Người thu gom rác thực phẩm giúp chống biến đổi khí hậu

Tổ chức bảo vệ môi trường phi vụ lợi Quỹ Mẹ Trái đất (MEF) đang nỗ lực ngăn chặn thức ăn thừa chuyển đến các bãi rác, nơi chúng phát khí thải methane độc hại.

Người thu gom rác tại cơ sở tái chế ở Malabon - Ảnh: AP

Người thu gom rác tại cơ sở tái chế ở Malabon - Ảnh: AP

MEF là thành viên của Liên minh toàn cầu về Các giải pháp thay thế đốt rác (GAIA). Tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế này cổ động giảm thải rác, ủng hộ người thu gom rác trên toàn thế giới và làm việc với các chính phủ để lập những hệ thống phân loại rác, thu gom rác hữu cơ và xây dựng các cơ sở chế biến rác hữu cơ thành phân bón.

Thu gom rác hữu cơ để giảm khí thải methane

Thế giới cần các hệ thống xử lý rác tốt hơn, vì các phương pháp hiện nay đang góp phần vào sự biến đổi khí hậu, theo bà Kait Siegel, chủ nhiệm mảng rác trong đội phòng chống ô nhiễm methane của tổ chức bảo vệ môi trường phi vụ lợi Clean Air Task Force.

Bà nói cách phân loại và xử lý rác hữu cơ là một tiến trình quan trọng nhằm kéo giảm sự thải phát khí methane: “Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đều tạo ta rác hữu cơ. Vì thế, chúng ta cần góp phần giảm tốc sự biến đổi khí hậu”.

Hiện có nhiều sự quan tâm dành cho chiến lược này, với hơn 100 quốc gia tham gia sáng kiến Cam kết methane toàn cầu (Global Methane Pledge, lập hồi tháng 11.2011), một thỏa thuận mà qua đó các bên tham gia nhất trí đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% tổng lượng khí thải methane.

Methane trong khí quyển đã tăng 150%, khiến Trái đất bị tăng nhiệt nhiều hơn là sự thải phát khí carbon dioxide (tăng khoảng 50%) trong 2 thế kỷ gần đây. Nhưng khí methane cũng phân hủy nhanh hơn, đồng nghĩa kéo giảm sự phát thải khí này là cách nhanh nhất và cấp thiết để có thể hạ nhiệt cho Trái đất.

Đây cũng là loại khí có thể chôn dưới đất và bán lại để làm nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất khí đốt, loại hàng hóa có giá tăng cao trong thời gian qua.

Nguồn thải phát khí methane lớn nhất là nông nghiệp, bám sát phía sau là ngành năng lượng gây phát thải từ than, dầu - khí và nhiên liệu sinh học, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Rác thải là nguồn phát thải khí methane lớn thứ ba, chiếm khoảng 20% tổng lượng thải. Và trong 60% rác thải ở các nước vùng Nam bán cầu là rác hữu cơ, theo GAIA.

Hiện có nhiều nhóm thu gom rác hữu cơ hoạt động tại nhiều cộng đồng và các thành phố ở Nam bán cầu. Hàng triệu người trên thế giới cũng kiếm sống bằng cách “mua ve chai”: thu gom, phân loại rác, tái chế và bán lại những vật liệu như nhựa, giấy, chì và thép.

Theo hãng tin AP, ở thành phố Malabon với 380.000 dân gần thủ đô Manila của Philippines, mỗi ngày có khoảng 130 tấn rác. Các cư dân Malabon cũng hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại từng nhóm rác và ngăn rác hữu cơ ra đến bãi, đó là cách kéo giảm sự phát thải khí methane.

Cách hoạt động của MEF ở Malabon là lập những đội thu gom rác vào mỗi sáng. Họ bỏ thức ăn thừa vào một bao riêng để làm thành phân tại một cơ sở tái chế ở địa phương. Phân được chuyển đến một vườn rau chung để trồng rau quả. Một số loại thức ăn thừa được chuyển vào thùng kín, không thấm nước để chất hữu cơ phân hủy và tạo ra khí sinh học để nấu ăn.

Món rau được chế biến bằng khí sinh học - Ảnh: AP

Món rau được chế biến bằng khí sinh học - Ảnh: AP

Các loại rác khác bỏ vào từng bao khác để có thể tái chế hoặc bán “ve chai”. Đó là một quy trình trọn vẹn, theo Froilan Grate, chủ nhiệm của GAIA ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho biết thêm rằng mỗi người thu gom rác được phân công đến khoảng 200 nhà dân.

Tuy nhiên, cũng có những thách thức trong việc lập hệ thống thu gom rác này tại những vùng mới: cần có tiền để lập cơ sở chuyển đổi rác hữu cơ thành phân bón; người dân và quan chức chính quyền địa phương cần nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác; cung cấp thêm thùng rác cho các hộ dân...

Grate tin tưởng có thể khắc phục các thách thức này. Càng có thêm người hiểu biết sự liên quan giữa việc giảm phát thải khí methane với sự đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, thì sẽ có thêm sự quan tâm của các thành phố và các tổ chức từ thiện có thể giúp cấp kinh phí thu gom rác.

Các thành phố cũng đã ghi nhận những lợi ích của việc quản lý rác hiệu quả, vì nó giúp giảm ký sinh trùng lây bệnh, bảo đảm nguồn nước uống sạch hơn, tạo cuộc sống bền vững cho người thu gom rác và giúp hạ nhiệt cho Trái đất.

Tại Philippines, các thành phố trả công cho người thu gom rác bằng nguồn tiền có được từ việc giảm số xe tải chở rác đến bãi rác. Tại Brazil, một trong những nước phát thải khí methane nhiều nhất thế giới, hiện đã có sự quan tâm hỗ trợ người thu gom rác, đầu tư vào mảng tái chế và đối phó sự biến đổi khí hậu.

Trước đó nhiều năm, một bãi lớn chuyển chất hữu cơ thành phân đã hoạt động tại vùng biển đông bắc bang Bahia, một điểm đến du lịch nổi tiếng của Brazil. Tại đó, người thu gom rác tự lập một hệ thống phân loại rác hữu cơ từ các khách sạn và nhà hàng, nhưng chỉ có ít người thu gom thức ăn thừa.

Việc phân loại rác hữu cơ không phổ biến ở Nam Phi, nhưng hai năm qua đã có một cuộc thử nghiệm tại một khu chợ lớn ở thành phố cảng Durban.

Niven Reddy, trưởng điều phối của GAIA tại châu Phi, cho biết chợ này có khoảng 400.000 lượt khách/ngày, và nếu cuộc thử nghiệm thu gom rác theo mô hình của thành phố Malabon của Philippines thành công thì cũng có thể áp dụng ở các vùng khác.

Bảo Vĩnh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nguoi-thu-gom-rac-thuc-pham-giup-chong-bien-doi-khi-hau-194946.html