vừa ân cần điều trị cho họ, vừa từ thực tế căn bệnh mình đang mang mà gần gũi, động viên, phân tích cho họ thấy được không phải cứ mắc bệnh là kết thúc cuộc đời, cần phải có sức khỏe, niềm tin vào cuộc sống, phải cải tạo tốt để có cơ hội trở về với cuộc đời. Từ đó, 2 phạm nhân này đã nhận thức đúng về chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội, cải tạo rất tốt và đã được giảm án. “Anh là người giúp em tỉnh cơn mê. Giờ em chỉ ao ước mạnh khỏe và cải tạo tốt để có được ngày trở về gặp mẹ”- Đó là chia sẻ của phạm nhân Th. với anh Ánh, người mà Th. coi như ân nhân của mình.

Anh còn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận tổ chức truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS cho phạm nhân… Thông qua đó, kịp thời phát hiện phạm nhân bị nhiễm HIV/ AIDS để phân loại giam giữ, có hướng điều trị đạt hiệu quả và đề xuất hội đồng xét giảm án, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù với các phạm nhân nhiễm HIV/ AIDS giai đoạn cuối theo quy định của pháp luật

Câu chuyện cuộc đời của Trung tá Nguyễn Quang Ánh như một cuốn phim nhiều cao trào, có đắng cay, có nước mắt và có cả nụ cười. Sau những bất hạnh dường như tột cùng của số phận, anh đã kiên cường để sống, kiên định tiếp tục công việc của mình, hàng ngày điều trị bệnh cho các can, phạm nhân với một trái tim nhân hậu.

Và rồi, trái tim nhân hậu ấy đã được đền đáp. Đầu tiên là cô con gái nhỏ của anh sau 2 tuổi xét nghiệm đã không bị nhiễm HIV. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh, khi nhận kết quả đó, anh đã khóc như mưa...

Một thời gian sau, sự ấm áp từ trái tim kiên cường và nhân hậu ấy của anh đã lan tỏa, cảm động một người phụ nữ xinh đẹp, cá tính. Chị là Hà Thanh Vy, từng là bạn học với anh ở trường Cao đẳng y tế Bình Thuận những năm 1998- 2000 đã quyết tâm đi cùng anh trên con đường còn lại. Trước đây, anh chị là bạn bè tri kỉ, sôi nổi trong các hoạt động đoàn của trường. Sau khi ra trường, mỗi người đều có lối đi riêng nhưng họ vẫn thường quan tâm và dõi theo nhau. Rồi bất hạnh ập đến với anh, chị sau đó cũng đổ vỡ trong cuộc sống gia đình. Họ sẻ chia với nhau…

Rồi không biết từ lúc nào, tình yêu đã nhóm lửa, nó ngấm dần, ngấm dần như mạch nước ngầm chảy trong sa mạc lâu ngày cằn khô. Bố mẹ chị nghe tin, lo con vất vả nên tìm cách ngăn cản. Cả anh Ánh cũng vậy, mặc cảm với căn bệnh của mình, anh nói với chị: “Lấy anh, em sẽ vất vả hơn rất nhiều người vợ khác. Rồi sức khỏe của anh không biết thế nào. Nhỡ anh có việc gì, anh không muốn em lại cô quạnh một lần nữa…”. Nhưng lòng chị đã quyết, một đám cưới bình dị nhưng xúc động đã diễn ra ở khu vực Trại giam Thủ Đức. Chị theo anh về căn nhà tập thể ở Trại giam Thủ Đức. Sau đó, với kỹ thuật y học, hai vợ chồng đã rất hạnh phúc khi đón một cô con gái xinh xắn, đáng yêu và hoàn toàn khỏe mạnh nữa ra đời...

Tuy nhiên, cuộc đời anh là vậy, lúc nào cũng lặng lẽ hy sinh. Anh luôn nghĩ cho người khác, trước khi nghĩ đến những thiệt thòi của bản thân mình. Bởi như anh vẫn chia sẻ với tôi: “Anh được sống đến thời điểm này, có tiếp được một gia đình hạnh phúc, được đồng đội sẻ chia, có một công việc ý nghĩa và đam mê, đó đã là sự tri ân của trời đất”.

Khi bé An còn nhỏ, thương con vất vả, anh một tay chăm sóc, bế bồng, vừa làm cha, vừa làm mẹ cho con đỡ thiệt thòi. Nhưng khi con đã lớn hơn, được 5 tuổi, lúc anh được hưởng niềm vui bi bô bên con gái sau những ngày làm việc mệt mỏi thì anh lại giấu nước mắt và nỗi nhớ thương con vào tận đáy lòng, anh đưa con về với ông bà nội ngoài Bắc, bởi trong anh lo sợ mơ hồ, anh lo ở với anh, nhỡ anh sơ sểnh gì lây căn bệnh thế kỷ cho con…

Giây phút hạnh phúc của hai cha con anh Ánh vào thời khắc nghỉ hiếm hoi giữa các ca trực.

Giây phút hạnh phúc của hai cha con anh Ánh vào thời khắc nghỉ hiếm hoi giữa các ca trực.

Đến những tháng cuối năm 2023 này, sau nhiều năm cùng nhau gánh gồng, chăm sóc gia đình nhỏ, một bé đến tuổi học cấp 3, bé út chuẩn bị vào lớp 1, anh và chị lại bàn nhau để chị đưa con về TP Phan Thiết cho các con có điều kiện học tập. Mọi người vẫn nói vui rằng, phạm nhân còn có thời hạn ở trong tù nhưng cán bộ trại giam thì ở trại mãi đến khi... về hưu. Nhưng trại giam nào cũng vậy, do đặc thù công việc nên phải đóng chân ở những địa bàn vùng xa, hẻo lánh. Nếu ở cùng cha mẹ trong khu vực của trại giam, điều kiện học tập của các con cũng bị hạn chế hơn. Như các con anh, nếu muốn có môi trường học tốt để phấn đấu, hàng ngày con phải đi về mấy chục cây số, mà con đường quốc lộ phía trước xe cộ qua lại nguy hiểm, cách đó vài tháng một cháu bé trong khu đi học về bằng xe đạp điện đã bị tai nạn, không còn nữa…

Thương các con, vì tương lai của con, một lần nữa gia đình anh xẻ chia. Vợ anh đưa các con về TP Phan Thiết để thuận việc học cho các con. Anh vẫn ở lại công tác tại trại giam. Đã có lúc chị Vy ngập ngừng có ý khuyên chồng nghỉ vì điều kiện gia đình và lo cho sức khỏe của anh khi ở một mình, cũng có lúc nhìn vợ con tự phải bươn chải với cuộc sống anh nghĩ đến điều đó nhưng chỉ là thoáng qua, rồi anh vẫn quyết tâm gắn bó với công việc của mình. Và như anh nói: “Còn thời gian công tác ngày nào, còn muốn trách nhiệm tận cùng cho công việc, để tri ân cuộc sống, tri ân cuộc đời này”. Anh là người yêu vợ, thương con, những ngày đầu trở về căn nhà không còn làn khói bếp của bữa cơm chiều và tiếng trẻ lao xao gọi bố, anh thẫn thờ. Có lúc ngồi lặng bên bàn đá ngoài sân, nhớ quay quắt, chỉ muốn vượt hơn 60 cây số để được ở bên gia đình nhưng khoảng thời gian nghỉ giữa các ca trực không nhiều. 6 tháng nay, vì muốn tạo điều kiện cho các cán bộ làm y tế cùng phân trại đi học nên anh tự nguyện đảm nhận tăng ca trực. 6 tháng mà anh chưa có một ngày nghỉ trọn vẹn. Có lúc nhớ con quá, khi chiều cuối tuần được nghỉ khoảng 4 tiếng, anh lại phóng xe về Phan Thiết thăm vợ con. Từ Trại giam Thủ Đức đến nơi mấy mẹ con đang ở trọ hơn 60km, đi mất 1 tiếng, về 1 tiếng, anh chỉ ở chơi vẹn vèn với vợ, con được 1- 2 tiếng rồi lại trở về trại. Chiều chiều, nhớ bố Ánh, chị Vy và các con ra bãi biển trước nhà, chị dạy con nói vào vỏ sò những điều nhớ bố rồi hướng ra biển cả, biển sẽ mang theo lời nhớ thương của con gái nhỏ về với bố. Thi thoảng, bé Mỹ Anh lại vẽ một trái tim trên cát trắng, rồi nhờ sóng xô đi, mang tình yêu của mấy mẹ con gửi đến bố...

Hàng ngày, nhớ bố Ánh, các con vẫn nhờ biển cả gửi lời yêu thương đến bố.

Hàng ngày, nhớ bố Ánh, các con vẫn nhờ biển cả gửi lời yêu thương đến bố.

Chia tay anh, tôi chỉ biết luôn cầu mong cho anh thật khỏe, như nguyện vọng của anh, để được tri ân cuộc đời, được cống hiến, hy sinh cho công việc. Và đúng như chị Vy đã nói, người ta có sức khỏe thì đi đường trường, mình không có sức khỏe thì đi từng đoạn một, nhưng những gì người thầy thuốc Công an đặc biệt này làm được trong những đoạn đường anh đã đi qua, đã lan tỏa những năng lượng tích cực đến tất cả mọi người, để chúng ta sống có ý nghĩa hơn.

Sau bão giông, với trái tim kiên cường và nhân hậu, anh Ánh đã có một câu chuyện cổ tích về tình yêu.

Sau bão giông, với trái tim kiên cường và nhân hậu, anh Ánh đã có một câu chuyện cổ tích về tình yêu.

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/emagazine/nguoi-thay-thuoc-cong-an-dac-biet-va-hanh-trinh-vuot-len-so-phan-i718426/