Người 'thổi hồn' vào từng sợi len
Những sản phẩm do chị Đinh Tú Uyên, thôn Thuận Bắc, xã Thuận An (Lâm Đồng) tạo ra không chỉ là đồ dùng, đồ trang trí mà còn là những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng tình cảm, công sức và tình yêu sâu đậm dành cho len sợi.
Mỗi buổi tối sau khi hoàn thành công việc gia đình, chị Đinh Tú Uyên lại ngồi ở một góc nhỏ trong căn nhà của mình, lặng lẽ đan móc len. Với chị, khoảng thời gian ấy là lúc tâm hồn được thảnh thơi nhất, được đắm mình trong thế giới đầy màu sắc và sáng tạo. Đó là sở thích và đam mê đã theo chị từ thời thơ bé.

Chị Đinh Tú Uyên tỉ mỉ, chăm chút cho từng sản phẩm đan móc của mình.
Ngay từ nhỏ, chị Tú Uyên đã thích thú với những sợi len, sợi chỉ. Cô bé ngày ấy thường lặng lẽ móc từng chiếc khăn, áo nhỏ xinh để tặng mẹ, tặng bà. Khi còn là sinh viên đại học, chị bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật đan móc, tự mày mò học hỏi qua mạng, qua sách báo. Không thầy dạy, không lớp học, chị vẫn bền bỉ luyện tập từng mũi đan, từng mũi móc, từng họa tiết hoa văn, tất cả được chị học bằng cả đam mê và tình yêu với nghề. “Cuộc sống bây giờ hiện đại nhưng cũng xô bồ, mỗi khi rảnh, mình tìm đến công việc đan móc, cảm thấy thoải mái, an nhiên”, chị Uyên tâm sự.

Chị Đinh Tú Uyên cùng các sản phẩm đan móc thủ công do chính tay mình thực hiện, mang đậm dấu ấn sáng tạo và niềm đam mê với nghề thủ công truyền thống.
Sau khi lập gia đình, công việc và cuộc sống bận rộn hơn, nhất là khi có con nhỏ, chị vẫn không từ bỏ đam mê. Năm 2020, chị Uyên quyết định biến sở thích thành công việc, khởi nghiệp với nghề đan móc len, sợi.
Mỗi sản phẩm handmade của chị Uyên đều bắt đầu từ trí tưởng tượng phong phú. Từ mũi đan, kiểu móc đến kích thước, màu sắc, hoa văn… được chị tính toán sao cho hài hòa, cân đối và bắt mắt. Không đơn thuần là sản phẩm để sử dụng hay trang trí, những món đồ chị làm ra đều mang hơi thở của nghệ thuật, một cách “thổi hồn” rất riêng của người nghệ nhân.

Chị Đinh Tú Uyên tận tình hướng dẫn kỹ thuật đan móc cho một bạn trẻ có cùng đam mê.
Túi xách, thú bông, túi giữ nhiệt, áo gối, khăn trải bàn, mũ, khăn choàng, đồ sơ sinh… đều nằm trong danh mục sản phẩm chị từng thực hiện. Đặc biệt, chị Uyên còn khéo léo sáng tạo nên những chiếc áo dài đan móc vừa mang vẻ đẹp truyền thống, vừa có nét tinh tế, hiện đại.
Không giữ đam mê cho riêng mình, chị Tú Uyên lan tỏa niềm yêu thích đan móc đến cộng đồng. Tại thôn Thuận Bắc, chị thành lập nhóm nhỏ dành cho những người cùng sở thích. Tại đây, các chị em thường xuyên trao đổi, chia sẻ những mẫu móc đẹp, cùng nhau học hỏi và sáng tạo ra các mẫu sản phẩm mới. Chị Uyên không ngừng cập nhật xu hướng bằng cách học hỏi trên mạng, theo dõi các trang dạy đan móc uy tín và tham gia các lớp đào tạo để nâng cao tay nghề.
Tình yêu với nghề của chị cũng đã truyền cảm hứng đến nhiều người trẻ. Em Phạm Như Quỳnh, một thành viên trong nhóm đan móc chia sẻ: “Chị Uyên làm các sản phẩm rất đẹp, em rất thích. Em nhờ chị dạy cho và khi tự tay làm được sản phẩm đầu tiên, em cảm thấy vô cùng vui sướng”.
Bằng những sợi len và cả các vật liệu tái chế, đôi bàn tay khéo léo của chị Tú Uyên đã tạo ra không chỉ những món đồ tinh xảo mà còn góp phần lưu giữ và làm sống lại nét đẹp của nghề thủ công truyền thống trong thời đại công nghiệp. Những sản phẩm ấy không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy lối sống bền vững.
Hiện tại, với nghề đan móc, chị Uyên có thu nhập thêm từ 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng điều quan trọng hơn cả, theo chị là niềm vui và sự bình yên khi được sống trọn vẹn với đam mê. Giữa nhịp sống hối hả, những sợi len mảnh mai và những sản phẩm thủ công của chị Tú Uyên như lời nhắn gửi nhẹ nhàng về sự kiên trì, về tình yêu với cái đẹp và giá trị của những điều được làm ra từ trái tim.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nguoi-thoi-hon-vao-tung-soi-len-382447.html