Người tốt cũng khổ
Mấy hôm nay hai vợ chồng Hai Nên ngủ riêng.
Thường thì vợ chồng giận nhau chỉ loanh quanh vài lý do vụn vặt đại loại như ăn nhậu, tiền bạc, nặng hơn thì số đề, đánh bài, cá độ đá banh.
Nhưng hai vợ chồng Hai Nên không giận nhau vì tất cả các lý do đó. Hai Nên là người kỹ tính, gia trưởng lại cầu thị, không bao giờ sa vào mấy tật xấu của đàn ông. Bảy Tình cũng biết vậy chớ, vẫn mừng thầm vì chồng mình chịu khó làm ăn lo cho gia đình chu toàn. Mười mấy năm sống với nhau có hai mặt con, có khi nào Bảy Tình giận dỗi chồng đến độ ngủ riêng đâu.
Có vài lần không vừa ý thái độ của chồng với nhà vợ thì cũng nằm úp mặt vô tường, nói thêm vài câu nặng nhẹ, qua một đêm là hai vợ chồng làm hòa liền. Lần này thì khác, Bảy Tình bỏ chồng ngủ trong giường còn mình trải chiếu ra phòng khách ngủ với câu tuyên bố xanh rờn: “Mạnh ai nấy ngủ đi, từ nay đừng chồng vợ gì hết”.
Hai Nên không thèm đáp. Kệ. Muốn làm gì thì làm. Quen thói hung dữ bắt nạt chồng, mình sai mà còn giận dỗi. Để xem ngủ riêng được mấy bữa. Nhưng coi bộ lần này Bảy Tình không có ý định chấm dứt chiến tranh lạnh sớm nữa rồi. Mấy ngày nay không chỉ ngủ riêng mà ngay cả nói chuyện với chồng cũng không. Hễ mỗi lần muốn nói với chồng cái gì là biểu con nói với ba. Tức cười đến độ dọn cơm ra cả nhà ngồi vào bàn đông đủ rồi, muốn hỏi chồng có ăn mắm ớt không mà chị biểu thằng con trai lớn:
- Hỏi ba coi có ăn mắm không?
Hai Nên tức cười lắm mà ráng kìm lại, giả bộ nghiêm nghị trả lời vợ:
- Khỏi đi. Có gì chấm đâu mà ăn mắm.
Thằng con lớn ngạc nhiên nhìn ba má:
- Ủa, sao ba má hông tự nói với nhau mà sai con không vậy? Hôm nay ba má bị làm sao vậy.
Đứa con gái nhỏ lanh chanh:
- Má giận ba đó nha. Tối má đâu ngủ chung với ba đâu.
Nghe con nói vậy Bảy Tình cũng chẳng thèm chống chế. Kệ. Để cho con cái biết cho xấu cái mặt ông ra. Ai đời làm đàn ông mà chuyện nhà không lo cứ xách dép đi lo chuyện thiên hạ. Sao không dọn ra ở riêng, tự lo cơm nước, dọn dẹp cho bản thân xem còn thời gian mà đi lo chuyện thiên hạ không. Ở nhà vợ hầu cho hết, cơm nước đủ đầy, con cái cũng chẳng đụng tay dạy dỗ, rảnh rỗi quá, sướng quá đâm ra buồn tay buồn chân lo giúp cho thiên hạ hoài.
Trời ơi là trời, có con vợ mà hở tí là ích kỷ. Người sống thì phải có tấm lòng thương người chứ. Mình giúp người ta để đức cho con cái sau này. Thôi được rồi đó, giúp thì cũng có chừng có mực, ai đời mà lấy tiền mình ra lo cho thiên hạ, con cái thì không lo. Người ta nghèo khổ thì mình giúp. Cái nghề này đâu có lấy tiền bạc làm trọng được, phải có tâm chứ. Thôi thôi, ông đem cái tâm của ông đi sống một mình đi, vợ thì làm è cổ nuôi con, chồng không phụ giúp còn nói chuyện vậy. Nếu có tâm, trước hết hãy lo giúp vợ giúp con đi cái đã.
Vậy là Bảy Tình quyết định từ nay không nằm gần cái con người chỉ biết lo chuyện bao đồng đó nữa. Sao mà không tức cho được, đi làm lương tháng không đưa cho vợ một đồng, để dành đó mua thuốc này thuốc nọ, tưởng đâu khám bệnh bốc thuốc cho người ta thì ít ra cũng có đồng ra đồng vô, ai dè ổng khám không lấy tiền, châm cứu không lấy tiền công, đến bốc thuốc cũng không lấy tiền nốt. Mà, có phải thuốc tự làm ra được đâu, thuốc phải đi mua lại của mấy tiệm thuốc Đông y, đơn thuốc có khi hơn cả triệu bạc. Vậy hỏi vợ nào là vợ không giận.
Thiệt là khổ. Đang yên đang lành tự dưng nổi hứng đòi đi học Đông y, biểu anh thích nghề này lâu lắm mà chưa học được. Cũng nghĩ thầm thích thì cứ học đi, có công có việc làm cho khỏi sanh tật. Bỏ công, bỏ tiền ra học ba năm trời, ai dè khi tốt nghiệp xong rảnh rỗi là chạy đi khám bệnh, châm cứu, bốc thuốc không công cho người ta. Còn biểu:
- Kệ nó em, thầy thuốc là phải có tâm. Mình thấy người ta vậy chẳng lẽ không giúp sao.
- Trời ơi là trời, trên đời này người khó người khổ biết bao nhiêu mà kể xiết, ông giúp được hết sao? Mà chưa kể “giúp vật vật trả ơn, giúp nhân nhân trả oán”. Ông giúp người ta rồi người ta có giúp lại ông được cái gì không.
- Chèng ơi, đừng có suy nghĩ vậy vợ ơi, mình giúp người ta đâu phải cầu người ta trả ơn. Mình sống tốt thì trời giúp mình chuyện khác.
- Chuyện khác là chuyện gì? Tui thấy gia đình ông nghèo mạt, lo cái ăn từng bữa chứ dư dả gì đâu.
Sau rốt, Bảy Tình kết luận một câu:
- Ông đúng là đồ ích kỷ, chỉ biết bản thân mình. Vợ con cực khổ nheo nhóc trước mắt không nhìn thấy chỉ biết nhìn cái khổ của thiên hạ. Đừng bao giờ vợ chồng gì hết nữa nghe không.
Ban đầu, Bảy Tình định bụng sáng mai sẽ đi tìm phòng trọ dắt hai đứa nhỏ ra ở riêng. Sau nằm suy tính lại thấy tiền nhà trọ tốn một khoản kha khá, chưa kể bất tiện vì xa trường học của con, rồi thì mình đã tốn bao công sức xây dựng mua sắm trong cái nhà này giờ bỏ đi tay trắng sao được. Thôi thì có điên lắm cũng ráng nhịn nhục chung nhà, cho con cái nó có người gọi cha đi học bạn bè khỏi chê cười.
Vậy là ngôi nhà nhỏ giờ đây im ắng lạ, không còn tiếng cười đùa như trước nữa. Cơm tối xong vợ chồng người cái điện thoại ngồi mỗi góc lướt, hai đứa con bấm tay nhau thầm thì vào phòng học bài không dám coi tivi sợ bị má la. “Tình trạng này mà cứ kéo dài thì ngột ngạt đến chết được”, Hai Nên thầm nghĩ, mà muốn kết thúc thì chỉ có một cách xuống nước với vợ, tính Bảy Tình thì anh rành quá mà, đã nói là làm, đàn bà tính nóng hơn đàn ông.
Mấy lần trước vợ chồng gây nhau anh cũng phải xuống nước làm lành mới yên, nhưng lần này thì không thể xuống nước được, rõ ràng anh có sai đâu là tại vợ anh quá đáng, cái gì cũng tiền tiền, mở miệng là tiền tiền. Không tiền sống được sao? Hai đứa con ông học hành bằng gì? Nhà này ăn uống bằng gì? Hễ mỗi lần Hai Nên góp ý với vợ là vợ nhảy đong đỏng vào họng anh như vậy, đành im lặng. Cô ấy nói cũng đúng, thời buổi giờ học hành tốn đủ thứ, nào sách vở, đồ dùng, học phí mới vừa tăng gấp đôi, lại thêm tiền học thêm vài ba môn, không cho con học thì thua kém bạn bè mà cho học thì tốn kém quá đỗi. Lương làm ra không đủ chi tiêu khi mà vật giá thứ gì cũng ngày một tăng giá.
Những cái khổ của vợ anh biết hết chứ, nhiều khi cũng thấy bản thân mình vô dụng khi để vợ con phải chịu khổ. Có điều, nhìn lên thì mình không bằng ai nhưng nhìn xuống thì cũng nhiều người khổ hơn mình. Sống ở đời mà cứ bo bo giữ cho riêng mình thì sao được, thấy người ta khó khăn, bệnh tật trước mắt mình giúp được mà không giúp thì sao ăn ngon ngủ ngon được. Vậy cho nên anh khám bệnh, châm cứu miễn phí, có khi gặp người quá nghèo khổ thì không cả lấy tiền thuốc.
Thế là khoản tiền đưa vợ hằng tháng cứ eo hẹp dần, lúc thì tốn tiền mua kim châm cứu, lúc thì đóng giường để bệnh nhân nằm châm cứu, lúc thì tiền bốc thuốc bắc… Mỗi thứ một ít cứ cộng dồn lại, thành ra lương vừa lãnh đã hết, ngay cả tiền ăn sáng uống cà phê cũng không có, anh đành phải nhịn, cắt giảm bớt chi tiêu cá nhân. Thế là vợ điên lên vì chi phí sinh hoạt tăng mà tiền chồng đưa cứ ít dần. Nghĩ cũng thương.
Dẫu biết vậy nhưng Hai Nên vẫn giận vợ quá chừng bởi con người cô hễ hở ra là tiền là bạc. Sống ở đời cái tình phải quan trọng nhất chứ. Ai đời hai vợ chồng mới gây nhau là đòi dẫn con đi, còn viết cả đơn ly dị nữa. Xưa giờ anh nhịn quá nên vợ cứ thế được nước lấn tới mà. Lần này quyết không nhịn nữa, đi được thì đi đi.
Hai Nên đâu có biết Bảy Tình quyết định không đi nữa, cũng không ly dị nữa. Chẳng ngu. Bao năm đổ mồ hôi nước mắt xây dựng giờ ra đi tay trắng sao cam lòng. Nhà mình mình cứ ở, cứ mạnh ai nấy sống xem sao. Nhưng sống chung một nhà mà cứ nhìn thấy mặt là cơn tức lại dâng lên chắn ngang cuống họng thì cũng không lấy gì làm dễ chịu.
Từ hồi giận nhau, chẳng đêm nào Bảy Tình ngon giấc. Đêm nào cũng co ro trong tấm chăn, lạnh lẽo. Quen gác chồng ngủ, giờ thiếu hơi chẳng thể ngon giấc được, trằn trọc khi tỉnh khi mê, tới sáng thì đầu óc ong ong, mệt mỏi. Một tháng trôi qua, cô sút liền mấy ký vì chẳng ăn chẳng ngủ được, da mặt sạm đen lại, hai hốc mắt thâm quầng, nhìn già đi mấy tuổi. Đôi lần trong đêm, cô cũng muốn chạy vào giường ôm chồng làm lành nhưng rồi kiềm chế lại, không thể xuống nước được, làm thế mai mốt hắn ta cứ đà đó leo lên đầu lên cổ mình ngồi.
Hai vợ chồng ai cũng quyết tâm không xuống nước làm lành, thành ra, chung một mái nhà mà hai con người cứ lăn qua trở lại suốt đêm. Không biết tình trạng này còn kéo dài tới bao lâu nữa đây.
Hai ngày nay Bảy Tình thấy bất ổn trong người. Bụng hay cồn cào, lại hay ợ chua, có khi ăn vào đã muốn ói ra. Cơ thể mệt mỏi chẳng muốn làm gì. Bữa nay đang làm thì bụng đau quằn quại, sống lưng lạnh toát, mồ hôi mẹ mồ hôi con đổ ra như tắm. Đồng nghiệp lật đật gọi cho Hai Nên. Nghe vợ bệnh, anh vội chạy ngay tới. Nhìn biểu hiện của vợ anh đoán ngay bị đau bao tử. Thế là vội chở vợ về, sẵn thuốc trong nhà lấy siêu sắc liền cho vợ thang thuốc. Trong khi chờ thuốc cô đặc, anh bấm huyệt giảm cơn đau cho vợ. Bữa đó một tay Hai Nên lo cơm nước, con cái từ A tới Z.
Sau khi uống vài thang thuốc chồng sắc, Bảy Tình đã hết đau. Hai Nên ép vợ ăn uống đúng giờ, dặn dò nhai chậm nhai kỹ, kiêng ăn những đồ gì, cứ như thể vợ còn nhỏ dại lắm vậy. Thấy chồng lăng xăng lo cho vợ, cho con, tự dưng cơn tức giận của Bảy Tình xẹp lép. Đâu có dễ tìm được người chồng như vầy. Thôi thì được cái này mất cái kia, tuy Hai Nên không giỏi kiếm tiền nhưng lại là người tình cảm, biết chăm lo gia đình.
Vả lại, cái tình vợ chồng nó còn sâu đậm lắm, giận thì đòi bỏ vậy chứ không thấy mặt nhau thì khó chịu, buồn bã lắm. Thế là hai vợ chồng làm lành với nhau lúc nào chẳng rõ. Tối tối, gối đầu lên vai chồng, nghe hơi ấm từ chồng truyền qua da thịt, Bảy Tình tự nhiên thấy lòng bình yên lạ, ngủ ngon giấc không còn trằn trọc nữa. Cô tự nhủ thầm thôi thì kệ, dù gì cái anh đam mê cũng chẳng gây hại cho ai, thôi thì cái nghiệp lận vào thân biết sao được.
Một bữa nọ, khi Bảy Tình đang lúi húi bằm cây chuối cho gà thì một bà già tới nhà tìm Hai Nên. Khi biết không có Hai Nên ở nhà, bà dúi vào tay Bảy Tình cái bịch đen buộc rất kỹ, dặn dò:
- Nhà chỉ có chục trứng gà vừa đẻ nên dì mang sang tẩm bổ cho thầy Hai. Cũng nhờ thầy châm cứu cho thuốc uống mà dì đi lại được, dì biết ơn lắm lắm.
Hỏi ra mới biết nhà bà ở miệt dưới, đất cát không có phải đi làm thuê cho người ta, ai kêu gì thì làm nấy. Do lao động cực khổ quá nên bị viêm dây thần kinh liên sườn, nhờ Hai Nên châm cứu, bốc thuốc cho uống mà đi lại làm việc được. Dì cầm bàn tay của Bảy Tình mắt rưng rưng:
- Tội nghiệp thầy Hai ngày nào cũng tranh thủ ghé qua châm cứu chớ dì đau đâu có qua đây được. Thầy không chịu lấy tiền dì cũng ngại quá chừng. Mà thiệt tình dì cũng không có tiền, mấy tháng nay đau quá không đi làm mướn được, ăn uống cũng nhờ hàng xóm giúp đỡ. Dì biết ơn vợ chồng con lắm lắm.
Bảy Tình nghe vậy thì dúi bịch trứng gà lại:
- Thôi dì không phải biếu gì hết, cứ cầm về tẩm bổ đi ạ. Vợ chồng con còn trẻ, còn khỏe, còn làm được. Dì đừng có ngại.
Năn nỉ cỡ nào bà cũng không chịu cầm về. Nhìn dáng bà còm cõi dắt xe đạp ra về, nước mắt Bảy Tình chực rớm, nhớ đến má, má cô giờ cũng đã già ốm yếu như vậy rồi. Giờ cô mới hiểu được câu nói của chồng lúc trước: Sống ở đời chữ tình là quan trọng, giúp được ai thì giúp, tích đức cho con.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-tot-cung-kho-post627739.html