Người thợ giày tâm huyết
Mới 40 tuổi nhưng anh Nguyễn Quốc Lập (phường 8, quận 4) đã có hơn 25 năm theo nghề đóng giày truyền thống, trải qua bao thăng trầm, hiện anh đã là chủ của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh đồ da cá sấu Bi Long.
Sinh ra và lớn lên giữa làng nghề giày da truyền thống tại quận 4, TP HCM, người thân trong gia đình lại là nghệ nhân làm giày thủ công truyền thống nên từ bé, anh Nguyễn Quốc Lập đã mong ước trở thành một người thợ đóng giày tài năng. 14 tuổi, khi bắt đầu có ý thức tự lập, anh đã quyết tâm theo nghề và gắn bó cho đến tận bây giờ dù trải qua nhiều thăng trầm
Trăn trở với nghề
Nhớ lại sự phát triển nghề giày thuở mới vào nghề, anh Lập cho biết mình chập chững vào nghề từ những năm 1994, 1995. Lịch sử ngành nghề có từ rất sớm, truyền nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác, thập niên 80, 90, quận 4 vẫn được xem là trung tâm nghề giày dép tại TP HCM với hàng trăm xưởng giày lớn nhỏ. Với rất nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí, gần nguồn nguyên phụ liệu dồi dào, các xưởng giày khu vực này đều phát triển rất rực rỡ, nhiều thương hiệu giày dép nổi tiếng đã ra đời như Giày Hồng Thạnh, Hồng Anh,… Vì vậy mà nghề giày dù yêu cầu cao về tay nghề, mặt khác sau khi học việc muốn xin việc làm thì phải có thầy uy tín giới thiệu với chủ cơ sở sản xuất thì mới có cơ hội thế nhưng đây là công việc rất đáng mơ ước. Anh Lập cho biết nguyên nhân trước năm 2000 rất nhiều người kiên trì đeo đuổi nghề đóng giày là công việc này mang lại nguồn thu nhập ổn định với giá gia công một đôi giày hơn 10.000 đồng/đôi, chỉ cần tay nghề tốt, mỗi ngày hoàn thành từ 5-6 đôi là thợ đóng giày có thể sống khỏe, thậm chí đủ nuôi cả một gia đình.
Bản thân anh khi được người chú thứ 5 trong gia đình truyền nghề từ bé, cũng rất mê công việc này. Nhờ sự chịu khó và có tay nghề nên anh được chú giới thiệu đi làm ở nhiều cơ sở gia công giày cho các nhãn hàng nổi tiếng, cuộc sống và tương lai rất sáng lạn. Tuy nhiên, sau những năm phát triển thịnh vượng, sau năm 2000, với sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường, các cơ sở sản xuất giày da truyền thống tại quận 4 gặp nhiều khó khăn, không còn phát triển rực rỡ như trước. Đất sống của những người thợ đóng giày dần bị thu hẹp, nhiều người bỏ nghề, tản ra đi làm công việc khác để kiếm sống. "Cũng có người ráng bám trụ nhưng không thay đổi kịp với thời đại vẫn bị đánh bại, cuối cùng vẫn phải bỏ ngang. Có lần, gặp lại một người thợ đóng giày lâu năm phải đi chạy grab kiếm sống, tôi rất trăn trở và suy nghĩ rất nhiều về cái nghề mình đang theo đuổi. Thế nhưng công việc này là mơ ước, là cả tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi. Tôi muốn bám trụ"-anh Lập tâm sự.
Tìm lối ra
Sau bao phen đắn đo, nung nấu ý tưởng tạo dựng thương hiệu riêng cho mình để giữ cho nghề truyền thống được tiếp nối, với quan niệm, không chịu cựu thì không thể thành công được nên năm 2015, anh Lập quyết định thành lập cơ sở sản xuất riêng cho mình. Từ đó, thương hiệu Bi Long ra đời. Khi mới thành lập, sản phẩm chủ lực của Bi Long chủ yếu là các sản phẩm giày, dép, túi xách, bóp, dây nịch… bằng da cá sấu. Anh suy nghĩ muốn phát triển giữa nhiều thương hiệu nổi tiếng được ưa chuộng thì sản phẩm của mình phải có chất riêng vì vậy anh đầu tư vào mẫu mã cũng như chất liệu, thường xuyên cập nhật xu hướng sao cho phù hợp nhất với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhờ vậy các sản phẩm từ da cá sấu của Bi Long khi trưng bày và bán tại các resort rất được lòng du khách nước ngoài.
Chỉ cho chúng tôi xem một đôi giày da hoàn toàn thủ công, anh Lập cho biết để hoàn thành một đôi giày như vậy, người thợ phải mất ít nhất 36 tiếng để hoàn thành khoảng 100 công đoạn, thậm chí những sản phẩm cầu kỳ hơn thì phải mất 3-4 ngày. Anh nói chỉ riêng đế một đôi giày da cá sấu được làm bằng phương pháp thủ công, người thợ phải ép từ từ 7 lớp da thành 1 khối cùng phải mất vài tiếng đồng hồ. Mỗi một công đoạn từ khâu chọn lựa nguyên liệu da đến các khâu cắt, ép… đều rất trau chuốt nên giày thủ công có giá trị cao, từ 3 đến 4 triệu đồng/đôi. Hiện cơ sở của anh chỉ gia công khi có yêu cầu của khách hàng.
Anh nói: "Trước đây, giày dép rất ít mẫu mã nên các cơ sở sản xuất có thể sản xuất hàng loạt rồi trữ bán nhưng hiện nay mẫu mã vô cùng phong phú và theo trào lưu, chỉ cần qua mùa, qua trào lưu thì sản phẩm sẽ thành hàng tồn kho. Vì vậy, buộc các cơ sở phải nắm được thị hiếu của khách hàng". Điển hình như trong năm 2020, dịch Covid khiến ngành du lịch đình trệ nên việc kinh doanh các sản phẩm da cá sấu của anh khó khăn hơn. Để vượt khó, anh lập tức tập trung vào thị trường nội địa với các sản phẩm bằng da bò với giá cả mềm hơn, kiểu dáng đa dạng hơn, thích hợp cho giới văn phòng.
Biết đến sản phẩm Bi Long qua Hội chợ da giày và tuần lễ mua sắm tổ chức tại đường 48, quận 4, bà Nguyễn Thị Thái khá hài lòng sau khi chọn mua chồng một đôi giày da bò. "Với giá vài trăm ngàn đồng phù hợp với túi tiền mà đôi giày được gia công tỉ mỉ thế này, tôi rất ưng ý"-bà Thái nhận xét.
Sau hơn 5 năm nỗ lực phát triển thương hiệu riêng với bao vui buồn nhưng anh Lập rất vui vì mình vẫn giữ được lửa nghề. Anh tâm sự: "Tôi sẽ nỗ lực hơn vì muốn Bi Long trở thành thương hiệu uy tín hơn nữa, được nhiều khách hàng biết đến. Đây là nghề truyền thống, tôi đã học được từ chú mình và tôi rất mong mình sẽ phát triển vững vàng để sau này bản thân cũng sẽ truyền dạy cho các con, không chỉ truyền dạy một công việc mà cả niềm tự hào và sự đam mê nghề nghiệp"
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/nguoi-tho-giay-tam-huyet-20210213022558333.htm