Các nhịp điều chỉnh của VN-Index do biến động tỷ giá không quá mạnh

Trong bối cảnh chỉ số USD-Index mạnh lên, Ngân hàng Nhà nước gần đây liên tục nâng tỷ giá trung tâm của VND so với USD, tăng khoảng 2% so với đầu năm 2025.

Tỷ giá tăng thường tạo áp lực điều chỉnh lên VN-Index

Tỷ giá tăng thường tạo áp lực điều chỉnh lên VN-Index

Kẻ cười, người khóc

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi tỷ giá leo thang, riêng trong quý I/2025 phải trích lập dự phòng tỷ giá hơn 200 tỷ đồng. Bởi lẽ, nguyên liệu của Hòa Phát chủ yếu phải nhập khẩu, trong khi tiêu thụ chính tại thị trường nội địa nên doanh nghiệp phải duy trì tỷ trọng nợ vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay.

Thực tế cho thấy, tỷ giá tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu do chi phí đầu vào tăng, làm tăng chi phí sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến biên lợi nhuận, nhất là doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu với tỷ trọng lớn hơn xuất khẩu, hoặc doanh nghiệp có nợ vay lớn bằng USD.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank đánh giá, chịu tác động tiêu cực từ diễn biến tỷ giá tăng có thể kể đến nhóm điện, hàng không, vì thường có dư nợ ngoại tệ lớn. Với Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã NT2), đây là doanh nghiệp có giá khí đầu vào tính theo USD nên tỷ giá tăng làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác. Nhóm doanh nghiệp phân bón cũng chịu tác động đáng kể như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (mã DPM), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM), do nhập nguyên liệu tính bằng USD nhưng doanh thu xuất khẩu có tỷ trọng thấp.

Ngược lại, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ có thể hưởng lợi nhờ lãi chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại, các cổ phiếu xuất khẩu vẫn đang chịu nhiều sức ép bởi chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nhiều thị trường lớn của Việt Nam nên sẽ khó có diễn biến tích cực và thu hút dòng tiền.

Lãnh đạo một doanh nghiệp phân bón niêm yết chia sẻ, doanh nghiệp đang bám sát diễn biến tỷ giá để lựa chọn thị trường nhập khẩu cũng như chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần phụ thuộc vào đồng USD, đồng thời sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu tác động bất thường đến lợi nhuận.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank, diễn biến tỷ giá đang được các doanh nghiệp theo dõi sát sao. Tỷ giá tăng nóng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn trên thị trường và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tùy thuộc vào ngành nghề và doanh nghiệp cụ thể.

Tuy nhiên, thử thách với nhóm doanh nghiệp này lại là cơ hội đối với nhóm doanh nghiệp khác như các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cụ thể, tỷ giá ở mức cao giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn tại các thị trường như Mỹ và châu Âu, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng doanh thu. Các nhóm ngành dự kiến hưởng lợi gồm thủy sản (VHC, ANV, IDI, FMC, MPC, CMX…), dệt may (TNG, TCM, STK…), hóa chất (DGC), săm lốp (DRC, CSM), dầu khí (PVS, PVT), nguyên vật liệu (PTB, VCS, VGC), tôn mạ (NKG, HSG)…

Năm 2025, Chính phủ hướng đến mục tiêu kinh tế tăng trưởng 8%, một mức tăng trưởng đầy tham vọng, đòi hỏi môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Với định hướng này, khả năng nâng lãi suất trong thời gian tới là khá thấp, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc áp lực tỷ giá sẽ gia tăng khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được duy trì. Do đó, kịch bản cơ sở là tỷ giá USD/VND sẽ tăng trong phạm vi kiểm soát, nhằm cân bằng giữa chính sách tiền tệ nới lỏng và mục tiêu ổn định vĩ mô.

Tác động đến VN-Index

Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn trên thị trường và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu, điện, hàng không, phân bón...

Áp lực tỷ giá được các chuyên gia nhìn nhận vẫn còn hiện hữu trong bối cảnh Tổng thống Mỹ liên tục đưa ra các chính sách thuế quan gây lo ngại về rủi ro lạm phát và ảnh hưởng tới tiến trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần qua, sau khi dữ liệu tại Mỹ cho thấy hoạt động kinh doanh ổn định, cùng với bản báo cáo rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ linh hoạt với các mức thuế quan sắp tới.

Trước diễn biến mạnh lên của USD, Ngân hàng Nhà nước gần đây liên tục nâng tỷ giá trung tâm của VND so với USD, ngày 28/3/2025 là 24.846 VND/USD, tăng khoảng 2% so với đầu năm nay.

Với biên độ 5% hiện tại, tỷ giá trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là 26.088 đồng/USD, tỷ giá sàn là 23.604 đồng/USD. Ngày 28/3/2025, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank là 25.390 - 25.780, tại VietinBank là 25.115 - 25.425, tại BIDV là 25.400 - 25.760.

Khi đồng USD mạnh lên, dòng vốn toàn cầu thường có xu hướng quay lại các tài sản bằng USD, khiến các thị trường mới nổi đối mặt với nguy cơ bị rút vốn đầu tư gián tiếp. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong 2 năm qua, khối ngoại có xu hướng bán ròng, góp phần tạo nên các đợt điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index. Ngoài ra, tâm lý phòng thủ trước rủi ro toàn cầu khiến nhà đầu tư nội e dè hơn, nhất là khi chứng kiến những biến động khó lường trên thị trường tài chính quốc tế.

Diễn biến thị trường trong những năm gần đây cho thấy, có mối tương quan giữa tỷ giá USD/VND tăng và các đợt điều chỉnh của VN-Index, dù không phải lúc nào cũng rõ ràng và trực tiếp. Tỷ giá tăng thường tạo áp lực lên thị trường chứng khoán. Điều này có thể giải thích bởi một số lý do như sức hấp dẫn của tài sản Việt Nam giảm khi VND mất giá, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán để đầu tư vào các tài sản bằng USD hoặc các đồng tiền mạnh khác. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng làm tăng chi phí đối với các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu và tạo áp lực lên lạm phát. Ngoài ra, nhằm giảm áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước thường phát hành tín phiếu qua kênh thị trường mở để hút bớt tiền trong lưu thông, ảnh hưởng đến thanh khoản chung.

Theo thống kê, kể từ năm 2019 đến nay, các nhịp điều chỉnh của VN-Index do biến động tỷ giá không quá mạnh, nhiều nhất là chỉ số chung điều chỉnh trong biên độ 7 - 9% từ đỉnh ngắn hạn gần nhất.

Hoàng Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-nhip-dieu-chinh-cua-vn-index-do-bien-dong-ty-gia-khong-qua-manh-post366409.html