Người tiêu dùng xứ Trung hoang mang vì vào cửa hiệu chính hãng vẫn mua phải hàng fake

Khách hàng thường tâm niệm rằng, họ sẽ hoàn toàn an tâm khi mua hàng hiệu từ một cửa hàng chính hãng, nhưng sự thật lại không phải thế. Mới đây, Louis Vuitton (thương hiệu cao cấp của Pháp) đang phải đối mặt với cáo buộc bán túi fake (giả) cho khách hàng ở Trung Quốc.

Trung tâm mua sắm Changsha IFS vẫn có hàng fake trà trộn vào.

Trung tâm mua sắm Changsha IFS vẫn có hàng fake trà trộn vào.

Bồi thường gấp 3 lần vì bán hàng giả

Uy tín của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton vừa bị ảnh hưởng ít nhiều sau khi vướng phải cáo buộc rằng một trong những cửa hàng của họ ở Trung Quốc đã bán một chiếc túi giả cho khách hàng. Vụ việc diễn ra từ đầu năm nay nhưng gần đây mới được tiết lộ. Cụ thể, theo tin từ tạp chí thời trang Women’s Wear Daily, vào đầu năm nay, tòa án địa phương tại Phù Dung (tỉnh Hồ Nam) đã ra phán quyết sơ thẩm yêu cầu Louis Vuitton phải hoàn trả 3.350 USD và bồi thường gấp 3 lần giá trị sản phẩm cho khách hàng.

Vị khách này mua một chiếc túi Vaugirard cùng một phụ kiện nhỏ vào tháng 9 năm ngoái với giá 22.350 nhân dân tệ (tương đương 3.350 USD) tại cửa hàng nằm ở trung tâm mua sắm Changsha IFS. Sau đó, chiếc túi được một bên thứ ba xác nhận là hàng fake. Ngoài việc trả lại số tiền mà khách hàng đã trả cho sản phẩm, Louis Vuitton còn bị tòa án yêu cầu bồi thường số tiền 10.050 USD - gấp ba lần giá trị của chiếc túi.

Tờ Beijing News Shell Finance cho biết mức bồi thường gấp 3 lần áp dụng cho trường hợp công ty, cửa hàng lừa dối về hàng hóa hoặc dịch vụ. Theo khoản đầu tiên Điều 55 Luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích Người tiêu dùng của Trung Quốc, nếu đơn vị kinh doanh có hành vi gian dối trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ sẽ bị tăng mức bồi thường theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Sau phán quyết của tòa án, đại diện trung tâm mua sắm Changsha IFS cho biết công ty coi trọng sức ảnh hưởng của sự việc. Đồng thời, Changsha IFS sẽ thành lập đội điều tra và kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong một tuyên bố gửi đến các phương tiện truyền thông địa phương, Louis Vuitton cho biết họ đã kháng cáo quyết định của tòa án. Hãng xác nhận rằng mình đã giải quyết sự việc với khách hàng và tôn trọng tòa án nhưng phủ nhận việc bán bất cứ sản phẩm fake nào thông qua mạng lưới bán lẻ của mình.

Về phần mình, tòa án cho biết Louis Vuitton đã không đưa ra bằng chứng chứng minh khách hàng là người muốn trục lợi từ việc tố cáo hãng bán hàng fake. Trong khi đó, vị khách này đã trình đầy đủ hóa đơn thanh toán - thứ có thể khẳng định rằng chiếc túi được mua từ cửa hàng tại Changsha IFS.

Túi Vaugirard giả được bán cho khách hàng.

Túi Vaugirard giả được bán cho khách hàng.

Một chuyên gia pháp lý nói với báo chí địa phương rằng Louis Vuitton có nghĩa vụ chứng minh họ đã giao sản phẩm chính hãng cho người tiêu dùng. Đồng thời, cửa hàng cũng có thể cung cấp bằng chứng về việc bán hàng thật, chẳng hạn như cảnh quay từ camera. Nếu Louis Vuitton không thể thực hiện điều này, đương nhiên họ chịu rủi ro thua kiện.

Vị chuyên gia cho biết thêm rằng nếu thương hiệu của Pháp không hài lòng với bản án sơ thẩm thì có thể kháng cáo. Trong trường hợp Louis Vuitton vẫn không hài lòng với phán quyết của phiên tòa thứ hai, thương hiệu này vẫn có thể tiếp tục kháng cáo. Chuyên gia pháp lý cho rằng Louis Vuitton nên có danh sách xuất nhập kho rõ ràng và quy trình quản lý chặt chẽ đối với hàng hóa.

Tại sao cửa hàng chính hãng lại có túi giả?

Tuy Louis Vuitton được cho là đã giải quyết vấn đề với khách hàng nhưng hãng vẫn khẳng định rằng họ chưa bao giờ bán bất cứ thứ gì ngoài hàng thật tại tất cả các cửa hàng của họ. Vì thế, việc Louis Vuitton bị cáo buộc bán túi fake đã trở thành chủ đề thịnh hành trên các mạng xã hội của Trung Quốc trong thời gian qua và câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: “Làm thế nào mà một chiếc túi Louis Vuitton giả lại được trưng bày trong một cửa hàng Louis Vuitton chính hãng?”.

Có rất nhiều đồn đoán trên mạng xã hội Trung Quốc về những tình huống có thể xảy ra trong hoàn cảnh này. Một số người cho rằng nhân viên cửa hàng đã bị lừa bởi một chiếc túi giả “siêu cấp”. Chiếc túi giả được làm theo tiêu chuẩn cao đến mức nó gần như hoàn toàn giống với hàng thật. Một khách hàng nào đó đã mua chiếc túi xách Vaugirard thật nhưng trả lại một chiếc túi giả để “thử” cửa hàng nhưng nhân viên không nhận ra rằng đó là hàng giả nên vị khách hàng mua chiếc túi sau này đã bị thiệt hại.

Một số người khác lại nghi ngờ rằng khi khách hàng bị hại mang chiếc túi đến người xác thực, có khả năng là người này đã hoán đổi chiếc túi và đang cố gắng tống tiền Louis Vuitton. Một số người cho rằng rất có khả năng chính vị khách mới là người đã tráo một chiếc túi fake rồi sau đó cáo buộc Louis Vuitton bán hàng fake.

Một mối nghi ngờ khác đang được tranh cãi đó là nhân viên của cửa hàng Louis Vuitton ở trung tâm mua sắm Changsha IFS, Trung Quốc đã làm điều đó để trục lợi. Thông tin này có vẻ kỳ quặc nhưng nếu đúng như vậy, đây không phải lần đầu tiên Louis Vuitton gặp phải tình trạng này ở Trung Quốc.

Năm 2020, hãng đã phát hiện ra một vụ hàng fake liên quan đến một nhân viên bán hàng tại cửa hàng Louis Vuitton Quảng Châu. Thời điểm đó, người này đã bán những chiếc túi còn chưa ra mắt cho các nhà sản xuất hàng giả với giá cao để hàng fake có thể được tung ra cùng thời điểm với hàng thật (hoặc thậm chí sớm hơn).

“Một vài năm trước, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng đồ hiệu ở Quảng Châu, Trung Quốc đã bị bắt quả tang tham gia vào một đường dây làm hàng giả”, theo thông tin từ Pursebop, trang web chuyên về túi xách hàng hiệu cao cấp. Trang web cũng cho rằng: “Với tư cách là người trung gian, vai trò của cô ấy trong hoạt động này là bán những chiếc túi xách mẫu mới chưa chính thức ‘lên kệ’ cho những kẻ làm hàng giả. Sau đó những người này sẽ làm túi giả và bán các phiên bản của chúng cùng với thời điểm hàng thật được tung ra thị trường”.

Trước sự việc trên, ông Zhou Ting (Giám đốc Viện Fortune Character, kiêm chuyên gia về hàng hiệu) cho biết, các cửa hàng của Louis Vuitton đều do chính phủ trực tiếp giám sát và chắc chắn không nhập hàng giả.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có vài tình huống khiến khách hàng bị mua phải túi fake. “Phổ biến nhất là hiện tượng nhân viên tráo hàng. Hàng thật bị họ lấy đi và gói hàng fake cho khách. Tình hình này tồn tại ở tất cả thương hiệu cao cấp”, ông Zhou Ting nói.

Điển hình, tháng 9/2021, cửa hàng Gucci Thượng Hải cũng đã phát hiện nhiều mẫu túi giả trong kho của mình. Sau đó, họ báo cảnh sát để điều tra và phát hiện ra Jin - một nhân viên cũ của cửa hàng, đã đánh tráo sản phẩm, bán túi thật ra bên ngoài. Jin dùng những mẫu túi giả để cất vào kho. Trong khi đó, các sản phẩm thật được Jin bán lại với giá rẻ hơn. Jin đã bán được 5 chiếc túi của hãng.

Ngoài việc nhân viên tráo hàng, một số nguyên nhân khác khiến hàng fake được bán tại cửa hàng của hãng. Ông Zhou Ting cho biết ở một số thương hiệu, các nhân viên tập hợp thành một nhóm chuyên bán hàng fake. Họ giấu thương hiệu và bán các sản phẩm giả cho khách hàng. Hiện tượng này từng xảy ra tại Hermès Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn cung cũng khiến một số cửa hàng nhập đồ fake. Khi doanh số bán hàng bùng nổ, các cửa hàng vội vã tìm nhà cung cấp. Nguồn cung thiếu hụt, nhiều món hàng fake có chất lượng tốt như hàng thật... khiến tình trạng đồ giả xuất hiện tại cửa hàng.

Gia Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-tieu-dung-xu-trung-hoang-mang-vi-vao-cua-hieu-chinh-hang-van-mua-phai-hang-fake-post451017.html