Người 'thổi hồn quê' vào sản phẩm du lịch huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ
Với tình yêu mảnh đất quê hương, ông Lê Hải Phúc đã khéo léo 'thổi hồn' văn hóa bản địa vào những sản phẩm du lịch của mình để tạo nên những nét ấn tượng khác biệt.
Nằm ở phía tây nam thành phố Cần Thơ, huyện Phong Điền có hình dáng tựa như một vòng tay xanh ôm ấp lấy đô thị trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Sông rạch chằng chịt, vườn cây lúc lỉu quả ngọt, đồng lúa vàng mơ trải rộng đến tận chân trời- nơi đây được xem như một trong những cái nôi đầu tiên sản sinh ra nền văn minh miệt vườn hào sảng, trọng nghĩa tình.
Sinh năm 1979 trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Từ những ngày còn vắt vẻo ngồi lưng trâu, lội bãi bồi kinh rạch mò cua bắt ốc, doanh nhân Lê Hải Phúc - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty Dấu Ấn Việt thường xuyên ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương mình. Chính vì vậy, bên cạnh mảng kinh doanh truyền thông, bất động sản ông Phúc quyết định bỏ thêm vốn đầu tư xây dựng Làng du lịch sinh thái Ông Đề nhằm quảng bá nét đẹp quê hương mình đến với du khách gần xa. Nó không đơn thuần là bài toán kinh tế với toan tính lời lãi vô hồn mà còn là một cách tri ân vùng đất đã sinh ra và nuôi nấng mình trưởng thành.
Tọa lạc tại ấp Mỹ Ái xã Mỹ Khánh huyện Phong Điền với tổng diện tích hơn 5 ha, Làng du lịch sinh thái Ông đề được qui hoạch hệ thống mô phỏng kinh rạch dọc ngang đặc trưng của làng quê Nam Bộ với những mái nhà tranh, hàng dừa in đáy nước. Nhưng nếu chỉ có vậy thì nó cũng chỉ là sự lập lại mô típ quen thuộc của các khu du lịch sinh thái trong khu vực, dễ tạo sự nhàm chán. Điều đặc biệt ở nơi này là cách thổi hồn quê chân chất vào trong hoạt động kinh doanh du lịch của một ông chủ có một thời gian khá dài làm nghề dạy học.
Theo ông Phúc, khi đến tham quan địa phương nào bên cạnh việc trải nghiệm tính cách con người, món ngon, cảnh đẹp… trong tiềm thức du khách đều có nhu cầu được tìm hiểu lịch sử khẩn hoang, hình thành của vùng đất ấy. Lễ giỗ Ông Đề được Làng du lịch tổ chức long trọng vào ngày 20/02 (âm lịch) hàng năm bên cạnh mục đích tri ân tiền nhân còn giúp du khách thỏa mãn nhu cầu ấy.
Phần “lễ” tiến hành theo nghi thức cổ truyền: những nam thanh nữ tú vận y phục truyền thống dâng vật phẩm, heo quay, bánh trái… lên cúng các bậc tiền hiền, hậu hiền. Bài văn tế được chuẩn bị công phu, được viết bởi những nhà biên khảo tên tuổi giúp người nghe khái quát được công lao mở cõi của những người đi trước. Trong khói trầm nghi ngút, trống nhạc lúc rộn ràng, lúc bi hùng và lời văn tế mạch lạc dễ giúp người chứng kiến hình dung về một thời cọp xuống kênh uống nước, sấu trườn lên bãi bồi tắm nắng. Để có được vùng đất Phong Điền trù phú như hôm nay là biết bao công sức, máu xương của những người đi trước.
Phần “hội” trong lễ giỗ ông Đề cũng hấp dẫn không kém. Ngoài phần biểu diễn nghệ thuật cổ truyền: hát bội, hồ quảng… Làng du lịch tổ chức các trò chơi dân gian, triễn lãm các loại bánh trái, đặc sản địa phương nhằm tái hiện không gian văn hóa xưa, đậm chất miệt vườn Nam Bộ.
Việc lồng ghép nét văn hóa bản địa vào kinh doanh du lịch đòi hỏi sự tinh tế thì mới thật sự tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách đến từ nhiều địa phương với tầng nấc văn hóa khác nhau. Tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa địa phương như một tài nguyên “thô”, để biến nó thành sản phẩm thu hút được du khách là một chặng đường dài. Và Làng du lịch sinh thái Ông Đề đã thành công bước đầu, tạo được dấu ấn thương hiệu riêng.
Với không gian được cây xanh, cây ăn trái che phủ toàn bộ với các loại đặc sản địa phương như: dâu Hạ Châu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… Không khí mát mẻ, trong lành, du khách chèo xuồng len lỏi trên những nhánh kênh, ghé một tum lá nào đó thưởng thức ẩm thực thời khẩn hoang: cá lóc nướng trui, gà nướng đất sét, canh chua bông điên điển cá rô đồng… Các trò chơi như: tát mương bắt cá, đu dây đôi, đi cầu cau qua mương, trượt sình…
Đặc biệt, Làng du lịch Ông Đề vừa đưa vào khai thác khu cắm trại qua đêm với nhiều hoạt động phong phú như: đốt lửa trại, soi ếch nhái, cắm câu, nướng cá, nướng khoai…giúp lớp trẻ trau dồi kỹ năng sống đã thu hút được nhiều du khách tham gia.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhận xét: “Ông Lê Hải Phúc là người có tâm huyết trong việc phát triển du lịch địa phương. Làng du lịch sinh thái Ông Đề là một trong những doanh nghiệp du lịch lồng ghép tốt yếu tố văn hóa vào việc kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, định hình dấu ấn thương hiệu địa phương qua các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Tiềm năng du lịch của huyện Phong Điền còn nhiều, chính quyền địa phương luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”.