Người tổn thương thận: Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc

Trong quá trình dùng thuốc, thuốc có thể gây độc cho thận, khiến chức năng của thận bị rối loạn, ảnh hưởng dây chuyền đến các cơ quan khác, thậm chí gây nguy hiểm. Vì vậy, những người đã, đang mắc bệnh về thận, đặc biệt là suy thận cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc.

Thận là cơ quan chính thải trừ thuốc, bởi vậy nên nhu mô thận rất nhạy cảm với thuốc. Thuốc có thể gây tổn thương thận theo các cơ chế: Giảm tưới máu thận, độc trực tiếp lên tế bào ống thận, tổn thương kẽ thận, tắc mạch máu thận, tắc ống thận cùng các biểu hiện của suy thận cấp và mạn.

Gan và thận là 2 cơ quan thải trừ thuốc, có những thuốc thải trừ chủ yếu qua gan, có những thuốc lại thải trừ chủ yếu qua thận. Vì vậy, khi bị bệnh thận, chức năng thận bị suy giảm, việc sử dụng thuốc ở người bị bệnh thận có 3 nguy cơ xảy ra, đó là thuốc gây độc cho thận làm suy giảm chức năng thận nặng hơn.

Thứ hai, thuốc được thải trừ chậm sẽ bị tích lũy trong cơ thể, gây tăng tác dụng.

Thứ ba, gây rối loạn nội môi do suy thận, từ đó dễ bị nhiễm độc thuốc ngay cả ở liều đã được tính toán coi như phù hợp.

Một số thuốc gây độc cho thận

Với một người thận khỏe mạnh, khi mắc một bệnh nào đó, phải dùng thuốc, thận sẽ thanh lọc một cách bình thường, nhưng với người mắc bệnh về thận, nhất là suy thận (mọi chức năng của thận đã suy giảm) khi dùng một số thuốc có nguy cơ làm tổn thương thêm cho thận.

Một số thuốc có thể gây độc hại cho thận, nhất là dùng kéo dài, liều lượng cao và đặc biệt tự mua thuốc để tự chữa bệnh không theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh. Ví dụ như một số thuốc kháng sinh nhóm amynoglycosid (streptomycin, gentamycin, amikacin...), nhóm quinolon (ciprofloxacin, ofloxacin...), nhóm vancomycin, nhóm cyclin, nhóm cephalosporin thế hệ 1, 2 hoặc kháng sinh chống nấm (amphotericin B, ketoconazol...) hoặc thuốc Nam, Đông y không rõ nguồn gốc; thuốc cản quang dùng để chụp Xquang có độ thẩm thấu cao hoặc một số hóa chất điều trị ung thư (cisplatin, methotrexat...).

Người bị tổn thương thận cần chú ý khi dùng thuốc.

Người bị tổn thương thận cần chú ý khi dùng thuốc.

Ngoài ra, một số thuốc không gây độc trực tiếp lên thận nhưng gây thiếu máu thận làm giảm mức lọc cầu thận hoặc nếu dùng kéo dài sẽ gây suy thận thực thể. Ví dụ, các thuốc hạ huyết áp, khi dùng quá liều gây tụt huyết áp làm thiếu máu thận và suy giảm mức lọc cầu thận, đặc biệt là nhóm thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II. Các thuốc chống viêm không steroid (indomethacin, diclofenac...), ức chế tổng hợp prostaglandin là yếu tố gây giãn mạch dẫn đến thiếu máu thận.

Những lưu ý khi dùng thuốc ở người có vấn đề về thận

Chúng ta đều biết, thuốc (Tây y hay thuốc Nam, Đông y) đều có tác dụng chữa bệnh và mọi loại thuốc khi đưa vào cơ thể đều đi qua thận và được lọc ở đây. Vì vậy, khi bị bệnh thận, nhất là thận đã suy cần hết sức lưu ý phải được kiểm tra chức năng của thận (tức là tuân theo chỉ định xét nghiệm của bác sĩ khám bệnh) trước khi sử dụng thuốc để biết rõ và chính xác tình trạng bệnh của thận, mức lọc cầu thận và phải được kiểm tra chức năng thận trong quá trình sử dụng thuốc, nhất là khi dùng thuốc dài ngày.

Tuân thủ các chỉ định và hướng dẫn khi dùng thuốc của bác sĩ khám, chữa bệnh để tránh ảnh hưởng xấu đến thận.

Không tự mua, uống thuốc hoặc không tự thay đổi liều lượng hoặc thay đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ khám bệnh cho mình để tránh làm nguy hại cho thận do sử dụng thuốc không đúng.

Bên cạnh đó, uống đủ nước hàng ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh lọc thuốc (có những loại thuốc khi sử dụng cần uống nhiều nước để giúp thận thanh lọc thuốc tốt hơn).

TS.BS. Bùi Mai Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-ton-thuong-than-luu-y-dac-biet-khi-dung-thuoc-n190017.html