Người tiêu dùng không nên lo lắng về nguồn cung xăng, dầu

Trên địa bàn tỉnh nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung những ngày gần đây xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu của Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên (Petrolimex) vẫn bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng

Thực trạng trên đòi hỏi, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quản lý cùng vào cuộc và có biện pháp điều tiết, bảo đảm ổn định thị trường. Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh những ngày đầu tháng 11 cho thấy, bên cạnh các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối của Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên (Petrolimex) và Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) vẫn duy trì hoạt động bình thường, có không ít cửa hàng xăng, dầu tư nhân đóng cửa, dừng hoạt động. Cụ thể, ngày 13.11, cửa hàng xăng, dầu Miền Bắc (xã Minh Tân, Phù Cừ) đóng cửa, treo biển không bán xăng, quý khách thông cảm. Người dân nơi đây cho biết, cây xăng này đóng cửa đã được mấy hôm nay, khiến nhiều xe đi đến đó hết xăng, rẽ vào mua không được. Không riêng cửa hàng xăng, dầu Miền Bắc, theo phản ánh của người dân, một số cửa hàng xăng, dầu bán lẻ ở các huyện Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang, Ân Thi... cũng đóng cửa, nghỉ bán, hoặc bán cầm chừng. Một số cửa hàng tuy không treo biển song khi khách hàng đến mua xăng, nhân viên thông báo chỉ bán ở hạn mức 30 nghìn đồng/xe máy và 300 nghìn đồng/ô tô. Nhiều cửa hàng bán lẻ cũng hạn chế giao dịch đối với mặt hàng dầu diezen.

Tình trạng đóng cửa, treo biển hết xăng hoặc bán hạn chế diễn ra rải rác từ cuối tháng 10, và đỉnh điểm nhất trong 2 ngày 10 và 11.11, trước thời điểm Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng, dầu. Ông Nguyễn Văn Đức, chủ cửa hàng bán lẻ xăng, dầu Hồng Đức (xã Việt Hòa, Khoái Châu) cho biết, các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu đang đối diện rất nhiều khó khăn do mức chiết khấu thấp. Thời gian vừa qua, giá xăng, dầu thế giới tăng cao hơn so với giá xăng, dầu trong nước nên một số cửa hàng đang phải mua ở mức cao, bán ở mức thấp nên không có đủ nguồn lực cung cấp nhu cầu lớn. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng, dầu bán ra, chiết khấu bằng 0 đồng nhưng lại cộng thêm các khoản chi phí vận chuyển, tồn hao xăng, dầu,... dẫn tới tình trạng đầu vào cao hơn đầu ra, khiến doanh nghiệp càng bán càng lỗ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng đóng cửa, treo biển hết xăng hoặc bán xăng, dầu theo hạn mức chỉ xảy ra ở một số cửa hàng, doanh nghiệp nhượng quyền thương mại tư nhân. Tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu có quy mô lớn, như Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên; Công ty cổ phần xăng dầu Dầu khí Thái Bình... việc cung ứng vẫn đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng chí Trần Tấn Đại, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên cho biết: Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên là đơn vị đầu mối lớn nhất, chiếm gần 50% thị phần xăng, dầu toàn tỉnh. Toàn chi nhánh hiện có hơn 30 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trải đều trên khắp các địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Những ngày qua, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ của chi nhánh tăng 100 – 150% so với những ngày trước đó. Vì vậy, áp lực vận chuyển xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ tăng cao. Chi nhánh phải huy động 100% phương tiện vận chuyển xăng, dầu cho các cửa hàng. Thời gian qua, mặc dù tình hình xăng, dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động song Chi nhánh xăng dầu Hưng Yên luôn nỗ lực điều tiết, cung ứng xăng, dầu cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Người tiêu dùng có thể yên tâm, không nên lo lắng, không nên mua dự trữ xăng, dầu, gây mất an toàn cháy, nổ, làm xáo trộn thị trường xăng, dầu.
Hiện nay, toàn tỉnh có 4 đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu với 195 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Sản lượng xăng, dầu tiêu thụ bình quân một tháng toàn tỉnh đạt trên 24 triệu lít. Để ổn định hoạt động kinh doanh xăng, dầu, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn hàng bảo đảm cung ứng đủ số lượng, cơ cấu chủng loại xăng, dầu theo hợp đồng đã ký kết với các đại lý để việc bán hàng không bị gián đoạn, ổn định thị trường, giá cả, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Sở đã làm việc với các đơn vị đầu mối, các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đồng thời giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc bảo đảm thời gian bán hàng đã đăng ký, thực hiện niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết; yêu cầu chỉ ngừng bán hàng khi bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật. Mọi trường hợp ngừng bán hàng không có lý do chính đáng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Trần Tùng Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hưng Yên cho biết, Cục Quản lý thị trường Hưng Yên chỉ đạo các đội quản lý thị trường thường xuyên nắm bắt thông tin và kiểm tra, giám sát việc kinh doanh của các cửa hàng; kiểm tra hoạt động niêm yết giá, thời gian đăng ký bán hàng,... nhằm duy trì hoạt động và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nếu phát hiện cơ sở nào có hành vi đầu cơ, “găm” hàng và các hành vi vi phạm khác, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cục Quản lý thị trường Hưng Yên đã thành lập đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin phản ánh về tình hình vi phạm của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn.

Minh Huấn

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202211/nguoi-tieu-dung-khong-nen-lo-lang-ve-nguon-cung-xang-dau-1c820ef/