'Người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam'
Điều tra của VCCI cho thấy năm 2023, có 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với 12,4% của năm 2010.
Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam đã bài bản, hiệu quả hơn. Vì vậy, người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại “Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' do Bộ Chính trị phát động,” được tổ chức sáng 12/11, tại Hà Nội.
Vun đắp nguồn nội lực
Theo đại diện Bộ Công Thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của Cuộc vận động là "phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài."
Bám sát chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ Cuộc vận động, trong đó tập trung vào 5 nội dung trọng tâm.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tập trung tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện Cuộc vận động; Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu, đưa ra những quyết sách đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Những đề án, chương trình, chiến lược như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”; Chương trình; Xúc tiến thương mại Quốc gia; Khuyến công quốc gia…
Đặc biệt, Bộ Công Thương xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, vật liệu mới nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại. Hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường. Hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam.
Là thương hiệu 9 lần đạt Thương hiệu Quốc gia, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết yếu tố chất lượng sản phẩm-dịch vụ phục vụ khách hàng-đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm là yếu tố hàng đầu quyết định cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
“Với 30% thị phần trong nước và 70% xuất khẩu, đến nay, ngoài thị trường nội địa, sản phẩm của DRC đã cung cấp tới gần 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU, Nam Mỹ,” ông Nhựt thông tin.
Trong những năm gần đây việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử được triển khai bài bản quy mô. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thông tin tuyên truyền ngày càng hiệu quả.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ hoàn cảnh hết sức khó khăn, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay.
Đáng chú ý, tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Từng bước hình thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các phân ngành công nghiệp.
Nhiều chuỗi cung ứng trong nước được hình thành, đơn cử như chuỗi cung ứng điện năng, khí LNG, điện tử, thép, dệt may-thời trang, da giày, đồ gỗ… Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI.
Điều tra của VCCI cho thấy năm 2023, có 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với 12,4% của năm 2010. Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao. Đứng vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021.
Với ngành công thương, cuộc vận động không chỉ góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng, không chỉ nâng đỡ nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, khẳng định vị trí của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, mà còn từng bước hình thành bộ máy, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực, đưa thị trường trong nước trở thành một trong những động lực trọng yếu tăng trưởng, trở thành tuyến phòng ngự vững chắc của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi thị trường thế giới có biến động, nguồn cung bị gián đoạn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Thông qua cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu," ông Diên nói.
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhận định, 15 năm qua, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều đổi mới trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng Cuộc vận động trong các đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty trong ngành và đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời, đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp trên cả nước và tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt đến ngày hôm nay.
“Cần hoàn thiện hơn nữa các cơ chế pháp lý, chính sách quản lý để tạo môi trường thông thoáng, sản xuất, kinh doanh công bằng và lành mạnh; vừa bảo đảm những quy định của các Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương mà Việt Nam đã và đang tham gia để hàng hóa, dịch vụ ngày càng được lan tỏa đến tận tay người tiêu dùng, cũng như đến bạn bè các nước trên thế giới,” bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả quan trọng mà ngành công thương đã đạt được trong quá trình triển khai Cuộc vận động, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Điểm nhấn nổi bật là nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam,” “Tinh hoa hàng Việt Nam;” trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia Phong trào này.
Hơn nữa, duy trì và tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước (hàng Việt Nam hiện chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại); doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.
"Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá; phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng," Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý thêm./.