Người tiên phong trồng sen ở vùng đất trũng

Chịu khó, nhanh nhạy, sáng tạo trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Văn Bảy, ở đội 2, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất chiêm trũng. Từ vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả ban đầu, giờ đây mô hình này không chỉ phát huy được hiệu quả mà còn mang lại cho gia đình ông Bảy thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Bảy mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Bảy mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có mặt tại khu vực đầm sen của gia đình ông Bảy, những cây sen đang vào độ thu hoạch, nở rộ, khoe sắc trên cánh đồng thôn Bàn Mạch, làm thay đổi cảnh sắc của vùng quê bao đời trồng lúa và mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với những cây trồng truyền thống trước đây.

10 năm trước, khu vực này còn là vùng đất chiêm trũng, trồng lúa kém hiệu quả. Nhận thấy cây sen dễ trồng và phát triển tốt trên đất chiêm trũng, lại ít tốn công chăm sóc và chi phí cho việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi dưỡng...

Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng sen qua sách, báo, mạng internet và nghiên cứu thực tế từ các mô hình sản xuất ở một số địa phương lân cận, ông Nguyễn Văn Bảy đã mạnh dạn thay đổi tư duy, nhận thầu 3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả và đầu tư 100 triệu đồng để mua giống về trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản. Từ vùng đất chiêm trũng bỏ không, nơi đây đã biến thành cánh đồng sen rực rỡ sắc màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần trồng lúa.

Ông Bảy cho biết: “So với các loại cây trồng ở vùng đất trũng, cây sen cho thu nhập cao hơn hẳn. Bởi, thu hoạch sen không chỉ từ việc bán hạt sen, mà còn thu từ bán hoa sen, lá, thân cây, ngó sen. Trồng sen không lo vấn đề thời tiết vì mưa hay nắng đều thu hoạch được, thương lái bao tiêu hết đầu ra nên lợi nhuận thu về cao và ổn định”.

Từ đầu tháng 5 đến nay, gia đình ông bắt đầu huy động nhân công để thu hái những đài sen đang chín rộ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, mật độ cây sen mọc dày hơn và sinh trưởng tốt hơn so với năm trước, vì thế năng suất, sản lượng cũng tăng lên đáng kể.

Đó là chưa kể phần hoa sen, thân và lá cùng ngó sen đều được thương lái ký hợp đồng thu mua trước nên hằng ngày, gia đình ông thu hái đến đâu, bán hết đến đó. Nhờ sản phẩm có đầu ra ổn định, sau khi trừ hết chi phí, mô hình trồng sen mang lại cho gia đình ông Bảy thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình, ông Bảy dự định xây dựng thêm chòi ngắm cảnh, cầu tre và nhiều cảnh quan trang trí khác nhằm tăng thêm sự sinh động, tiến tới mở cửa đưa người dân vào thăm quan, trải nghiệm các hoạt động chăm sóc sen theo hình thức du lịch nông nghiệp trải nghiệm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bảy cho biết: “Tâm huyết với trồng sen không là chưa đủ mà còn phải tìm hướng đi vững chắc cho mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Khi đó, người trồng sen hoàn toàn có thể “sống khỏe”.

Đánh giá về triển vọng của mô hình trồng sen của gia đình ông Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân Trần Hùng Mạnh, cho biết: “Không chỉ mang lại hiệu quả, thu nhập cao hơn nhiều lần so với mô hình canh tác truyền thống, đây còn là mô hình được hỗ trợ theo cơ chế đặc thù trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn.

Chúng tôi khuyến khích bà con nhân dân địa phương học tập, nhân rộng mô hình trồng sen tại những diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc vùng chiêm trũng, canh tác lúa kém hiệu quả, nhằm đem lại thu nhập ổn định cho kinh tế hộ, đồng thời góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái ở vùng nông thôn cũng như trở thành điểm nhấn trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn”.

Bài, ảnh: Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/97031//nguoi-tien-phong-trong-sen-o-vung-dat-trung