Người thương binh làm giàu từ vườn cây Si rô
Kể từ ngày trồng giống cây này, kinh tế gia đình ông Huỳnh Văn Ràng khá giả hơn. Thu nhập mỗi vụ có thể từ 50 – 70 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí.
Linh cảm giúp người thương binh làm giàu
Theo chỉ dẫn của những người dân sống nơi Đình Trường Long (ấp Thọ B, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), chúng tôi không khó lắm để tìm được vườn Si rô của gia đình ông Huỳnh Văn Ràng (62 tuổi, thường gọi là Bảy Ràng). Từ xa, vườn cây của ông hiện ra xanh um, trên cành tô điểm những chấm đỏ, tím của mùa cây ra trái, trông thật thích mắt.
Ông Ràng là thương binh, sau khi chiến tranh kết thúc, ông về đây sinh sống bằng nghề làm vườn. Trước lúc biết đến loại cây này, kinh tế gia đình ông chỉ ở mức đủ ăn, chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng các loại cây ăn trái quen thuộc của khu vực miền Tây.
Ông Ràng chia sẻ, một lần tình cờ đi chơi ở quận 9, TP HCM, ông bắt gặp loại cây này. Bằng linh cảm của mình, ông đoán biết cây có khả năng phát triển được ở nơi mình nên quyết định xin hạt về ươm.
Cây Si rô lớn nhất và lâu đời nhất của ông năm nay đã 22 tuổi, cao quá đầu, cành lá la đà. Hiện tại, vườn nhà ông có khoảng trên dưới 30 cây, trong đó có 3 cây gốc lớn, 27 cây gốc vừa và nhỏ. Theo chân ông, ở đây bà con cũng có một vài người bắt đầu trồng khi biết công dụng và giá trị của nó.
“Trồng cây này không gặp quá nhiều khó khăn. Cây trồng bằng hạt thì sau hai năm có thể cho ra trái, còn đối với cành chiết thì tầm vài tháng là đã có thể nhìn thấy cây ra hoa. Nếu như có phân thì mình bón phân, không có thì kệ, nó vẫn sống được vì là cây rừng”, ông Ràng cho biết.
Vui hơn khi được sẻ chia
Những năm gần đây, ông Ràng tìm hiểu trên các trang mạng nên biết được giá trị kinh tế từ cây Si rô và có thể trồng làm cảnh. Do đó, ông đã tìm tòi, nghiên cứu nhân giống nhằm đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân.
Ông Ràng bộc bạch: “Ban đầu, tình hình không mấy khả quan. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chiết cây đạt chất lượng rất thấp, chỉ 30%- 40%. Sau này, tôi tìm hiểu thêm một số thuốc dùng riêng cho cây nên việc chiết cây cho kết quả tốt, được khoảng 80% so với ban đầu. Chỉ cần chiết xong, giăm vô chậu là đem bán, không bị hao hụt. Phương pháp này hiện tại chỉ có duy nhất mình tôi thực hiện thành công”.
Về nguồn hàng xuất đi hiện tại, ông Ràng cho biết: “Bây giờ, có người bao tiêu cho đầu ra sản phẩm nên gia đình khỏe hơn. Chứ trước kia, không có người bao tiêu, gia đình phải thường xuyên bỏ tại trại cây cảnh cho người ta bán. Giá bán một cặp 250.000 đồng cho một nhánh nhỏ, một cặp 600.000 vô chậu xi măng là nhánh bự”.
Cây Si rô ngoài việc có thể trồng trang trí trước sân nhà, trồng để tạo bóng mát, cũng có thể dùng để chế biến thức ăn thay cho chanh, có thể làm mứt, làm si rô trái cây, làm rượu si rô... Hiện tại, ông Ràng cũng có làm si rô trái cây và rượu si rô cho gia đình dùng chứ chưa làm số lượng lớn để phục vụ bà con địa phương. Thế nên, khi ai có nhu cầu tìm đặt mua, ông mới làm. Còn ai muốn mua trái về làm, ông cũng bán.
Kể từ ngày trồng giống cây này, kinh tế gia đình ông Ràng đi lên thấy rõ. “Từ 10 năm nay, kinh tế phát triển hơn. Giống cây này, nhiều người cũng mê mang về làm cây cảnh nhất là trong những ngày Xuân tới. Lúc đó bán được lắm. Trái cây đỏ, tím trông rất ưa mắt, nhìn thấy tài lộc. Sau khi bán Tết xong, gia đình lại tiếp tục chiết những cây mới”.
Theo như chia sẻ, mỗi vụ, ông chiết và cung ứng thị trường khoảng 500 – 600 nhánh, có khi cao hơn. Sau khi trừ hết các chi phí, trung bình thu nhập cũng đạt được khoảng 50 – 70 triệu đồng. “Bao nhiêu đó đủ rồi, gia đình cũng không mong gì thêm. Có chăng là giờ ai tới học nghề thì mình hướng dẫn. Như vậy vui hơn”, ông Ràng tươi tắn nói.