Người thương binh làm giàu từ nuôi ong

Không khuất phục trước nghèo khó, thương binh Phạm Thanh Xuân làm theo lời Bác Hồ dạy, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Sau nhiều năm phấn đấu, ông Xuân trở thành tỷ phú nuôi ong có tiếng ở tỉnh miền núi Lào Cai.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thương binh Phạm Thanh Xuân hướng dẫn công nhân cách chăm sóc và lấy mật ong.

Thương binh Phạm Thanh Xuân hướng dẫn công nhân cách chăm sóc và lấy mật ong.

Con đường rợp cây xanh đưa chúng tôi đến Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân, tại thôn Lúc 1, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, ông Phạm Thanh Xuân, Giám đốc công ty dẫn chúng tôi thăm xưởng chế biến mật ong với thiết bị hiện đại, công suất cho hàng nghìn lít/năm.

Để có được thành quả hôm nay, ông Xuân đã trải qua nhiều thăng trầm. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông cùng các thanh niên trẻ của huyện Thanh Miện, Hải Dương lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, ông được nhận vào đơn vị lính thông tin, hành quân vào nam chiến đấu. Trong trận quyết chiến với kẻ thù tại thị xã Kon Tum, ông bị sức ép và mảnh pháo làm cánh tay trái cụt đến khuỷu gối và nhiều mảnh nhỏ găm khắp cơ thể. Năm 1990, trở về quê với thương tật 2/4, thấy cuộc sống gia đình, làng xóm khó khăn do thiếu đất canh tác, ông động viên gia đình chuyển lên tỉnh miền núi Lào Cai, tìm đến thôn Lúc 1, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên. Ở vùng đất mới, tuy xa trung tâm phố huyện, nhưng núi đồi bát ngát, phù hợp với sản xuất nông nghiệp cho nên gia đình bắt tay vào làm trang trại. Chỗ đất thấp, trồng lúa, ngô, đào ao thả cá. Những bãi cỏ dưới tán cây rừng, nuôi trâu, bò, dê để tăng thu nhập, tích lũy vốn mở rộng sản xuất. Cuộc sống dần khá lên nhưng vẫn ấp ủ mong muốn tìm hướng làm giàu, ông Xuân đi nhiều nơi quan sát, học hỏi mô hình sản xuất, kinh doanh. Trong một lần về thăm người bạn chiến đấu cũ quê Thái Bình, thấy người dân nuôi ong hút mật hoa sú vẹt vùng bãi bồi ven biển cho lợi ích kinh tế cao, nghĩ đến những cánh rừng bạt ngàn của huyện Bảo Hà, ông tìm xuống Công ty Ong trung ương xin tài liệu, học kỹ thuật nuôi ong. Từ đây, cuộc đời người thương binh gắn với những đàn ong trên mảnh đất Bảo Hà bạt ngàn hoa trái.

Ông Xuân cho biết, để thành công cần cả quá trình kiên trì, bền bỉ vừa học vừa làm cùng với tinh thần sáng tạo. Ong giống khi trước rất hiếm. Cơm nắm trong túi, bi-đông nước đeo bên mình, ông lặn lội khắp các thôn, bản vùng rừng núi hai huyện Bảo Yên, Văn Bàn săn lùng mua gom những đàn ong lẻ của người dân bắt được, sau đó nhân giống lên được hơn trăm đàn ong bản địa. Bắt đầu từ năm 1994, đàn ong cho thu hơn một tấn mật mỗi năm, trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, ông nhận thấy con ong bản địa dễ nuôi, nhưng tính hoang dã cao, hay bỏ đàn, thân hình nhỏ, khả năng hút mật và mang phấn hoa kém cho nên sản lượng mật thấp. Qua các phương tiện truyền thông, ông lặn lội vào miền nam mua 80 đàn ong nhập khẩu chở về vùng núi Bảo Hà. Để có thêm kiến thức, ông lại xuống Công ty Ong trung ương tập huấn kỹ thuật. Kết quả là nhân giống ong ngoại thành công lên hơn 300 đàn. Những chú ong ngoại thân hình to khỏe hơn cho nên bay xa, có khả năng hút sâu vào trong nhụy hoa, mang được nhiều phấn, vì thế cho năng suất mật cao gấp bốn đến năm lần ong bản địa, chất lượng mật tốt hơn.

Từ lúc khởi nghiệp nuôi ong lấy mật đến nay gần 30 năm, lúc đầu, chỉ có vài đàn, giờ ông Xuân đã có hàng trăm đàn ong cùng nhiều sản phẩm từ mật được sự đón nhận của thị trường. Năm 1995, ông Xuân thành lập Công ty TNHH Phát triển ong miền núi Thanh Xuân. Ngoài thực hiện quy trình chăm sóc ong ngặt nghèo, công ty đầu tư máy quay ly tâm nâng cao chất lượng, bảo đảm mật ong không pha trộn, đồng thời đăng ký thương hiệu bản quyền. Qua kiểm định, những sản phẩm chủ lực của công ty như mật ong nguyên chất, mật ong phấn hoa sữa ong chúa, phấn hoa và sữa ong chúa đều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm nông nghiệp chất lượng vàng Việt Nam. Sự đầu tư đúng hướng đã giúp những sản phẩm của công ty được nhiều người tiêu dùng thị trường trong nước lựa chọn sử dụng.

Tiếng lành đồn xa, cơ sở nuôi ong của ông Xuân được nhiều người học tập. Hiện trong toàn tỉnh đã có rất nhiều hộ, hợp tác xã nuôi ong lấy mật có giá trị kinh tế cao. Nổi bật như mô hình nuôi ong mật tại hai xã Xuân Quang và Phong Niên, huyện Bảo Thắng. Do chuyển đổi phương thức từ nuôi, chế biến tự do sang thực hành chăn nuôi ong theo quy trình kỹ thuật tốt, an toàn (VietGAHP) và tiến hành đăng ký bản quyền, thương hiệu đã mang đến thu nhập ổn định cho các hộ nuôi ong từ 200 đến 250 triệu đồng/năm.

Với hướng đi mới cùng những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương, thương binh Phạm Thanh Xuân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ dừng tại đây, người cựu chiến binh này vẫn mong muốn mở thêm nhiều hướng làm giàu. Cùng với các sản phẩm từ nuôi ong, ông đang nghiên cứu, thử nghiệm mô hình phát triển kinh tế bằng trồng rừng bởi trồng rừng không những bảo vệ môi trường sống mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở giai đoạn này, khi thiếu cây trồng, Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân xây dựng các vườn ươm giống cây với nhiều loại cây như: quế, keo… sau đó bán với giá thấp để hỗ trợ bước đầu việc trồng rừng của người dân.

Bài và ảnh: VĂN TOÁN, QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/44262702-nguoi-thuong-binh-lam-giau-tu-nuoi-ong.html