Người 'thu' hoa làm mật ngọt ở Mậu Đông
Tận dụng lợi thế đất vườn đồi, những năm qua, gia đình ông Đồng Văn Tâm ở thôn Đoàn Kết, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật, hàng năm mang về nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Ông cũng thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi ong xã Mậu Đông.
Trước đây, từ diện tích đồi rừng hơn 6 ha, ông Đồng Văn Tâm trồng cây quế, vốn là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, gia đình ông luôn có nguồn thu nhập ổn định. Mong muốn tận dụng khai thác kinh tế từ đồi rừng, sau khi tìm hiểu, ông biết đến mô hình nuôi ong dưới tán rừng và bắt đầu nuôi ong lấy mật từ năm 2018.
Thời gian đầu, ông chỉ nuôi quy mô nhỏ lẻ với 10 tổ ong để nuôi thử nghiệm, mục đích để sử dụng là chủ yếu. Nhờ chuyên tâm nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm cộng thêm một chút may mắn, ông đã thành công ngay từ lứa ong đầu tiên.
Chỉ sau 5 năm, bằng cách tự nhân giống để đảm bảo sức khỏe của đàn ong, đến nay, ông Tâm đã có hơn 60 tổ ong. Mỗi tổ ong cho ông khai thác khoảng từ 12 - 13 lít mật/năm tùy mùa hoa. Bên cạnh nguồn thu từ rừng, gia đình ông Tâm có thêm một nguồn thu đáng kể từ nghề nuôi ong lấy mật.
Ông Tâm chia sẻ: "Nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Bởi nuôi ong không phải đầu tư nhiều vốn, mỗi thùng nuôi chi phí chỉ khoảng 1 triệu đồng nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỷ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong để có chế độ chăm sóc phù hợp từng giai đoạn, từng mùa. Hơn nữa, cần phải am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, vùng có nhiều hoa để luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Đồng thời, cũng cần phải hiểu về đặc tính xây tổ, chia đàn để tránh ong tách đàn bay đi mất. So với các loại vật nuôi khác, nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá cao”.
Tự tích lũy kinh nghiệm, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong và nhận thấy nhu cầu của thị trường về mật ong ngày càng tăng lên, nhất là mật từ loài ong bản địa, được nuôi tự nhiên, ông Tâm đứng ra thành lập THT nuôi ong xã Mậu Đông với 7 thành viên, là những hội viên cựu chiến binh có cùng đam mê, sở thích với loài vật nuôi này. Tham gia THT, các hộ nuôi ong được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, cách làm thùng nuôi, cách chăm sóc, tạo ong chúa, hỗ trợ nhau trong những thời điểm đưa ong đi lấy mật ở địa bàn khác.
Đặc biệt, các thành viên còn giúp đỡ nhau khi ong đến kỳ khai thác mật, đây cũng là cách làm hay ở THT nuôi ong xã Mậu Đông.
Trước đây, chăn nuôi nhỏ lẻ mỗi hộ vài ba tổ ong, khi khai thác mật mọi người thường vắt, lọc qua lớp vải màn, đóng chai rồi đem bán, không kiểm soát được chất lượng. Cách làm này, không chỉ khiến mật bị lẫn nhiều cặn bã, tạp chất, mật dễ lên men, đóng đường, thời gian bảo quản ngắn mà còn khiến chu kỳ quay vòng của ong kéo dài gấp đôi, gấp ba lần.
Đến nay, các hộ cùng đóng góp mua thùng quay mật ong chuyên dụng, cách chế biến mật đã khắc phục triệt để những hạn chế, mật đặc hơn, thời gian bảo quản lâu hơn và điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. THT đã làm chủ kỹ thuật chọn ong chúa, ong đực có chất lượng nhân đàn và tạo được tính tụ đàn cao, ong ít bị bay, thoái hóa giống... sản lượng, chất lượng mật thu về ngày càng cao.
Những giọt mật sóng sánh, có vị ngọt thanh, thoang thoảng hương thơm của phấn hoa là thành quả lao động của những nông dân cần cù như ông Đồng Văn Tâm.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/300228/nguoi-thu-hoa-lam-mat-ngot-o-mau-dong.aspx