Người thương binh nặng vượt lên gian khó

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã đi qua gần nửa thế kỷ, di chứng để lại là vô cùng lớn lao. Tuy vết thương vẫn còn hằn sâu trong cơ thể người thương binh, nhưng chúng ta vẫn bắt gặp những tấm gương không biết nản chí, vượt lên gian khó trong cuộc sống đời thường. Để rồi sự mất mát, hy sinh trân quý ấy lại trở thành mạch nguồn trao truyền cho các thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Thương binh Lê Bá Triệt bên người vợ của mình.

Thương binh Lê Bá Triệt bên người vợ của mình.

Chiến trường khốc liệt tại Quảng Trị những năm đánh Mỹ đã vĩnh viễn cướp đi 81% sức khỏe của người thương binh Lê Bá Triệt, hiện đang sinh sống tại thôn Thanh Xuân, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương. Có lúc tưởng chừng như cánh cửa cuộc đời của ông đã mãi mãi khép lại.

Ngồi trong ngôi nhà ấm cúng, mời khách những ly trà nóng, ông nghẹn ngào tâm sự: “Sau khi nhập ngũ ngày 1/5/1966 tại đơn vị C1, D1, E31, F341, QK4, được huấn luyện cấp tốc và hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Vào tới chiến trường, cảm nhận đầu tiên của người lính mới, cho tới tận bây giờ tôi không thể nào quên, đó chính là sự gian nguy, vất vả được đánh đổi bằng chính sự sống và cái chết, không có sự so sánh nào để nói hết sự khốc liệt của chiến tranh và nhất là mặt trận Quảng Trị.

Với quyết tâm sẵn sàng chiến đấu hy sinh đang độ tuổi đôi mươi, tôi đã cùng đồng đội vượt lên tất cả, trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu tại Gio Linh, Quảng Trị. Trải qua các trận đánh quyết liệt, sinh tử với quân thù, đến trận thứ 3 tôi không may bị thương nặng vào đùi bên phải, mất máu rất nhiều, toàn thân tê dại, tôi bất tỉnh vì đạn xuyên cắt đứt động mạch chủ. Được đồng đội sơ cứu và cáng đưa tôi về tuyến sau điều trị. Những lần phẫu thuật sau đó cũng là những ngày không kém phần nguy nan. Trong những ngày điều trị, tôi cũng biết mình bị nhiễm sâu chất độc màu da cam quái ác từ chiến trường, đây cũng là nguyên nhân làm cho vết thương tái phát, biến chứng, có lúc tưởng chừng không thể nào vượt qua nổi, dường như cái chết đang chực chờ tôi rất gần...

Nhiều ngày tháng sau đó được điều dưỡng tại Đoàn An dưỡng 580 (Hà Nam) và sau này chuyển về điều dưỡng tại Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tôi lại có được một duyên cơ “trời định”. Cô gái trẻ, nết na, duyên dáng Lê Thị Kim quê hương Thiệu Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, định kiến mang lòng yêu và sống cuộc đời hạnh phúc vợ chồng với tôi cho tới tận bây giờ. Cái nặng nghĩa ân tình còn nhiều hơn tình duyên “trời định”. Bà ấy đã dũng cảm vượt qua tất cả để lấy một anh thương binh nặng như tôi có thêm sức lực để sống tiếp những ngày còn lại. Tôi mang nợ cuộc đời và nợ chính người vợ thân yêu của mình..." - giọng ông trùng xuống, ánh mắt ngấn lệ. Dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông chưa thực hiện được mong muốn về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị...

Vợ chồng thương binh Lê Bá Triệt quây quần cùng các cháu.

Vợ chồng thương binh Lê Bá Triệt quây quần cùng các cháu.

“Thấm thoát đã gần 50 năm, chúng tôi đã tự nguyện đến với nhau và cùng nhau xây tổ ấm. Mái ấm gia đình dù có phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, lo cho sức khỏe của chồng và lo cuộc sống mưu sinh trong thời kỳ bao cấp, luôn có chồng tôi làm người bạn đồng hành nhiệt huyết để xây dựng cuộc sống hạnh phúc như hôm nay...

Với ông nhà tôi, dù là thương binh nặng nhưng chưa bao giờ kêu ca, chùn bước, nhất là mỗi khi “trái gió trở trời” vết thương tái phát, ông vẫn âm thầm nén chịu và làm mọi việc cho khuây khỏa để không khí gia đình thêm đầm ấm. Từ khi về quê, ông không quản ngại bất cứ một công việc gì, mọi công việc người bình thường làm được ông đều phấn đấu làm tròn trịa. Tuy vết thương tái phát, biến chứng nhiều lần, hiện tại ông còn bị ung thư thanh quản và đã phẫu thuật vào năm 2019, ông vẫn mong ước còn sống là còn lao động và tham gia công tác xã hội. Với mong muốn đóng góp một phần sức khỏe còn lại của bản thân mình để mang lại những điều có ích cho gia đình và xã hội...”, bà Lê Thị Kim - vợ ông Triệt tâm sự.

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quảng Chính cho biết thêm: Ông Lê Bá Triệt là một thương binh “tàn nhưng không phế”, luôn có ý chí, nghị lực phi thường để vươn lên chiến thắng thương tật, chăm lo xây dựng gia đình, thật sự là tấm gương sáng trong cộng đồng. Ở lĩnh vực nào ông Triệt cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sự cố gắng vươn lên, chiến thắng số phận của ông đã tiếp thêm động lực cho nhiều thương, bệnh binh khác và mọi người trong xã hội tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức lực lao động, góp phần xây dựng quê hương.

Chia tay ông Triệt cùng gia đình vào những ngày tỉnh Thanh Hóa cùng cả nước đang hướng nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7-1947-27/7/2024). Khâm phục trước nghị lực vươn lên của người thương binh nặng và chúc ông có thêm nhiều sức khỏe, không ngừng phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục đóng góp trí tuệ và sức lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng gia đình và quê hương giàu đẹp hơn và sớm thực hiện được mong muốn thăm lại chiến trường Quảng Trị vào một ngày không xa.

Lê Xuân Bính (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-thuong-nbsp-binh-nang-vuot-len-gian-kho-220535.htm