Người tiêu dùng châu Á chốt lời khi giá vàng cao kỷ lục

Với giá vàng liên tiếp tăng lên các mức cao kỷ lục, tủ trưng bày của các cửa hàng trang sức khắp châu Á và Trung Đông trở nên kém sức hút khi người tiêu dùng nhanh chóng bán trang sức cũ và các đồng xu vàng để chốt lời.

Một cửa hàng vàng ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Một cửa hàng vàng ở thành phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Các nhà bán lẻ và chuyên gia trong ngành cho biết, nếu xu hướng bán vàng này tiếp tục thì sẽ dẫn đến lượng nhập khẩu vào các thị trường lớn giảm, có khả năng kìm hãm đà tăng giá vàng.

Giá vàng giao ngay lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 đô la Mỹ/ounce vào ngày 14-3 và tiếp tục tăng vào tuần trước. Tính đến 9 giờ 30 sáng nay (28-3), theo giờ châu Á, giá vàng giao ngay tăng lên mức cao kỷ lục mới 3.076 đô la/ ounce, nâng mức tăng từ đầu năm lên hơn 17% nhờ sự kết hợp của tình hình bất ổn chính trị và tài chính.

Giá vàng đang được hỗ trợ nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn sau khi Tổng thống Donald Trump ký lệnh áp thuế ô tô 25% có hiệu lực vào ngày 2-4 tới. Đợt tăng giá đáng kinh ngạc của kim loại quí này diễn ra sau mức tăng gần 30% trong năm 2024.

Điều này thúc đẩy nhiều người dân ở Ấn Độ bán vàng. Nhà kinh doanh hàng dệt may Unmesh Patel cho biết, ông kiếm được lợi nhuận hơn 25% khi bán bốn đồng xu vàng nặng 10 gram mua cách đây chưa đầy 7 tháng sau khi chính phủ Ấn Độ cắt giảm thuế nhập khẩu vàng.

“Tôi quyết định bán, chứ không chờ giá tăng cao hơn nữa”, ông nói.

Người tiêu dùng ở châu Á đang chuyển sang mua đồ trang sức rẻ hơn hoặc bán vàng hiện có hoặc sử dụng vàng làm tài sản vay thế chấp thay vì mua vàng mới.

Brian Lan, CEO của GoldSilver Central cho biết, 5 cửa hàng mới mở ở khu phố Tàu thuộc khu vực trung tâm của Singapore bán các món trang sức bạc mạ vàng.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số khách hàng về nhà và tìm lại những món đồ trang sức mà họ không đeo hoặc bị hỏng để đem bán”, ông nói.

Những xu hướng này làm nổi bật sự cân bằng tinh tế giữa vai trò của vàng như một mặt hàng văn hóa truyền thống và giá trị của kim loại này như một tài sản tài chính.

Tại Ấn Độ, giá vàng trong nước đã tăng hơn 32 % kể từ khi chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu vào tháng 7 năm ngoái, lên mức cao kỷ lục là 89.796 rupee (1.077 đô la) / 10g vào ngày 24-3.

“Nếu giá duy trì ở mức cao như thế này trong suốt phần còn lại của năm nay, nhu cầu vàng tổng thể của Ấn Độ có thể giảm hơn 30%”, Prithviraj Kothari, Chủ tịch Hiệp hội vàng bạc và trang sức Ấn Độ nhận định và cho biết thêm. người mua vàng gặp khó khăn để bắt kịp mức giá tăng vọt và ngân sách của họ cũng có hạn.

Mặc dù mùa cưới ở Ấn Độ đang vào cao điểm nhưng lượng khách hàng ghé đến các cửa hàng trang sức chỉ bằng chưa đến một nửa so với bình thường.

Ngay cả những người đang mua vàng, chẳng hạn như cô dâu sắp cưới Vaishnavi M. ở bang Kerala, phía nam Ấn Độ cũng quyết định đổi đồ trang sức cũ lấy trang sức mới để giảm bớt chi phí.

“Giá vàng cao đến nỗi có thể ảnh hưởng hoàn toàn đến ngân sách đám cưới của tôi. Tôi dự định đổi một số đồ trang sức cũ của mẹ tôi”, Vaishnavi M. nói.

Các thị trường lớn khác ở châu Á cũng chứng kiến nhu cầu trang sức vàng giảm mạnh, với lượng người bán nhiều hơn người mua.

Tại Trung Quốc, hoạt động mua sắm bán vàng trang sức vẫn ảm đạm. Peter Fung, giám đốc kinh doanh của Wing Fung Precious Metals, cho biết, với việc các thợ kim hoàn tính thêm phí cho sản phẩm thủ công, nhiều người dân Trung Quốc chỉ muốn mua vàng xu và vàng miếng.

Theo một nhà kinh doanh vàng miếng có trụ sở tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các trung tâm trang sức ở Trung Đông cũng đang chứng kiến nhu cầu suy giảm tương tự.

“Nhiều du khách Ấn Độ thường mua sắm vàng ở Dubai để tránh thuế nhập khẩu, nhưng giờ đây, ngay cả họ cũng ngại mua”, người này nói.

Theo Andrew Naylor, người đứng đầu bộ phận thị trường Trung Đông và chính sách công của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), thị trường trang sức chiếm khoảng 60% nhu cầu vàng của UAE và khi giá cao, người tiêu dùng sẽ mua các món trang sức có trọng lượng nhẹ hơn.

“Tuy nhiên, dữ liệu của chúng tôi cho thấy, giá trị đồ trang sức mua ở UEA năm ngoái tăng dù trọng thấp hơn”, Naylor nói.

Các nhà phân tích dự báo, trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu trang sức ở châu Á vẫn ảm đạm, dù nhu cầu đầu tư vàng miếng có khả năng vẫn mạnh. Điều này có thể khiến các thị trường lớn như Ấn Độ và Trung Quốc giảm nhập khẩu vàng.

Ấn Độ đáp ứng phần lớn nhu cầu vàng thông qua nhập khẩu, trong khi Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất, cũng đáp ứng 2/3 nhu cầu thông qua nhập khẩu.

Dữ liệu của Cơ quan thống kê Hong Kong công bố hôm 25-3 cho thấy, lượng nhập khẩu ròng vàng của Trung Quốc thông qua Hong Kong trong tháng 2 giảm 48% so với tháng 1, xuống còn 39,82 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 11-2024.

Thụy Sĩ, trung tâm tinh luyện và trung chuyển vàng thỏi lớn nhất thế giới xuất khẩu 54,6 tấng vàng sang Trung Quốc trong tháng 2, giảm so với mức 77,8 tấn trong tháng 1.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nguoi-tieu-dung-chau-a-chot-loi-khi-gia-vang-cao-ky-luc/