Người tiêu dùng chưa yên với những hành vi xâm phạm quyền lợi mới

Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong gần 8 năm thực thi (từ tháng 7/2011), Luật năm 2010 và các văn bản hướng dẫn đã góp phần đạt được một số kết quả nổi bật. Hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương đã giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng; tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm khuyết tật, bảo hành và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng tới Bộ tăng từ 26 vụ trong năm 2011 lên 263 vụ vào năm 2012; 450 vụ vào năm 2013 và duy trì trung bình gần 1.500 vụ trong giai đoạn 2014-2018. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc tại Bộ trung bình năm là trên 90%.

Tại các Sở Công Thương, số lượng vụ việc khiếu nại được tiếp nhận gia tăng rõ nét, cụ thể, từ số lượng khiếu nại trung bình 100 vụ việc mỗi năm trong 2011-2012 đã tăng lên hơn 500 vụ việc trong giai đoạn 2015-2018. Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc là 85%.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ rõ những bất cập phát sinh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ rõ những bất cập phát sinh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, số vụ khiếu nại đến các Hội tăng nhanh, năm 2015 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011, năm 2012. Đặc biệt, trong năm 2015, lần đầu tiên, với sự tham gia hỗ trợ của Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bến Tre, hơn 190 người tiêu dùng đã thắng kiện tại phiên xét xử phúc thẩm trong vụ 190 người bị ngộ độc bánh mỳ kẹp thịt ở Bến Tre.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đánh giá, trong gần 8 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng. Các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm khuyết tật, bảo hành và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

“Đặc biệt, với vị trí là đối tượng điều chỉnh trực tiếp của hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhận thức và hành động của doanh nghiệp tại Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện tính chủ động và hiệu quả”, ông Tân chỉ rõ.

Phát sinh nhiều bất cập

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những năm qua đã giúp người tiêu dùng giải quyết đơn khiếu nại thành công trên 80%, nhưng thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn phổ biến ở nhiều cấp độ và ngày càng diễn biến phức tạp. Cơ chế, biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đủ mạnh, bao quát, kịp thời, làm chỗ dựa tin cậy cho người tiêu dùng đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chỉ rõ, sau gần 8 năm thực thi đã xuất hiện nhiều vấn để bất cập trong chính các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn.

“Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Một số quy định trong Luật chưa rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp do sự xuất hiện của các chủ thể mới hoặc dạng hành vi mới”, ông Tuấn cho biết.

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn hiện hành, đáp ứng được các yêu cầu khách quan về tăng cường, đẩy mạnh hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn phát triển tiếp theo thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là rất cần thiết.

Cụ thể, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đảm bảo theo hướng khắc phục các bất cập, hạn chế và kế thừa các quy định còn giá trị; tiếp thu có chọn lọc, bắt kịp thông lệ quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của các văn bản pháp luật.

Ông Kiều Dương, phụ trách Vụ Chính sách - Pháp chế (Tổng cục Quản lý thị trường) đề nghị, khi quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng và nhiều vụ việc còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thì việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là hết sức cần thiết, tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tăng khả năng cạnh tranh quốc gia

Trong đó, cần xây dựng cơ chế quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương, trong đó xác định rõ vai trò đầu mối điều tiết theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, hiệp hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật cần kịp thời hơn trong việc tiếp cận khiếu nại của người tiêu dùng./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-tieu-dung-chua-yen-voi-nhung-hanh-vi-xam-pham-quyen-loi-moi-921145.vov