Người tình của vua nước Pháp
Năm 1737 tại một khu phố có nhiều người trung lưu ở Paris, người ta hay thấy một thiếu nữ đẹp đi cùng nhà tài phiệt Le Normant de Tournehem.
Chỉ rất ít người biết bí mật của họ. Cô gái chính là con ngoại tình của vị tướng với mẹ nàng, nhưng bù lại nàng lại được vị nghĩa phụ - ông De Tournehem quan tâm rất mực và hết lòng thương yêu.
Cô gái đó - tên là Jeanne Antoinette Poisson - được ngài Tournehem cho học đến nơi đến chốn cả chữ nghĩa lẫn hội họa, âm nhạc, sân khấu, giao tiếp…
Một hôm, bà Lebon - người bói bài tây nổi tiếng của Paris có dịp gặp cha con Antoinette. Quan sát, bà thấy cô gái có dáng người tầm thước, cân đối, mặt hình trái xoan, tóc màu hạt dẻ, mũi thẳng, tiếng cười trong trẻo, màu mắt rất khó xác định vì rất ảo diệu, khi màu đen, khi đen pha nâu, khi lại có sắc xanh lấp lánh.
Kết hợp bói bài tây với khoa học nhân dạng, bà Lebon cho rằng với vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa trời phú, với đôi mắt lạ đầy sự cám dỗ đó, sau này người tri kỷ của Antoinette phải là vị quân vương đứng đầu đất nước.
Antoinette sinh năm 1721, trong một gia đình tầng lớp thấp, mẹ nàng là một người phụ nữ đẹp có nhiều ước vọng nhưng lấy phải một ông chồng tầm thường làm tiếp phẩm trong một công sở. Nàng sớm được cha nuôi, nhà tài phiệt - người tình của mẹ nuôi dưỡng.
Đến năm nàng 19 tuổi, ngài Tournehem gả nàng cho người cháu mình tên là Lenormant d’Etoiles. Đó là một chàng trai giàu có, tốt bụng nên Antoinette thấy tương lai mình hoàn toàn được bảo đảm và nàng đồng ý làm vợ d’Etoiles.
Được một thời gian, hôn nhân bắt đầu làm Antoinette nhàm chán, nàng nảy ra ý định chinh phục nhà vua Louis XV khi có cơ hội. Trong giới thượng lưu, tại các buổi lễ tiếp tân, nàng dần được hâm mộ bởi cách nói chuyện hóm hỉnh, sắc sảo, nàng còn rất hay hát những bài hát mà cử tọa yêu cầu.
Nàng cũng tích cực tham gia đóng vai các vở kịch do chồng nàng viết, tổ chức diễn ở những sâu khấu, nhà hát tập trung đông đảo giới trí thức, thượng lưu.
Do sự cản trở của nữ công tước Shatora nên Antoinette không thể tiếp cận vua Louis XV. Đầu năm 1745, nữ công tước Shatora bị đột quỵ, qua đời nhanh chóng, nghe tin đó Antoinette liền âm thầm chuẩn bị kế hoạch tiếp tục chinh phục nhà vua.
Dịp may đã đến: Cuối tháng 2/1745 có vũ hội hóa trang tại cung đình, vua Louis XV đeo mặt nạ sư tử, dạo một vòng và phát hiện ra một thiếu nữ đeo mặt nạ cáo trắng.
Người đeo mặt nạ cáo trêu vua, dụ vua đuổi theo đến cuối hành lang, vua sốt ruột bỏ mặt nạ ra rồi yêu cầu cô gái cũng cởi mặt nạ. Antoinette bỏ mặt nạ và giả vờ đánh rơi chiếc khăn tay thêu chữ A, đức vua khẽ “ồ” một tiếng rồi nhặt chiếc khăn giúp nàng và cầm lấy tay người đẹp.
Ngay đêm đó vua sai người hầu tâm phúc là La Binhe mời Antoinette đến tự tình với vua ở một chỗ bí mật trong khu cung điện Versaille.
Hai tháng sau quan hệ giữa vua và Antoinette càng tiến triển tốt. Nàng tìm cách đẩy chồng đi làm đại diện văn phòng của ông bác Tournehem ở tỉnh rất xa rồi ly hôn. Nàng cũng gạt bỏ được các tình địch khác, đồng thời chiếm được hoàn toàn trái tim của vua Louis XV, người mà có lúc đã phát biểu: “Sau ta là nạn hồng thủy cũng mặc”.
Tháng 9/1745, nàng chính thức ra mắt triều đình với cương vị là nữ hầu tước Pompadour, sủng phi của nhà vua. Từ đó nàng có cả quyền lực, địa vị, tiền bạc.
Trong gần 20 năm tiếp theo, Antoinette là người tri kỉ và cố vấn của nhà vua, giúp vua chọn hoặc bãi nhiệm các quan Thượng thư. Nàng mua sắm trang hoàng lộng lẫy cho mình và cho hoàng cung; xây dựng nhiều công trình, sưu tầm tác phẩm nghệ thuật.
Nàng bảo trợ, giúp đỡ hết mực cho các văn nhân, học giả như Vonte, Ronseau, Crebilion, Monteskie, Dideroau. Nàng mở nhiều triển lãm ở Versaille để giúp họa sĩ, nghệ nhân làm gốm bán sản phẩm và thành danh.
Do sự sủng ái đặc biệt của Louis XV, sinh thời, bà Pompadour sở hữu hơn một chục lâu đài, trong đó có tòa Hotel d’Evreux (quy mô nhỏ hơn lâu đài) mà sau này chính là điện Élyseé, nơi làm việc của các đời tổng thống Pháp.
Khi nhan sắc bắt đầu giảm, nàng chủ động tuyển chọn các người tình cho đức vua để mình kiểm soát được họ. Về cuối đời, do tình nghĩa, đức vua vẫn qua lại và coi nàng là bạn hơn là người tình, vì nàng đau yếu, nhan sắc đã tàn phai.
Năm 1764, trong một chuyến du ngoạn, nàng bị cảm, viêm phổi nặng và ngất đi. Vua ban đặc ân là cho phép đưa nàng vào điện Versaille để được trút hơi thở cuối cùng ở đó.
Đúng hôm nàng mất, bão tố mù mịt, ngồi một mình trong phòng, đức vua nhớ lại mọi kỷ niệm với nàng. Ông nức nở đau đớn, khóc to khi ngoài trời mưa như trút nước, gió rít từng cơn...
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tinh-cua-vua-nuoc-phap-post638681.html