'Người thuyền trưởng' với các mô hình việc làm vì người khuyết tật
10 năm đảm nhận vai trò 'thủ lĩnh' của 741 hội viên người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân - Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) quận Thanh Xuân đã giúp đỡ nhiều phận đời kém may mắn, là lá cờ đầu trong công tác thi đua phát triển Hội, trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội NKT phủ kín cấp phường.
Kết nối cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Bắt đầu vai trò Chủ tịch Hội NKT quận Thanh Xuân từ 2011 đến nay, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân đã làm tốt công tác xã hội hóa để xây dựng Hội NKT phát triển toàn diện, góp phần nâng bước cho nhiều người khuyết tật Thủ đô.
Một ngày tháng 6, trong cái nắng gay gắt cuối chiều hè, chúng tôi tìm đến Trụ sở của Hội NKT Quận Thanh Xuân địa chỉ 134B phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Đó là một phòng làm việc rộng chưa đầy 10m2 nhưng ấn tượng với tôi chính là các Bằng khen, Cờ, Giấy khen được treo kín phòng làm việc.
Với giọng nói hào sảng và một trí nhớ hiếm thấy, bà kể rành mạch, rõ ràng các hoạt động của Hội, các dự án xã hội hóa cho NKT tại quận.
Vận dụng mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT dựa vào cộng đồng. Trong giai đoạn 2015 – 2017, dự án “Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho Người khuyết tật” do NKT Hàn Quốc tài trợ được Hội NKT quận Thanh Xuân phối hợp Hội NKT TP Hà Nội và Trung tâm dạy nghề quận Thanh Xuân triển khai mô hình “Dạy tin học”. Qua 3 năm triển khai với khóa học tổ chức 6 tháng cho 8 lớp học, 140 người khuyết tật quận Thanh Xuân đã hiện thực hóa cơ hội tìm kiếm việc làm. Sau khi tốt nghiệp đã có 29 NKT trẻ có việc làm bằng nghề tin học, chỉnh sửa ảnh, photoshop...
Kết thúc dự án được tài trợ, Hội NKT quận Thanh Xuân đề xuất với lãnh đạo quận Thanh Xuân cho thực hiện tiếp dự án từ nguồn ngân sách của địa phương. Với 3 lớp tin học văn phòng và tin học nâng cao, 58 học viên là cán bộ hội và người khuyết tật trí tuệ trẻ có thể sử dụng thành thạo tin học, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho NKT trí tuệ. Sau 5 năm triển khai mô hình “Dạy Tin học”, đã có 32 học viên là NKT trẻ có việc làm, thu nhập từ 2-3 triệu đến 7-8 triệu đồng/tháng.
“Trao cần câu chứ không cho con cá”
Với phương châm “trao cần câu chứ không cho con cá”, bà Thúy Ngân vận động nguồn lực chăm sóc giúp đỡ hội viên NKT với nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 12 tỉ đồng. Cụ thể, hỗ trợ sửa chữa và làm nhà mới với 55 nhà (từ 10 triệu, 20 triệu, 35 triệu, 45 triệu, 55 triệu, 70 triệu và 3 nhà 80 triệu đồng) mức kinh phí 1,5 tỉ đồng; Cho vay vốn 145 hộ gia đình người khuyết tật, tạo việc làm cho 195 người khuyết tật và người thân của người khuyết tật với kinh phí gần 4 tỉ đồng; Tặng máy tính bảng, laptop cho Trẻ khuyết tật đi học; Tặng cho hội viên Ngô Anh Dũng của Hội NKT phường Hạ Đình 1 xe Way Alpha mới để đi làm, có thu nhập hỗ trợ gia đình,...
Năm 2020 - 2021, Hội NKT quận Thanh Xuân thực hiện dự án “Tăng cường nhận thức về kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật thông qua các sáng kiến nghệ thuật”, do tổ chức NKT Phần Lan giúp đỡ. Kết quả, tiết mục múa Hầu đồng đã được Hội NKT TP Hà Nội lựa chọn đề cử tham gia Liên hoan nghệ thuật Quốc tế tại Ấn Độ. Các tiết mục Ảo thuật của 3 nghệ sĩ đặc biệt (Trẻ khiếm thính) đã được trình diễn ở nhiều nơi (trong đó có các trường ĐH, THCS, THPT) trên địa bàn quận Thanh Xuân và Hà Nội đã khiến người xem xúc động và cảm phục. Kịch tương tác với nội dung: “Người khuyết tật có quyền có việc làm phù hợp với sức khỏe và nhân phẩm được tôn trọng” đã đạt giải Ba cuộc thi do Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp - JIFF thuộc dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” tài trợ năm 2020.
Đặc biệt, với tài năng “dân vận khéo”, bà Thúy Ngân còn vận động được đông đảo đảng viên là thương, bệnh binh, vợ liệt sĩ và nhiều Thượng tá, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân trở thành hội viên tích cực, gương mẫu. Từ 43 hội viên đến nay Hội đã có 841 hội viên, góp phần đưa Thanh Xuân trở thành quận duy nhất của cả nước đã có tổ chức Hội NKT phủ kín cấp phường từ năm 2015 (11/11 Hội NKT cấp phường).
Khi được hỏi về “bí quyết” trở thành lá cờ đầu trong công tác thi đua phát triển Hội, “người thuyền trưởng” Nguyễn Thị Thúy Ngân cho biết: “Với tinh thần chủ động tích cực, kinh nghiệm tổ chức hoạt động, đến nay Hội đã có những giải pháp sáng kiến trong tổ chức bộ máy cán bộ Hội là tiếp cận sự chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể của Quận. Nâng cao hiệu lực công tác Hội; luôn đổi mới phương thức hoạt động, duy trì chặt chẽ công tác kiểm tra giám sát, thực hiện nghiêm túc các chế độ nguyên tắc, tài chính công khai, minh bạch. Các khoản thu chi đúng mục đích, tiết kiệm… Tạo sự tin tưởng của hội viên và các nhà tài trợ (nhất là trong việc tìm kiếm và thực hiện dự án của đối tác là các tổ chức Người khuyết tật nước ngoài)”
Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2021, từ nguồn ngân sách UBND quận hỗ trợ 73 triệu đồng, Hội quận và 11 Hội phường đã vận động tặng quà cho hội viên Tết Tân Sửu 2021 và Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4) là 953 suất quà với số tiền hơn 300 triệu đồng. Những việc làm trên đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các gia đình người khuyết tật, giúp NKT bớt đi mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Với thành tích trong công tác Hội, Hội NKT quận Thanh Xuân trở thành “mô hình điểm” của cả nước, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong “Xây dựng và phát triển Hội Người khuyết tật cấp phường và cac hoạt động hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2014-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Cá nhân bà Nguyễn Thị Thúy Ngân được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen năm 2020; danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” do UBND TP Hà Nội trao tặng.
Từ năm 2012 - 2020, Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân đã nhận được 51 Bằng khen, Giấy khen, Cờ Thi đua xuất sắc, Tập thể Lao động xuất sắc, Tập thể Lao động tiên tiến của Thủ tướng Chính phủ, các bộ - ngành Trung ương, của UBND và các sở - ngành, các hội của thành phố, Hội NKT Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân; nhiều hội viên đạt danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” do UBND TP Hà Nội trao tặng.