Người tiêu dùng hoang mang với bánh trung thu '3 không' | Hà Nội tin mỗi chiều

Bên cạnh những mặt hàng truyền thống có nguồn gốc rõ ràng, nhiều loại bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán công khai, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cứ đến hẹn lại lên, bắt đầu từ trung tuần tháng 8, bánh trung thu lại được tung ra thị trường, trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử, cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh. Các sản phẩm bánh trung thu năm nay đa dạng hương vị, màu sắc và giá cả. Đáng lo ngại, nhiều loại bánh trung thu được bày bán dưới dạng "3 không": không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng; giá bán dao động từ 15.000 - 250.000 đồng/bánh tùy loại.

Nhiều sạp bán hàng còn giới thiệu các loại bánh có nhân đặc biệt cao cấp như bánh nhân bào ngư, cá hồi, gà quay với giá từ 450.000 đồng đến cả triệu đồng/hộp tùy loại. Trong đó, các loại bánh trung thu, được quảng cáo là trứng chảy hàng nội địa Trung Quốc và bánh nhà làm bán được nhiều hơn so với các loại bánh có thương hiệu vì giá cả phải chăng, nhiều vị, phù hợp với túi tiền số đông.

Để thu hút người mua, người bán hàng còn cam kết là bánh tự làm, không chất bảo quản, không phụ gia, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được làm từ nguyên liệu cao cấp, quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thế nhưng đa phần các loại bánh được bày bán tại Việt Nam lại không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Lực lượng chức năng của Hà Nội đã thu giữ hàng chục ngàn bánh trung thu trứng chảy mang nhãn mác Trung Quốc không giấy tờ chứng minh nguồn gốc mỗi mùa Trung thu.

Nhiều loại bánh trung thu được bày bán dưới dạng 3 không - không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng. Ảnh: Báo Lao động.

Nhiều loại bánh trung thu được bày bán dưới dạng 3 không - không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng. Ảnh: Báo Lao động.

Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, năm nay lực lượng QLTT Hà Nội đặc biệt chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại các làng nghề truyền thống ở Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn có sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Chỉ trong thời gian ngắn, Cục QLTT thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy gần 5.000 chiếc bánh trung thu nhập lậu.

Tương tự, Đội QLTT số 11 cũng phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra địa điểm kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ số 47 ngõ 10 đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội. Đoàn kiểm tra phát hiện 1.408 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ngày 20/8/2024, Đội QLTT số 5 phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ - Công an quận Hai Bà Trưng tiến hành kiểm tra 26 thùng carton chứa bánh trung thu tại địa chỉ số 338 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Lô hàng thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Trưởng, sinh năm 1992. Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 5 đã thu giữ tổng cộng 2.496 chiếc bánh trung thu, chủ hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: LĐTĐ

Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ bánh trung thu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: LĐTĐ

Liên quan đến vấn đề bánh trung thu nhập lậu và các hành vi vi phạm trong nguyên liệu làm bánh trung thu, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho hay, cũng giống như mọi năm, vẫn còn các cơ sở sản xuất thủ công thường sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, dẫn đến các sản phẩm được sản xuất không đảm bảo chất lượng.

Đáng lo ngại, nhiều năm nay xuất hiện bánh trung thu trứng chảy, bánh trung thu nhập từ nước ngoài, trong khi các nguyên liệu được nhập khẩu rất khó kiểm soát. Chưa kể, các sản phẩm này hiện chưa được công bố về chất lượng cũng như chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định xem có phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?

Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm tại một hay nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, kinh đoanh có thể gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính, như đau bụng, tiêu chảy, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người ăn. Nguy hiểm hơn, nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây nên những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Cục QLTT Hà Nội khuyến cáo: khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu, người tiêu dùng nên chọn mua tại các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm. Bánh phải có nguồn gốc rõ ràng; có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Người tiêu dùng không nên ham rẻ lựa chọn mua những loại bánh trôi nổi, bánh nhập lậu, không có nguồn gốc rõ ràng, hết hạn sử dụng.

Thanh Duyên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nguoi-tieu-dung-hoang-mang-voi-banh-trung-thu-3-khong-ha-noi-tin-moi-chieu-263408.htm