Người thổi kèn harmonica trên chiến hào Điện Biên Phủ
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc (92 tuổi), là một vị tướng trận hiếm hoi trong hàng tướng trận Việt Nam, sau những khói lửa binh đao chiến trận, lấy âm nhạc làm thú vui.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay là TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Đây cũng là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 của Việt Nam.
Hiện có khoảng 60 cựu chiến binh của chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy nghỉ hưu và sống cùng con cháu ở TP.HCM. Trong số đó, có tướng Đỗ Văn Phúc, năm nay 92 tuổi, sống ở TP Thủ Đức, ông từ một tướng trận trở thành tướng nhạc sĩ thời bình.
Và câu chuyện của ông cũng là một điều thú vị mà Tạp chí Du lịch TP.HCM muốn chia sẻ cùng độc giả như một cách nối truyền thống đến tương lai ở thành phố này.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1
70 năm trước, ông là Đại đội trưởng Đại đội 56 - “bộ binh pháo”, Trung đoàn 98 của tướng Vũ Lăng, Đại đoàn 316, phụ trách đánh ở đồi C1 và C2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó ông đã nổi tiếng khắp mặt trận với sáng kiến “bắn súng cối ôm nòng”.
Ông kể: “Khẩu cối 82 có 3 bộ phận chính: Nòng, chân và bệ. Khi hành quân phải có 3 người mang vác 3 bộ phận, rồi phải có thêm xạ thủ và lính tiếp đạn. Vì vậy Tiểu đội cối 82 chỉ biên chế 2 khẩu. Khi vận động, nếu mang đủ 3 bộ phận cùng cơ số đạn thì rất cồng kềnh.
Qua thực tế chiến đấu ở đồi C1, mình đề nghị cho áp dụng kĩ thuật “bắn ôm nòng”, nghĩa là, chỉ cần một pháo thủ ôm nòng cùng một tháo lắp đạn, một tiếp đạn. Khi “tác nghiệp”, pháo thủ ôm nòng cối tì vào vai; còn hướng và góc tà thì cân chỉnh theo kinh nghiệm (sau khi bắn quả đầu tiên). Khi có lệnh bắn, một pháo thủ sẽ thả đạn vào nòng”.
Ngày ấy, đồi C1 cùng với đồi A1 và C2 ở cụm cứ điểm phía Đông Mường Thanh đã như một "yết hầu" chi phối toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ai chiếm được nơi đây sẽ làm chủ thế trận và có thể với tay tới hầm chỉ huy của tướng De Castries. Đại đội của ông khi đó có hai nhiệm vụ: Một mặt phải bắn cấp tập vào khu "yên ngựa", phá vỡ đội hình phản kích của địch, cùng với hỏa lực của pháo binh, bộ binh tạo thành một lá chắn lửa trước tuyến phòng ngự của ta. Mặt khác phải sẵn sàng khi có lệnh hoặc yêu cầu của bộ binh, kịp thời chuyển bắn vào cột cờ trên đỉnh đồi C1, áp chế tiêu diệt quân Pháp nếu đột nhập vào trận địa của ta.
Nhưng Pháp cũng biết điều đó nên giữ rất chặt. Tình hình chiến sự lúc đó vô cùng ác liệt, 75% quân số đại đội của ông đã hy sinh trong cuộc chiến chiếm đồi C1, 6 cán bộ chỉ huy còn lại 2. Quân Pháp liên tục vãi đạn về phía quân ta, nên hầu như trong suốt cả ngày không lúc nào ngơi tiếng súng đạn, việc tổ chức phát loa binh vận binh lính Pháp cũng gặp khó khăn, cứ bên ta vừa lên tiếng thì chúng lại dập đạn sang.
Tướng Phúc kể: “Tổng cục Chính trị đã cử một tổ công tác địch vận mang máy và loa xuống trận địa cối 81 của Đại đội bố trí cách đồi C1 400m. Tình cờ các anh thấy tôi có kèn harmonica, các anh bảo: "Ôi thế thì hay quá, anh biết bài nào thì anh cứ thổi". Và thế là tôi trở thành chiến sĩ địch vận từ giờ phút đó.
Bài đầu tiên tôi thổi là "Vì nhân dân quên mình" của Doãn Nho. Ngay khi phát loa ra, nó bắn ghê lắm. Đến ngày thứ hai, tôi quyết định thổi bài "One day when we were young" - ca khúc cổ điển nổi tiếng thập niên 40 tại châu Âu và vài bài nhạc Tây khác, chủ yếu là các bài nhạc đồng quê đang thịnh hành thời đó ở châu Âu. Khi loa của ta vừa phát, lúc đầu quân Pháp cũng như thói quen bắn ra xối xả nhưng khi giai điệu réo rắt tha thiết của bài "One day when we were young", rồi vài khúc nhạc Tây, tiếng súng thưa thớt rồi im hẳn.
Sau đó, ta đã chen vào đọc các lời binh vận. Rồi đêm sau, đêm sau nữa, giữa quãng nghỉ các khúc nhạc được thổi từ cây kèn harmonica, ta phát nội dung binh vận thì bên phía Pháp không còn bắn sang nữa. “Cũng từ đó tôi đã được các chiến sĩ ở mặt trận đặt biệt danh “tiếng kèn địch vận ở Điện Biên Phủ”. Một biệt danh vừa là niềm tự hào vừa như một cái “mầm” để sau này rời cuộc chiến, ý thích và ước muốn sáng tác nhạc đã nhen nhóm trong tôi”.
Tướng trận thời bình thành nhạc sĩ
Cũng không phải sau chiến dịch Điện Biên Phủ tướng Đỗ Văn Phúc mới có thể thỏa nguyện ước mơ làm nhạc sĩ sáng tác ca khúc. Ông vẫn lại tiếp tục con đường binh nghiệp, mà ông dí dỏm vui hát câu ca “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”. Ông đã được đi đào tạo quân sự ở Nga, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài..
Tháng 12/1972, ông là Tham mưu phó đặc trách về tên lửa của Sư đoàn 361 Phòng không Hà Nội - Sư đoàn “Cận vệ đỏ”, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong trận chiến 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Đến chiến tranh biên giới phía Bắc, ông tham gia chỉ huy phòng thủ và chiến đấu ở biên giới trước khi chuyển sang ngành tình báo chiến lược, làm Tùy viên quân sự ở Nga cho đến ngày về hưu.
Với ông, sáng tác ca khúc, như một niềm đam mê, như một cách thư nhàn với cuộc sống của một tướng trận thời bình. Không chỉ nghe, thưởng thức, ông còn trực tiếp chơi và sáng tác nhạc, như một cách cân bằng cuộc sống, và cống hiến cho đời chút gì ở quãng sau cuộc đời binh nghiệp, như ông thường nói.
Ông chơi đàn piano rất giỏi, chơi rất hay những bản nhạc Nga. Ông cũng biết chơi đàn guitar rất hay, có thể vừa đàn vừa hát nhiều bản tình ca. Ông cũng biết chơi đàn organ và chơi những tiết tấu quân hành rộn ràng.
Những ca khúc của ông cũng biểu lộ một tài hoa âm nhạc và có “duyên” với những cuộc hội diễn Binh chủng, ngành Quân y, trên sóng phát thanh VOV, VTV và còn đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc cho ca khúc của mình.
Tính đến nay, ông đã có trong tay vài chục ca khúc, trong đó 2 ca khúc dành riêng cho tình yêu tên lửa của ông: “Người canh giữ bầu trời”- trở thành bài ca của Quân chủng Phòng không - Không quân và “Kíp săn B.52”- ca ngợi những người lính trắc thủ tên lửa, 2 ca khúc này đã được phát trên sóng VOV.
Năm 2014, ông sáng tác ca khúc “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” như một cách nhớ lại kỷ niệm của chính ông và các đồng đội ở chiến trường Điện Biên Phủ, kỷ niệm không quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ca khúc đã được Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân chọn cùng các ca khúc khác biểu diễn trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/2014, và cũng đã được các đoàn nghệ thuật quân đội của các quân binh chủng, VOV dàn dựng, được Hội Âm nhạc Việt Nam đánh giá cao.
Ông kể hơn nửa cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với Hà Nội, nên tình yêu của ông với Hà Nội như một chốn quê, một cõi nhớ, một vết khắc sâu sắc trong trái tim, tâm hồn ông. Và ông viết một số ca khúc về Hà Nội như một sự rung cảm của mối tình nồng nàn: “Hà Nội, em và tôi”, “Nhớ mãi Hà Nội”...
Ông cũng không quên cái nôi cuộc đời binh nghiệp là trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, nên dành cho ngôi trường xưa một ca khúc thật ấm áp: “Thăm trường cũ nhớ người xưa” - thơ của một cựu học sinh của trường là Nguyễn Hoàng.
Là một tướng trận nên ông hiểu sâu sắc cái giá của hòa bình, khát vọng hòa bình, ông có hai ca khúc phổ thơ của đồng đội: “Chim ơi đừng mỏi cánh” (thơ Hoàng Khánh - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) và “Chim nhạn” (thơ Trần Văn Giang - Chính ủy F361).
Tháng 4/2024, lần thứ ba, ông thay máy trợ tim, và những cảm nhận của bao lần ở ranh giới sinh tử được các bác sĩ chăm sóc, ông đặc biệt dành tình yêu cho ngành y với ca khúc “Hoa màu trắng”, với giai điệu tha thiết, trìu mến và nhiều chất thơ. Ca khúc đã được ngành Quân y dàn dựng hội diễn toàn quân nhiều lần và VOV thu phát sóng.
Và như món quà tặng cho cháu ngoại, cũng là một hy vọng của tương lai đất nước, ông sáng tác ca khúc thiếu nhi: “Em đến trường”. Ca khúc đã được phát nhiều lần trên sóng HTV, và in trong báo thiếu nhi.
Vật bất ly thân
Kể lại kỷ niệm xưa, ngay từ khi còn là học viên trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ông đã biết thổi kèn harmonica, đó là cách giải trí cũng như sinh hoạt văn nghệ trong quân ngũ. Chính cây kèn đã làm nên danh tiếng cho ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và cây kèn cũng theo ông chinh qua chiến trận đến tận thời bình cho tới hôm nay.
Biết chơi nhiều nhạc cụ, nhưng ông lại rất gắn bó và yêu thích cây kèn harmonica, trong túi áo ông lúc nào cũng có cây kèn, bất kể lúc nào có thể, ông lại rút cây kèn ra thổi vài khúc nhạc. Ông cho biết tháng 5/2000, Bảo tàng Cách mạng TP.HCM ngỏ ý, ông đã tặng để lưu giữ thành kỷ vật Điện Biên Phủ chung của các chiến sĩ Điện Biên ngày ấy, cây kèn được để trong chiếc hộp lót nhung đỏ rất trang trọng trong gian trưng bày “Kỷ vật của những người đi B”. Cây kèn hiện ông đang dùng cũng được vài chục năm.
Ông sáng tác nhạc chủ yếu dựa vào cây kèn harmonica và guitar, thi thoảng có organ hỗ trợ, nhưng chủ yếu là cây kèn vì có thể bất chợt một khúc nhạc nảy ra trong đầu, thì có ngay cây kèn để thể hiện... Ông chia sẻ: “Khi cảm xúc từ trái tim hòa vào tâm hồn thì tự dưng như ngân lên những giai điệu, và tôi chỉ việc viết ra”.
Khi hỏi ông thường thích nhịp điệu nào trong âm nhạc, 2/4 hay 4/4 hay 3/4 ông hào hứng: “Tôi thường lấy nhịp 2/4 làm chủ đạo, vì nó có thể biến tấu sang các nhịp khác. Và hơn nữa, đây là nhịp phổ thông, dễ hát, dễ cảm nhận. Tôi cũng thích những nhịp điệu mạnh như các khúc quân hành 4/4. Nó như âm thanh của sự sôi động, nhiệt huyết, vui vẻ… Nhưng tôi lại thích những bản tình ca theo điệu valse 3/4, nghe dìu dặt, tha thiết và lãng mạn…”.
Như thói quen, cũng là đam mê, buổi chiều nào ông cũng dành ít phút thư giãn để thổi Harmonica, một khúc nhạc ngẫu hứng, như chút hoài niệm về thời trai trẻ chinh chiến của mình.
Kính chúc tướng Đỗ Văn Phúc sức khỏe, và mong được nghe tiếng kèn armonica của ông mỗi năm kỷ niệm chiến thắng.
Hoài Hương